Sinh viên Nhật thờ ơ với du học Mỹ

(Dân trí) - Hiện nay giới trẻ Nhật đang hướng nội, họ thích sự thoải mái ở quê nhà hơn là mạo hiểm ra nước ngoài học tập, sinh sống. Và du học Mỹ không phải là lựa chọn hàng đầu của sinh viên đất nước hoa anh đào...

Takuya Otani rất thích một tấm bằng thạc sỹ quản trị kinh doanh của một trường kinh doanh hàng đầu tại Mỹ nhưng cậu sẽ không theo đuổi ước mơ đó. Khi tốt nghiệp một trường đại học ở Tokyo (Nhật Bản) vào năm tới, Otani sẽ học chuyển tiếp cao học ngay tại Nhật Bản. 
 
Sinh viên Nhật thờ ơ với du học Mỹ - 1
Takuya Otani dự định sẽ không du học Mỹ sau khi tốt nghiệp đại học ở Nhật.

“Tôi là một “người ăn cỏ”, Otani nói một cách buồn bã. Cụm từ “người ăn cỏ” mà Otani vừa nhắc đến là một cách nói của người Nhật để chỉ những chàng trai hờ hững với phụ nữ, thờ ơ với sự nghiệp, không có hứng thú với xe hơi.

Từng là một “tín đồ” cuồng nhiệt của giáo dục đại học Mỹ, Nhật Bản đang trở thành quốc gia của những “người ăn cỏ”. Số lượng sinh viên (SV) Nhật Bản đăng kí học tại các trường đại học Mỹ đã giảm đến 52% từ năm 2000, số lượng cử nhân đăng kí học chuyển tiếp cao học cũng giảm tới 27%.

Với sự suy giảm này, Nhật Bản dường như “mất thế” so với những nước láng giếng châu Á là những nước có phong trào du học Mỹ rầm rộ.

Trong thập kỉ qua, tổng số SV Trung Quốc sang Mỹ du học đã tăng 164%, con số này ở Ấn Độ tăng tới 190%. Hàn Quốc tuy dân số chỉ có 76 triệu người, ít hơn Nhật Bản nhưng số SV Hàn du học Mỹ nhiều hơn Nhật gấp 2,5 lần.

Vào mùa thu năm ngoái, chỉ có duy nhất một SV Nhật Bản đặt chân được vào đại học Harvard. Tống số người Nhật theo học trường đại học danh tiếng này đang giảm trong vòng 15 năm qua, trong khi số lượng SV của Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ học tập tại đây đã tăng hơn gấp đôi.

Bà Drew Gilpin Faust, Hiệu trưởng ĐH Harvard cho biết tháng trước khi tới thăm Nhật Bản, bà đã gặp gỡ SV và các nhà giáo dục nước này. Họ nói với bà rằng giới trẻ Nhật đang hướng nội, họ thích sự thoải mái ở quê nhà hơn là mạo hiểm ra nước ngoài học tập, sinh sống. Thanh niên Nhật cũng hoài nghi những lợi thế kinh tế của việc vào học một trường đại học Mỹ.

“Một tấm bằng quốc tế không còn được coi trọng tại Nhật Bản”, bà Drew Gilpin Faust khẳng định sau chuyến thăm này.

Trong khi đó, ông Tadashi Yokoyama, Chủ tịch hội đồng quản trị của Agos Japan - một công ty có trụ sở tại Tokyo chuyên chuẩn bị cho học sinh, SV tham gia các kì thi ngôn ngữ và những bài kiểm tra cần thiết khác để đi du học, nhận định rằng những tính toán cho tương lai đang hướng nhiều người trẻ Nhật Bản rời xa các trường đại học Mỹ.

Trong những năm 1970 và 1980 khi nền kinh tế Nhật Bản đang “bùng nổ”, tương lai không phải là vấn đề đối với nhiều người trẻ Nhật Bản. Việc đi du lịch thế giới, học tiếng Anh ở nước ngoài, vào các trường đại học ở Mỹ đối với họ là thời thượng, thú vị và không phải lo nghĩ nhiều về tiền bạc vì giá cả khá phải chăng. Bố mẹ họ có tiền và cơ hội việc làm thì luôn chờ đón họ trở về.

Tuy nhiên, sự sụp đổ của nền kinh tế “bong bóng” vào những năm 1990 đã thay đổi những dự tính này. Hơn nữa, việc cho xây dựng ngay tại Nhật hơn 200 trường đại học Mỹ đã giúp cho giới trẻ nước này dễ dàng tìm một nơi học tập có giá cả phải chăng hơn mà không cần phải ra nước ngoài và cắm cúi học tiếng Anh.

Đồng thời, tỷ lệ sinh thấp của Nhật đang trực tiếp làm giảm số lượng SV cả trong và ngoài nước. Số trẻ dưới 15 tuổi đã giảm liên tục trong 28 năm. Sĩ số học sinh trong các trường phổ thông Nhật cũng đã giảm tới 35% trong vòng hai thập kỉ qua.

Tuy nhiên, vẫn có một xu hướng ngoại lệ. Một số công ty Nhật đang gửi những nhân viên trẻ đầy triển vọng của mình đến các trường đại học tại Mỹ. Hiện tại, 80 doanh nghiệp lớn đang nhờ cậy công ty Agos Japan trang bị những điều cần thiết cho nhân viên của họ sang học các trường đại học Mỹ cũng như ở các quốc gia khác.

Võ Hiền
Theo The Washington Post