Dự thảo mở ngành ĐH, CĐ:

Sở GD-ĐT xác nhận các điều kiện mở ngành

(Dân trí) - Khi xây dựng xong đề án mở ngành đào tạo, cơ sở đào tạo gửi 1 bộ hồ sơ đến Sở GD-ĐT đề nghị Sở kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện mở ngành của cơ sở đào tạo.

Đây là một trong những điểm mới quan trọng được Bộ GD-ĐT đưa vào dự thảo về việc quy định điều kiện, hồ sơ và quy trình mở ngành đào tạo, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi quyết định mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng vừa được công bố để lấy ý kiến.

Dự thảo nhấn mạnh, việc kiểm tra thực tế và xác nhận các điều kiện mở ngành tại cơ sở đào tạo do Sở GD-ĐT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, nơi trường đặt trụ sở thực hiện và chịu trách nhiệm.

Các Sở GD-ĐT ra quyết định thành lập Đoàn kiểm tra. Thành phần đoàn kiểm tra gồm: 1 đại diện Ban giám đốc sở (Trưởng đoàn), 1 đại diện lãnh đạo phòng Giáo dục chuyên nghiệp và 1 chuyên gia am hiểu về ngành đào tạo mà cơ sở đào tạo đăng ký mở ngành đào tạo.

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra đối chiếu các nội dung kê khai trong hồ sơ với các điều kiện thực tế như: bảng lương, sổ bảo hiểm, hồ sơ xây dựng các công trình, trang thiết bị, thư viện, kết quả thực hiện cam kết theo đề án khả thi thành lập trường.

Cũng theo dự thảo thì chỉ khi Sở GD-ĐT kiểm tra đầy đủ điều kiện mở ngành thì cơ sở đào tạo gửi Hồ sơ đăng ký mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng đến Bộ GD-ĐT, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ GD-ĐT tổ chức thẩm định hồ sơ.

Dự thảo cũng nhấn mạnh, Sở GD-ĐT phải có trách nhiệm đảm bảo tính trung thực và chính xác của các kết quả kiểm tra thực tế tại cơ sở đào tạo.

Chịu sự kiểm tra, thanh tra, giám sát của Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về kết quả kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo do Sở GD-ĐT kiểm tra.

Ngoài ra dự thảo cũng nêu rõ các điều kiện cần thiết để mở ngành đào tạo ĐH, CĐ. Trong đó đáng chú ý nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu. Cụ thể:

Đối với mở ngành ĐH có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký; có khả năng xây dựng, phát triển và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo của ngành đào tạo.

Đối với mở ngành CĐ có đội ngũ giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 60% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 5 giảng viên có trình độ thạc sĩ đúng ngành đăng ký; có khả năng xây dựng, phát triển và tổ chức thực hiện chương trình đào tạo của ngành đào tạo; cơ cấu trình độ chuyên môn của giảng viên và cán bộ nghiên cứu, kỹ thuật viên, nhân viên thí nghiệm, thực hành đáp ứng yêu cầu của ngành đào tạo.

Về vấn đề xử lý vi phạm Bộ GD-ĐT đã mạnh tay hơn. Theo đó, hành vi gian lận để được phép mở ngành đào tạo trình độ đại học, trình độ cao đẳng. Vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý, tổ chức, đào tạo tại cơ sở đào tạo… sẽ bị thu hồi quyết định mở ngành. Đối với các ngành không tuyển sinh được trong 3 năm liên tiếp sẽ bị đình chỉ tuyển sinh.

Nguyễn Hùng