Sinh viên được vay vốn: Chưa kịp mừng đã lo

(Dân trí) - Một năm 8 triệu, 4 năm là 32 triệu, nhà nông nghèo nghe đến 100 ngàn bạc đã thấy to huống chi mấy mươi triệu là cả một gia tài. Liệu khi ra trường có thể kiếm được việc làm ngay để trả nợ, mà trả nợ mấy mươi triệu một lúc?

Chính sách cho sinh viên vay vốn ưu đãi để theo học tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề quả là tin vui với hàng ngàn sinh viên có gia cảnh khó khăn, không thể chu tất nổi các khoản phí phục vụ cho việc học. Nhưng trong niềm vui là những nỗi thấp thỏm canh cánh...

Đậu ĐH - nỗi lo “con nhà nghèo”

Em Nguyễn Thị Oanh, sinh viên khoa Điện - Kỹ thuật trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhớ lại niềm vui “nghẹt thở, vui nhất trong đời” khi biết mình đã đỗ kỳ thi đại học ngay từ năm đầu dự tuyển. Nhưng về báo tin với gia đình thì cha chỉ xoa đầu Oanh còn mẹ lại lặng lẽ thở dài.

Chị gái Oanh đang theo học năm thứ 3 ĐH KHXH & NV TPHCM, mỗi tháng cha mẹ đã phải chạy vạy lo cho chị tiền ăn, tiền học ở thành phố đắt đỏ. Sào ruộng con với mấy con heo, con gà tăng gia sản xuất trong căn nhà nhỏ ở miền quê nghèo huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam không đủ trang trải cho cả gia đình 6 người và chuyện ăn học của mấy chị em. Ngày chị Oanh khăn gói lên đường, ba mẹ đã cầm giấy tờ nhà lấy tiền cho con ăn học. Cuối năm cuối tháng, cha mẹ bán heo, bán gà, bán lúa trả tiền ngân hàng rồi lại vay, “sổ đỏ nhà em nằm luôn ở Ngân hàng Nông nghiệp& phát triển nông thôn”.

Em Phạm Thị Thanh Mai, quê ở Nam Định, hiện đang theo học năm 3 trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng cũng cho biết để có tiền cho Mai và đứa em kế đang theo học Cao đẳng, ba mẹ cũng nhiều phen phải vay nóng. Cha làm phụ hồ, mẹ chở hàng ra tận chợ Hà Nội, rong ruổi hàng tháng trời mới về nhà một đôi ngày mà vẫn không đủ trang trải chi tiêu trong gia đình 7 người, lại nuôi chị em Mai ăn học.

Được vay vốn học tập, chưa kịp mừng đã lo

Được vay vốn ưu đãi để học tập, ba mẹ không còn trằn trọc với những khoản vay nóng, lãi suất cao ngất, với Oanh, Mai và rất nhiều sinh viên nghèo như “trút được gánh nặng làm cha mẹ phiền lo khi mình lỡ… đậu đại học”. Nhưng các em vẫn còn những lo lắng, băn khoăn.

Oanh cho biết, khi vào năm nhất đại học, em đã làm thủ tục vay vốn với mức vay 300.000 đồng một tháng. Đầu năm học, nộp hồ sơ nhà trường đã buộc đóng học phí ngay từ ngày nhập học, nhưng Oanh làm hết các thủ tục chứng nhận từ xã đến trường thì mất 2 tháng, lên đến Ngân hàng Chính sách xã hội thì được báo “ngân hàng hết vốn”.

Sang học kỳ hai, em mới vay được1.500.000 đủ đóng học phí cho kỳ học đó và chi tiêu được thêm một tháng. Những tháng còn lại, em phải “cày” hết gia sư rồi lại làm thêm để lo chi phí.

Nay mức vay mới đã được nâng lên 800.000 đồng/ tháng. