Viện nghiên cứu cao cấp về Toán:

“Tàu phá băng” của nền khoa học cơ bản Việt Nam

(Dân trí)- Ngày 19/8, GS Ngô Bảo Châu và các GS Toán học có cuộc gặp gỡ với báo chí thông báo về tình hình hoạt động và kế hoạch tương lai của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán. Tại đây các giáo sư đã chia sẻ nhiều vấn đề để xốc lại nền toán học VN.

Toán học Việt Nam đang đạt kết quả tốt nhất?

Sau sự kiện về Olympic Toán học Việt Nam năm 2011 “tụt dốc” thảm hại sau 35 năm tham gia và nền Toán học Việt Nam hiện nay mạnh hay yếu, nhiều GS hàng đầu về Toán học đã chia sẻ quan điểm của mình.
 
“Tàu phá băng” của nền khoa học cơ bản Việt Nam - 1
Các GS Toán học tại buổi gặp gỡ với báo chí chiều ngày 19/8.

GS Nguyễn Hữu Việt Hưng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội tâm sự: “Nói rạch ròi toán học Việt Nam đang mạnh hay yếu, đang lên hay xuống phải thận trọng. Bất kỳ một từ quá ngắn gọn nào cũng không thể chuyển tải được. Không nên nhìn vào kết quả thi Olympic quốc tế, nhất là kết quả thi của một năm, mà nói là toán học Việt Nam đang đi xuống. Cũng không thể nói thế hệ trẻ hỏng hết. Bây giờ lớp U50 như chúng tôi cả lớp chuyên toán giờ cũng chỉ còn 2, 3 người là còn làm toán. Về toán đỉnh cao thì có thể nói thời điểm này đang đạt được kết quả tốt nhất. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, Chính phủ chi ra một số tiền đáng kể để tự đào tạo, tự lo cho sự phát triển của chúng ta. Mặt khác, cũng không nên đặt lên vai Viện nghiên cứu cao cấp tất cả những gì đang tồn đọng của toán học hay khoa học cơ bản. Viện cũng làm được một số việc như lôi kéo các giáo sư quốc tế, tập hợp các nhóm nghiên cứu toán và đặc biệt góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy ở đại học”.

GS.TS Dương Minh Đức, ĐH Khoa học Tự Nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM, cho hay: “Theo quan sát của tôi, số người đam mê với môn Toán thực tế có rất nhiều. Hơn nữa sinh viên ngày nay so với thế hệ chúng tôi, nhiều em rất giỏi và đam mê quyết liệt với ngành Toán. Nếu chỉ xem xét từ những thành viên đã đoạt giải quốc tế Toán học nhưng không theo đuổi ngành Toán mà kết luận rằng ngành Toán đang đi xuống thì chưa chính xác. Vấn đề ở đây là các thầy ngày càng nghiêng về luyện thi với các mẹo để đoạt giải Olympic quốc tế chứ chưa chú trọng đến việc khơi gợi, nuôi dưỡng đam mê cho các em. Đây là sai lầm lớn. Việc thành lập ra Viện Viện nghiên cứu cao cấp về Toán sẽ là nơi hội tụ, để các nhà Toán học của nước ta dù làm việc ở đâu cũng có nơi để trao đổi, kết nối, qua đó có thể thành lập những nhóm nghiên cứu thay vì những hoạt động rời rạc như lâu nay của các nhà Toán học”.

Là nhà nghiên cứu về Vật lý, GS Đàm Thanh Sơn - Viện Lý thuyết hạt nhân, ĐH Washington nhận xét: “Khoảng cách giữa khoa học cơ bản Việt Nam và các nước khác ngày càng tăng lên, chúng ta ngày càng tụt hậu. Ngay trong khu vực châu Á thì các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Singapore đang có những nỗ lực phi thường để phát triển khoa học cơ bản. Họ không chỉ thu hút tài năng trong nước mà còn thu hút của nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Nếu ta không nỗ lực thì vị trí của ta sẽ ngày càng thấp. Lần đầu tiên ở Việt Nam có cơ quan khoa học đạt tiêu chuẩn thế giới, được hoạt động theo các phương thức của thế giới, đặt vấn đề tài năng lên cao nhất chứ không phải các vấn đề khác. Hiện nay thì các giáo sư về với Viện là tự túc kinh phí, nhưng về tương lai xa “tấm lòng” là không đủ mà cần có cơ chế mới tiếp tục được. Viện Viện nghiên cứu cao cấp về Toán như “tàu phá băng” phá vỡ những cản trở về cơ chế cho các ngành khác đi theo”.

Cùng quan điểm, GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale cũng cho rằng: “Thành công của Viện sẽ quyết định cho việc tiến lên của khoa học cơ bản VN”.

Thay đổi việc cư xử với người tài

Nhận định về việc ra đời của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, GS Trần Văn Nhung, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cho rằng: “Viện NCCCT là sự kiện đầu tiên trong lịch sử của khoa học và toán học Việt Nam hiện đại. Đó là nhờ sự quan tâm của Chính phủ tới nền khoa học cơ bản và Viện NCCCT ra đời. Bên cạnh đó, cái đáng quý nhất là có GS Ngô Bảo Châu, GS Vũ Hà Văn, GS Đàm Thanh Sơn… và nhiều GS khác ở nước ngoài vì sự vẫy gọi đã về với tổ quốc. Các GS bỏ tiền mua vé máy bay về Việt Nam và giảng dạy nhiều tháng trời nhưng không có thù lao như GS Ngô Bảo Châu, tất cả vì tình cảm vì sự tương lai của chúng ta. Đó là sự đáng quý xuất phát từ trái tim, từ tấm lòng. Tôi rất mừng là Bộ GD-ĐT đang xem xét thay đổi lại việc cư xử với học sinh đoạt giải quốc gia là trở lại như ngày xưa, những em học sinh đoạt giải quốc gia sẽ được vào thẳng đại học. Với người tài cần có cư xử khác”.
 
