Tết thầy xưa và nay

(Dân trí) - Sự tác động của thời đại khiến tục lệ Tết thầy ngày nay cũng thay đổi khá nhiều. Có thể thấy nhiều nơi, nhiều khi lịch "tết thầy" đã âm thầm chuyển từ ngày mùng Ba tháng Giêng âm lịch sang những ngày trước tết, thậm chí cả tháng trước tết trở thành tháng "tết thầy"...

Tết thầy xưa...

Dân mình có câu "công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy", lại cũng có câu "Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy" - là nhắc một thuần phong mĩ tục lâu đời: ngày mùng Một thiêng liêng nhất, cả gia đình về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng bên nhà cha. Tới mùng hai, cả nhà lại cùng nhau sang bên ngoại, chúc tết họ hàng bên mẹ. Mùng ba, các trò dù ở độ tuổi nào, địa vị ra sao, đều cố gắng tụ tập ở nhà trưởng tràng, cùng các bạn đồng môn tới chúc tết thầy học, mừng tuổi thầy và gia đình thầy.

Ngày xưa, tuy chế độ thi cử rất nghiêm ngặt với ba kì thi hương, thi hội, thi đình, song lại rất ít giáo chức, rất ít trường công, ở cấp huyện, cấp phủ chỉ có một vài huấn đạo, còn hầu hết là các lớp tư. Có thể thầy mở lớp dạy học tại nhà, cũng có thể một gia đình khá giả mời thầy tới nhà, nuôi thầy dạy con ăn học, xóm làng xung quanh gửi con đến thụ giáo, không phải nộp học phí, chỉ ngày lễ tết, cha mẹ học trò mới tới cám ơn thầy, lễ tết tùy tâm, tùy cảnh. Giàu có thì thúng gạo nếp, con gà, bộ quần áo..., nghèo thì cơi trầu, be rượu cũng là! Vật chất tuy không nhiều nhưng sự trọng thị, tri ân thì thật là cung kính.

Ngày xưa, thầy dạy chữ và đạo lý thánh hiền để trò làm người, trò học để làm người, bởi "nhân bất học bất tri lý", để "tu thân, tề gia", cũng để dùi mài kinh sử mong đỗ đạt, công thành danh toại. Và khi đã thấu lẽ làm người, đã công thành danh toại, học trò thường không thể quên ơn thầy, niềm cung kính tri ân như một lẽ tự nhiên; trong lịch sử thành văn, có lẽ không mấy ai làm nhơ sử sách bởi lời tuyên bố "Sợ thầy không bằng giặc, yêu chúa không bằng yêu mình" như người học trò của thế kỉ XVIII.

Lược qua cách dạy/cách học để thấy niềm cung kính trò dành cho thầy hầu như không có bất kì sự miễn cưỡng nào ngoại trừ tấm lòng thủy chung hướng về nguồn cội, bởi "Không thầy đố mầy làm nên"!

Sự tác động của thời đại khiến tết thày ngày nay thay đổi khá nhiều (ảnh: minh họa)
Sự tác động của thời đại khiến "tết thày" ngày nay thay đổi khá nhiều (ảnh: minh họa)

Và tết thầy nay...

Vẫn biết không nên từ tự tương phản "xưa - nay" mà nghĩ tới những tương phản trong đạo lý thầy trò, bởi đạo lý truyền thống, dù thế nào, vẫn là cái căn cốt thiêng liêng trong hồn Việt.

Nhưng vẫn nên nhìn vào những đổi thay. Dù đã có hẳn đề xuất của UNESCO về sự học: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình", nhưng với cơ chế thi cử hiện hành, nhiều nơi, nhiều khi, nhiều người... hướng tới mục đích cao nhất của học là để thi đỗ, để có môt cái bằng, hay chứng chỉ, từ đó, để có một công việc, một vị trí - cái công việc và vị trí không hẳn đã phù hợp với bằng cấp hay chứng chỉ đã có.

Thực tế ấy khiến vị trí cuối cùng của một người học trò thời hiện đại, sau khi rời ghế nhà trường, không thể do người thầy đầu tiên quyết định, cũng không do những người thầy trong cuộc đời anh ta quyết định, nhiều khi, vị trí, sự thành đạt của mỗi con người thời nay lại do rất nhiều những yếu tố, những mắt xích không hề liên quan tới nguồn gốc học vấn hay kinh nghiệm, nhân cách mà họ có được từ khi ngồi trên ghế nhà trường... Đó là một trong số những nguyên nhân khiến lòng tri ân của học trò thời nay không mang sắc thái của sự cung kính tuyệt đối, coi thầy như cha - như ngày xưa.

