TPHCM:

Sinh viên “nhảy” theo giá phòng trọ

(Dân trí) - Phòng trọ và nhiều mặt hàng “rủ nhau” tăng giá đã đẩy sinh viên TPHCM rơi vào tình cảnh “nhảy cóc” để chống chọi với giá. Việc học tập và sinh hoạt càng thêm chật vật bởi không gian sống ngày càng thu hẹp. ..

Đầu tháng 3, hầu hết phòng cho thuê trên địa bàn TPHCM đã có bước “đột phá” về giá. Sinh viên than trời cũng chỉ nhận được câu trả lời tỉnh bơ của chủ nhà: “Giá cả làng đều tăng, không ở nữa thì chuyển để người khác thuê”.

Sinh viên “nhảy” theo giá phòng trọ  - 1
Không quá khan phòng nhưng ở TPHCM giá thuê trọ vẫn tăng đột biến sau Tết.

Trước Tết chưa đến một tháng, Nguyễn Thị Phương, SV Trường ĐH Hồng Bàng cùng hai người bạn vừa chuyển đến chỗ trọ mới trên đường Thống Nhất (Q. Gò Vấp) với giá 1,2 triệu đồng. Vậy mà ra Tết, thu tiền phòng tháng 3, chủ nhà đã báo giá phòng 1,5 triệu với giải trình: “Trước Tết, nhiều người trả phòng để về quê nên mới cho mướn tạm giá đó. Giờ nhiều người cần thuê phòng, giá phải khác. Yên tâm đi, tăng một lần thế này, ít nhất nửa năm nữa mới tăng”.

“Chủ nhà không hề báo trước nên chúng mình không kịp trở tay, chấp nhận ở thêm tháng này rồi tiếp tục lùng chỗ mới”, Phương ấm ức.

Từ hôm ra Tết đến nay, Hùng, SV Trường ĐH Bách khoa vẫn đang “ăn nhờ ở đậu” tại phòng trọ của người bạn trong lớp. Cậu than thở: “Phòng trọ em thuê cùng 3 bạn nữa ở đường Âu Cơ (Q. Tân Bình) giá 2,5 triệu. Ngay hôm mùng 6 em lên, chủ nhà thông báo tăng lên 3 triệu. Phòng chật, không thể ghép thêm người, mà giá đó gánh không nổi, thế là “tan đàn xẻ nghé” mạnh ai nấy tìm chỗ mới”.

Cả tuần nay lùng sục tìm phòng, Hùng thấy rõ, phòng trọ không hiếm nhưng nơi nào giá cũng “đắng”: “Đi tìm gặp nhiều biển treo cho thuê phòng lắm nhưng không chủ nhà nào chịu “nhẹ tay”. Khu vực này đẩy giá kéo theo khu khác cũng tăng. Hầu hết phòng trọ đều tăng lên 200 - 500.000 đồng so với thời điểm trước Tết”.

Chỗ trọ… 2m2/người

Giá phòng tăng, không ít sinh viên đành chấp nhận cảnh “chia nhỏ” diện tích sống vốn đã rất chật hẹp của mình. Nhiều phòng trọ sinh viên thuê chỉ… để ngủ, mọi sinh hoạt khác bị hạn chế đến mức tối đa.

“Phòng này bọn em ở 6 người đấy! Vừa tuyển thêm 2 nhân lực nữa”, ngồi trước cửa phòng đọc sách, Hữu, SV Trường ĐH Thủy lợi chỉ vào trong phòng trọ ở khu Bạch Đằng (Q. Bình Thạnh). Căn phòng chưa đến 15m2, “nhồi nhét” đủ thứ đồ đạc như bàn ghế, tủ quần áo, xe cộ… đến nỗi mỗi lần ra vào, sinh viên phải trèo qua xe máy, xe đạp. Gác xép rộng chừng 7m2 là chỗ ngủ cho cả 6 thành viên.

“Phòng tăng giá, bọn em phải tìm thêm người để giảm tiền thuê. Tính ra mỗi người phải trả 550.000 đồng/tháng chỉ để thuê chỗ đặt lưng. Mà chỗ để ngủ nào có thoải mái gì”, Hữu than rồi chỉ sang phòng cuối dãy, giọng xót xa: “Mà phòng em chưa ăn thua đâu, phòng cuối đó còn ở 8 người lận. Cứ ngủ dậy là kéo nhau ra cửa phòng ngồi hít không khí. Nghe mấy cậu kể, khi nằm ngủ, thằng này nằm ngửa là thằng khác phải nằm nghiêng mà cười đau cả bụng”.

Sinh viên “nhảy” theo giá phòng trọ  - 2
Giá phòng tăng, sinh viên càng phải ở ghép khiến không gian sống càng thêm bó hẹp.

Nguyễn Thị Thủy, SV Trường ĐH Khoa học Tự nhiên cho biết cô mới vào ở ghép phòng trọ trên đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5). Phòng trọ này 11m2 giờ 4 người ở, giá cũng vừa tăng từ 1,5 tăng lên 1,8 triệu: “Em không có chỗ để máy tính. Mỗi người có đúng 2m2 để chứa đồ đạc và tất cả mọi sinh hoạt khác”.

“Nhiệm vụ chính của em là việc học thế nhưng nói thật 3 năm nay, vấn đề lúc nào cũng canh cánh trong em là chuyện phòng trọ và giá cả sinh hoạt tăng. Mà sinh viên xa nhà nào cũng vậy thôi…”, Thủy ngậm ngùi.

Bài và ảnh: Hoài Nam