“Tàu phá băng” của nền khoa học cơ bản Việt Nam - 2
GS Ngô Bảo Châu chia sẻ với báo chí về hoạt động của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán.

Nói về hoạt động của Viện NCCCT, GS Ngô Bảo Châu cho biết: “Hằng năm, Viện NCCCT xây dựng 2 - 3 chương trình toán học trọng điểm như là tổ chức seminar để các nhà khoa học tới tham dự. Sau đó,Viện tập hợp lại thành seri bài giảng của Viện, rồi in ra như là một lịch sử hoạt động của Viện đều đặn để truyền bá trong giới khoa học và quốc tế”.

GS Châu cho hay:  "Trong những năm tới, Viện sẽ triển khai nhiều hoạt động về nghiên cứu ứng dụng. Cá nhân tôi sẽ nỗ lực để Viện có những hoạt động khoa học toán học ứng dụng liên quan tới ngành khác như khoa học, viễn thông, vật lý… Chúng tôi cố gắng hết sức làm việc để cuốn hút các anh em trẻ nghiên cứu toán học trên thế giới. Đối với với họ, câu hỏi có nên về Việt Nam hay không, lúc nào cũng đặt trên đầu. Cái chính điều kiện để cho họ về Việt Nam có thời gian và có cơ hội làm việc vì khi về họ không thể tìm ngay được việc làm ở các trường đại học, mặc dù điều kiện đó quá sang, nhưng khi họ về Việt Nam họ bắt đầu bằng việc triển khai một đề tài nghiên cứu cụ thể với đồng nghiệp Việt Nam, tạo cho họ triển khai nhóm nghiên cứu, đó chính là một bước đầu tiên giữ chân họ, lôi kéo họ về với đất nước. Đó là cái mong muốn và kỳ vọng của chúng tôi.

Nhận định với tư cách cá nhân về phong trào toán quốc tế Việt Nam hiện nay, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ: "Nguyên nhân dẫn đến việc biến mất của đỉnh cao toán học là hệ quả của phong trào trường chuyên lớp chọn.  “Chân” của phong trào là cấp I và cấp II nhưng chúng ta đã bỏ “chân” đó đi thì đỉnh sẽ sụp đổ. Còn nguyên nhân khác, đó là tâm lý thực dụng quá mức của xã hội toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung, nhiều phụ huynh coi đây là ngành quá lãng mạn, không thực tế, không đảm bảo cho con cái mình về vật chất nên hướng con mình  học ngành khác như kinh tế thực tế hơn. Mặt khác, phải kể đến thù lao của các giáo viên Toán quá thấp nên họ đã sao nhãng việc giảng dạy để đi luyện thi. Tuy nhiên, để xây dựng lại sự mất mát này không phải ngày một ngày hai cần phải có thời gian. Các thầy tham gia hội đồng khoa học Viện NCCC về toán đã nhìn thấy trước từ vài năm trước. Chính vì lý do đó, giới khoa học đã khẩn thiết yêu cầu Chính phủ soạn thảo chương trình toán học trọng điểm quốc gia, trong đó có Viện NCCCT".
 

Thông tin với báo chí về tình hình hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (NCCCT), GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học Viện cho biết: “Ngày 16/8/2011, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ra quyết định thành lập thành lập hội đồng khoa học của Viện nhiệm kỳ 2011 - 2014 gồm 14 giáo sư, trong đó có 2/3 đang hoạt động trong nước và 1/3 đang hoạt động tại nước ngoài. Viện cũng đã được Chính phủ cấp kinh phí hoạt động năm 2011 là 4,4 tỷ đồng. Ban giám đốc Viện cũng đã trình Bộ GD-ĐT kế hoạch hoạt động của Viện năm 2012.

Về hoạt động khoa học, ngày 23/6 - 18/8/2011, Viện NCCCT bắt đầu hoạt động khoa học dưới hình thức sinh hoạt seminar hè do GD Ngô Bảo Châu chủ trì về “Chương trình Langlands”. Ngày 12/7 - 18/8/2011, GS Vũ Hà Văn, ĐH Yale, chủ trì seminar về “Phương pháp xác suất trong toán học hiện đại”. Nhiều nhà toán học tại Hà Nội đã tích cực tham gia các seminar. Đặc biệt có hơn 10 nhà toán học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài cũng đã bố trí về cùng tham dự và thuyết trình (tự túc vé máy bay). Nhiều buổi có tới 40 - 50 người nghe.

Ngày 23/8/2011, GS Nguyễn Hữu Dư (trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) chủ trì seminar về “Xử lý tín hiệu”. Nhóm nghiên cứu của GS Nguyễn Hữu Dư có sự hỗ trợ của một số nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài. Ngày 16 - 17/1/2012, Viện NCCCT sẽ làm việc với Ban tư vấn quốc tế của Viện. Đây là dịp để Viện NCCCT ra mắt với cộng đồng khoa học quốc tế.

Hồng Hạnh