Tiếp nữa, quan hệ thầy - trò, thầy giáo - phụ huynh nhiều khi mang tính chất của quan hệ cung - cầu với sự chi phối sâu sắc của cơ chế kinh tế thị trường, từ đó xuất hiện sự trả giá, tính sòng phẳng, hoạt động marketing, quảng cáo, rồi những thuật ngữ thời hiện đại khá xa với nghề giáo như thương hiệu, môi giới, bầu show...

Sự khắc nghiệt của kinh tế thị trường làm nảy sinh những cạnh tranh, những đua chen, những cách tự quảng cáo phi sư phạm, thậm chí những hiện tượng đạo văn, đạo tên kiểu "hồn Trương Ba da hàng thịt"... cũng xuất hiện không hi hữu trong môi trường sư phạm.

Trong trường phổ thông, hiện tượng ép học sinh học thêm bằng rất nhiều "nghệ thuật" là hoàn toàn có thật, chỗ này, chỗ kia, cách này, cách khác... làm xói mòn niềm tin, và niềm yêu của trò, sự kính trọng của xã hội với thày và nghề làm thày. Bên cạnh những fanpage (nhiều khi được lập do những giá trị ảo hoặc hội chứng đám đông) còn có những góc nhìn hé lộ những sự thật khá chua xót về người thầy được các em chia sẻ trong các confession, những điều các em chỉ dám nói khi đã ra khỏi "vòng kim cô" của thầy cô với điểm số, với học bạ, với nhận xét, giới thiệu hồ sơ du học...

Với những người thày đích thực, họ đủ tế nhị để cả phụ huynh và học trò hiểu, điều họ cần là tấm lòng thực sự. (ảnh: minh họa)
Với những người thày đích thực, họ đủ tế nhị để cả phụ huynh và học trò hiểu, điều họ cần là tấm lòng thực sự. (ảnh: minh họa)

Trong số những phản ứng quyết liệt trước một quyết định ít nhiều vội vàng, chưa thấu đạt cả tình và lý gần đây về hoạt động dạy thêm của giáo viên ở một thành phố lớn, rất nhiều ý kiến đưa ra lý do "lương giáo viên thấp quá"! Khá nhiều học trò cũ, nay là phóng viên các đài, báo hỏi tôi: vậy không nhẽ học trò và bố mẹ chúng phải giúp cân bằng đồng lương cho thầy cô? Và các thầy cô dạy những môn như Giáo dục công dân, Thể dục, Công nghệ..., họ sẽ cân bằng như thế nào khi không có học sinh học thêm?...

Sự tác động của thời đại khiến tục lệ "Tết thầy" ngày nay cũng thay đổi khá nhiều. Có thể thấy nhiều nơi, nhiều khi..., lịch " tết thầy" đã âm thầm chuyển từ ngày mùng ba tháng Giêng âm lịch sang những ngày trước tết, thậm chí cả tháng trước tết trở thành tháng " tết thầy" - các Bạn phụ huynh họp, thống nhất, lo lễ tết từ Ban giám hiệu tới tập thể các thầy cô dạy lớp của con mình (như các lớp thuộc bậc THPT là khoảng 12, 13 thầy cô gồm cả giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn); rồi sau đó là các phụ huynh lo "đi thầy" (thường là giáo viên chủ nhiệm và giáo viên ba môn chính: toán, văn, ngoại ngữ) trong tư cách cá nhân; rồi những ai không có điều kiện tới từng thầy cô, sẽ gửi "chút tấm lòng/cành hoa khô" nhờ giáo viên chủ nhiệm chuyển giúp. Và đáng buồn nhất là hầu hết những việc đó, cha mẹ làm thay cho con, các con mặc nhiên không phải nghĩ tới ngày "mùng ba lễ thầy" nữa! Phong tục uống nước nhớ nguồn" đẹp đẽ xưa cứ mai một dần với một bộ phận người thời hiện đại.

Tuy nhiên, rất may đó chỉ là hiện tượng nơi này, nơi khác... Với những người thầy đích thực, họ đủ tế nhị để cả phụ huynh và học trò hiểu điều họ cần là tấm lòng thực sự, không biến tướng, và những ngày mùng ba tết vẫn thật đầm ấm, cảm động trong những ngôi nhà nhỏ yên bình, với nụ cười hiền hậu của thầy, với ánh mắt trong veo của trò khi được lớn lên trong một khí quyển trong lành, khi được trở về với cội nguồn thanh khiết, nguyên sơ...

Cô giáo Trịnh Thu Tuyết

(nguyên giáo viên Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội)