Thanh Hóa đề nghị xem xét, thống nhất lại chính sách cho học sinh

(Dân trí) - Hiệu quả thực hiện chính sách chưa đáp ứng được đầy đủ các mục tiêu đề ra, việc cấp gạo, chi trả tiền chế độ, chính sách cơ bản chưa đến học sinh, cấp cho đối tượng không có trong danh sách, hồ sơ thủ tục còn rườm rà, kéo dài…

Đó là những tồn tại, hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho học sinh ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ở Thanh Hóa theo Quyết định 85/QĐ/2010/QĐ-TTg; Quyết định 12/2013/QĐ-TTg và Quyết định 36/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn từ 2011 - 2014.

3-16856
Nhiều đơn vị trường học còn thiếu thốn cơ sở vật chất, nhất là khu bán trú cho học sinh

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Thanh Hóa và Sở Tài chính về kết quả hỗ trợ theo Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, từ năm 2011 - 2014, tổng số học sinh (HS) được phê duyệt thụ hưởng chính sách là 45.078 lượt; tổng kinh phí thực hiện là hơn 214 tỷ đồng; mức hỗ trợ hàng tháng đối với tiền ăn là 40%, tiền nhà ở 10% so với mức lương tối thiểu, thời gian hưởng không quá 9 tháng/năm học.

Ngoài ra, hỗ trợ mua sắm, bổ sung, sửa chữa dụng cụ thể dục thể thao, nhạc cụ sinh hoạt văn hóa mức 100.000đ/HS/năm học; hỗ trợ tiền lập tủ thuốc dùng chung cho khu ở bán trú mức 50.000đ/HS/năm học với tổng kinh phí là 1.587 triệu đồng.

Qua 2 năm thực hiện theo Quyết định số 12 đã có 15.126 lượt HS được thụ hưởng với tổng kinh phí là hơn 39,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, theo Quyết định số 36 qua 2 năm thực hiện (2013 - 2014) cũng đã hỗ trợ được 75.771 lượt HS, tổng số gạo cấp cho các đối tượng là hơn 5.091 tấn, mức hỗ trợ 15kg/HS, thời gian hưởng 9 tháng/năm học; kinh phí hợp đồng đóng bao, vận chuyển là 1.604 triệu đồng.

Nhờ những chính sách hỗ trợ nêu trên, đã kịp thời động viên, hỗ trợ HS là con em đồng bào miền núi, dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhất là những gia đình hộ nghèo vùng đặc biệt khó khăn; là cơ hội tốt nhất cho HS ở vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được đi học và được học tập tốt hơn, động viên HS đến trường.

Theo đánh giá của các nhà trường, có những thời điểm ở miền núi tình trạng HS bỏ học nhiều; HS đi học không chuyên cần diễn ra khá phổ biến. Nhưng từ khi thực hiện chính sách đến nay, HS đi học tăng, bỏ học giảm xuống còn 1%; chất lượng học tập được nâng lên…

5-1e60c

Điều kiện ăn, ở của học sinh nhiều nơi còn khó khăn.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các chính sách cũng còn không ít những tồn tại hạn chế và bất cập. Công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện ở cơ sở còn hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức; chủ yếu triển khai đến cấp xã và Ban giám hiệu nhà trường; một số nơi chưa đến được với cán bộ, giáo viên và nhân dân.

Hiệu quả thực hiện chính sách chưa đáp ứng được đầy đủ các mục tiêu đề ra do chính quyền một số nơi chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, tổ chức thực hiện. Trong khi đó, nhận thức của người dân ở một số địa phương còn hạn chế, còn coi đây là chính sách giảm nghèo, có gia đình còn suy nghĩ con em mình đi học để hưởng chính sách, chưa vì mục đích học tập.

Việc xác định tiêu chí, tiêu chuẩn, đối tượng thụ hưởng chưa căn cứ đầy đủ về tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Thực tế, nhà trường và các địa phương mới xác định được cự ly đến trường mà chưa thẩm tra việc HS có ở lại bán trú khu vực gần trường để học tập hay không. Chưa thống kê, xác định được HS ở vùng sạt lở, qua sông, suối vào mùa mưa lũ, phải ở lại bán trú để báo cáo UBND tỉnh quyết định cho số tháng thụ hưởng thực tế.

Việc xác định cự ly cơ bản chỉ áng chừng, HS đăng ký ở lại học bán trú, nhưng thực tế không ở lại mà vẫn đi về trong ngày chiếm tỷ lệ cao, trên 50% so với tổng số HS được hưởng chính sách, nhất là ở các huyện: Cẩm Thủy, Như Thanh, Như Xuân, Thạch Thành…

Việc cấp gạo, chi trả tiền chế độ, chính sách cơ bản chưa đến HS, chủ yêu do phụ huynh nhận, vì vậy việc sử dụng gạo, tiền hỗ trợ chủ yếu phụ vụ cho nhu cầu của gia đình, hoặc sử dụng vào mục đích khác.

Qua khảo sát của ngành chức năng cho thấy, HS ít được thụ hưởng trực tiếp từ chính sách, như ở các trường THCS một số huyện: Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước… Hơn nữa, cấp gạo 2 lần/năm như hiện nay không phù hợp, bởi số lượng gạo nhận một lần nhiều, không có nơi bảo quản, ảnh hưởng đến chất lượng. Hàng tháng HS thiếu gạo ăn, đến kỳ nhận nhiều sử dụng không hết, gia đình bán đi hoặc sử dụng vào mục đích khác. Việc đóng gói hầu hết là 50kg/bao, trong khi theo quy định đóng gói 15kg, 30kg, 45kg, gây khó khăn cho việc cấp phát.

Nhiều trường khi cấp phát còn tồn dư liền cấp ứng cho HS kỳ sau, có trường cấp cho HS không nằm trong danh sách thụ hưởng chính sách như ở huyện: Quan Hóa, Lang Chánh.

Đối với việc hỗ trợ tiền ăn cho HS chưa thực hiện chi trả hàng tháng theo quy định tại Thông tư 65/2011/TTLT và Thông tư 27/2013TTLT về hướng dẫn thực hiện Quyết định số 85 và 12 của Thủ tướng Chính phủ. Hầu hết các trường, qua quá trình giám sát đều thực hiện chi trả theo quý, không phù hợp với nhu cầu chi tiêu thường xuyên hàng tháng của HS.

Thời gian rà soát đối tượng, làm hồ sơ còn kéo dài, hướng dẫn thủ tục chưa rõ ràng, có trường xét lại toàn bộ hồ sơ của HS đã được phê duyệt năm học trước; số liệu báo cáo thiếu chính xác…

Nguyên nhân của những tồn tại, bất cập nêu trên là việc ban hành các Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chậm; Thông tư số 65/2011/TTLT hướng dẫn thực hiện có nội dung chưa phù hợp với thực tiễn; nhất là quy định về các tiêu chí xét duyệt HS bán trú chưa đầy đủ; việc xác định khoảng cách cần phải khảo sát mất nhiều thời gian; địa bàn rộng, đối tượng nhiều, hồ sơ xét duyệt phức tạp…

20131225-113403-a8836
Việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn là cần thiết

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan, còn có những nguyên nhân chủ quan như: cấp ủy, chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức, chưa tập trung, thiếu kiểm tra; chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách của Thủ tướng Chính phủ; một số ban giám hiệu nhà trường nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, ý nghĩa của chính sách; Phòng GD-ĐT chưa tham mưu tốt cho UBND huyện trong chỉ đạo thực hiện việc rà soát đối tượng, lập dự toán, cấp phát dạo, chi trả tiền hỗ trợ cho HS bán trú; đội ngũ kế toán trường còn yếu về nghiệp vụ.

Từ đó, ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đề nghị Thủ tướng xem xét sửa đổi và thống nhất các chính sách thành một quyết định chung; sửa đổi Điều 3, Quyết định số 85, nâng mức hỗ trợ tiền ăn từ 40 lên 60% và tiền ở bán trú từ 10 lên 20% so với mức lương tối thiểu, để đảm bảo mỗi ngày HS được hỗ trợ tiền ăn từ 20 - 25.000đ; bổ sung kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các truwongf phổ thông dân tộc bán trú; hỗ trợ kinh phí quản lý và chi phí thực hiện các chính sách cho các đơn vị nhà trường.

Đề nghị cấp gạo 4 lần/năm học; Sở GD-ĐT tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các huyện, các nhà trường tổ chức thực hiện các chính sách đảm bảo, kịp thời, đúng đối tượng…

Duy Tuyên