Sống ảo, hậu quả thật

(Dân trí) - Vô tình phát hiện cô con gái ngoan, là học sinh giỏi tiêu biểu… có bầu đã gần 6 tháng, bố mẹ cháu ầm ĩ lên đòi gặp đối phương “bắt đền”. Khổ nỗi chính cô con gái 14 tuổi còn không biết tên thật của bố đứa bé chưa ra đời.

Học trò yêu vội, đòi chết… vì mạng xã hội

Đang học sinh tiêu biểu, giỏi giang với một tương lai dài phía trước, cuộc sống của cô học trò N.H.P, 14 tuổi rẽ sang một hướng khác. Khi bụng bầu đã hết tháng thứ 6, bà mẹ vô tình phát hiện khi cháu bước từ trên cầu thang xuống. Cả nhà loạn lên không tin nổi vì trong mắt bố mẹ, con gái chỉ biết học, đến bạn bè cùng phái còn không giao lưu, nói gì yêu đương.

Sau khi làm ầm ĩ, bố mẹ cháu đòi gặp đối phương để “bắt đền”. Đến lúc này, cháu P. vừa khóc vừa thú nhận, quen nhau qua mạng xã hội, chỉ gặp một lần duy nhất, đến tên thật cũng không biết. Mặt mũi chỉ nhớ qua hình ảnh trên Facebook, anh ta tự giới thiệu mình là sinh viên, ngay từ lần trò chuyện lần đầu đã thổ lộ lộ có tình cảm đặc biệt với P. Thế là gặp rồi… đi nhà nghỉ và “người yêu” mất hút luôn, P. nhắn tin liên lạc anh ta không trả lời.


Đường đến bệnh viện phá thai của nhiều nữ sinh bắt nguồn từ “tình yêu” chớp nhoáng trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Đường đến bệnh viện phá thai của nhiều nữ sinh bắt nguồn từ “tình yêu” chớp nhoáng trên mạng xã hội (Ảnh minh họa)

Chuyện đau lòng nghe như đùa. Vậy nhưng, PGS.TS Vũ Thị Nhung, nguyên giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TPHCM cho hay, bà đã từng gặp không ít nữ sinh tuổi 12 – 14 tuổi có bầu mà chẳng biết gì về “đối tác”. Trong đó, có em biết nhau qua mạng xã hội, chat vài ba câu, chẳng biết tên tuổi, gặp rồi… có em bé và cái kết là tìm đến bệnh viện giải quyết, chua xót vô cùng. Theo bà Nhung, nhiều bạn nhỏ trở nên xô bồ, gấp gáp trên thế giới mạng đến mức dễ dãi, buông thả.

Những bi kịch mà giới trẻ gặp phải bắt nguồn từ tương tác ở mạng xã hội diễn ra nhan nhản. Từ những chuyện động trời như tung clip “nóng”, đánh ghen, chửi bới… Có đã những trường hợp nữ sinh tìm đến cái chết khi “bạn trai” công bố ảnh nóng hay bị nói xấu, bị ném đá trên mạng xã hội.

Rồi đến những chuyện rất nhỏ nhặt, chỉ vài ba câu vu vơ trên mạng xã hội đã có thể nảy sinh những mâu thuẫn, cãi vã. Nhiều vụ học trò “xử” nhau bằng bạo lực có khi chỉ vì những tranh cãi, lời qua tiếng lại trên Facebook.

“Chỉ vài câu nói ẩn ý hay nói xấu nhau trên Facebook là có thể đánh nhau ngay”, một học sinh Trường THCS Châu Văn Liêm, Phú Nhuận chia sẻ một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường.

Đòi tạt axit bạn vì… bị nói xấu trên mạng

Chuyên viên tư vấn học đường một trường THPT ở Q.3, TPHCM cho biết, rất nhiều học trò gặp khủng hoảng xuất phát từ những thông tin trên mạng xã hội. Trường hợp đặc biệt nhất là em HS lớp 10, mất ăn mất ngủ nửa tháng trời vì bị bạn nói xấu trên Facebook. Trước khi tìm đến phòng tư vấn tâm lý, em đã nuôi ý định tạt axit “xử” mấy bạn gái kéo bè kéo cách nói xấu mình rồi… tự vẫn.

Dù đã được tư vấn cần học cách “phớt lờ” đi nhưng em cô học trò không chịu được, cứ bật máy tính lên là ám ảnh những lời xúc phạm mình.

“Học trò hiện giờ quá chú trọng đến hình ảnh, thông tin từ mạng xã hội mà phần lớn bị tác động theo hướng tiêu cực. Có những chuyện bên ngoài rất nhỏ nhặt, khi tung lên mạng lại thành trầm trọng nên mạng không hề “ảo” như chúng ta vẫn nghĩ”, chị bày tỏ.

Phụ huynh ở TPHCM tham gia chương trình tư vấn giúp con vượt khỏi vùng nguy hiểm trên mạng xã hội (Ảnh: Hoài Nam)
Phụ huynh ở TPHCM tham gia chương trình tư vấn giúp con vượt khỏi vùng nguy hiểm trên mạng xã hội (Ảnh: Hoài Nam)

Mạng xã hội đã trở thành một phần đời sống hiện nay, nhất là với giới trẻ. Rất nhiều bạn trẻ, ngay cả những học trò tiểu học, cuộc sống đã chìm ngập trong thế giới ảo. Theo các chuyên gia tâm lý, điều nguy hiểm nhất là các em vào cơn bão hấp dẫn của mạng xã hội một cách hoàn toàn bị động, không hề được chuẩn bị hành trang để bảo vệ bản thân.

Các em tưởng rằng ở thế giới đó chỉ mấy là dòng chữ, hình ảnh vô hại mà không lường được những hậu họa. Đôi khi chỉ một nút Like hay Share tưởng rằng vô thưởng vô phạt lại dẫn đến hậu họa. Ở đó, các em có thể là nạn nhân hoặc gây hại cho người khác, dù có thể là vô tình.

Trong lần tư vấn với học sinh Trường THPT Gò Vấp, TPHCM, chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy (Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM) chia sẻ thiếu kỹ năng, kiến thức về mạng xã hội nên các học trò dễ vướng phải những cạm bẫy. Lẽ ra cần “bơ” đi trước những đánh giá, nhận xét, nói không hay về mình trên mạng thì lại các em lại quá chú tâm. Có thể cãi vã, đánh nhau vì vài thông tin trên mạng xã hội.

Theo bà Thúy, vấn đề sâu xa là các em thiếu trầm trọng những giá trị sống cơ bản, nhất là sự trân quý, giữ gìn bản thân cũng như lối sống tôn trọng người khác, về tình yêu, tình bạn. Những thiết hụt thuộc về trách nhiệm giáo dục của gia đình lẫn nhà trường.

Phia sau sự dễ dãi, buông thả, coi rẻ bản thân cho đến sự nhỏ nhen, ích kỷ, manh động của giới trẻ trên thế mạng là nỗi cô đơn tận cùng của họ trong đời sống thật. Khi mà mối quan hệ, tương tác trong đời sống thực giữa con trẻ với gia đình, nhà trường hiện nay quá mong manh?

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Khi học trò sống ảo