Sức nóng ngành chứng khoán giảm nhiệt

Hơn 4 năm trước, ngành Chứng khoán của mùa thi 2005-2006 “sốt xình xịch”, thì nay ngành này đã giảm nhiệt. Đây là lời cảnh báo cho xu hướng chọn nghề theo trào lưu của thí sinh và phụ huynh.

Thị trường tuyển dụng thờ ơ, nhưng nhà trường vẫn lạc quan

Năm 2009, nhiều người đã nhìn thấy rõ sự sụt giảm mạnh của nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành Chứng khoán. Theo thông số của mạng tuyển dụng trực tuyến Vietnamwork thì số cung và cầu của ngành Chứng khoán năm 2009 sụt giảm mạnh nhất với mức giảm là 63% về nhu cầu tuyển nhân sự và 9% về nhu cầu cung nhân lực. Không ít công ty chứng khoán tại TPHCM đã sa thải nhân viên để tinh gọn bộ máy.

Năm 2010, thị trường tuyển dụng ngành Chứng khoán không trở nên quá bi quan nhưng đây là năm đầu tiên đón một lứa sinh viên mới ra trường. Số lượng cử nhân ngành này đông đảo và không ít người trong số đó 4 năm trước đã chọn chứng khoán vì cơn sốt hầm hập của nó.

Học viện Ngân hàng vừa cho “ra lò” lứa K10 với 140 sinh viên. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phương, phó chủ nhiệm Khoa Tài chính, Học viện Ngân hàng cho rằng cơ hội có việc làm của sinh viên ngành này vẫn cao: khoảng 70% sinh viên đã có việc làm.

Theo thầy Phương, so với thời điểm năm 2006-2007, sức nóng của nguồn nhân lực chứng khoán đã giảm nhiệt nhưng cơ hội việc làm của sinh viên vẫn rất lớn. Mùa hè năm nay, thầy Phương cũng đã liên hệ được cho 40 sinh viên năm thứ 3 đi kiến tập tại các công ty chứng khoán.

Học chứng khoán ra trường làm kế toán, ngân hàng

Bắt đầu mở chuyên ngành từ năm 2000, Đại học Kinh tế Quốc dân vừa tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập chuyên ngành Thị trường chứng khoán. “Nhiều sinh viên của tôi ra trường giờ đã có mức thu nhập hàng trăm triệu cho tới cả tỷ đồng mỗi tháng”, PGS.TS. Trần Đăng Khâm, trưởng bộ môn Thị trường chứng khoán, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội cho biết.

Cũng theo thầy Khâm, mức thu nhập trăm triệu đồng là bình thường đối với sinh viên ngành này sau khi ra trường. Mức lương các công ty thường trả là 10 triệu đồng một tháng, bên cạnh đó là phần trăm theo doanh thu môi giới. Đặc biệt, với những người phụ trách nhóm khách VIP thì mức thu nhập là khổng lồ.

“Hiện việc tuyển dụng nhân lực ngành này không còn rầm rộ như mấy năm trước nhưng cơ hội việc làm với thu nhập cao vẫn rất rộng mở. Mọi người thường nghĩ các em ra trường chỉ làm chứng khoán, nhưng các em có thể làm cả kế toán, ngân hàng, tài chính. Lứa ra trường gần đây nhất là K47 đều đã có công việc ổn định”, thầy Khâm cho biết thêm.

Theo Quốc Tuấn
Sinh Viên Việt Nam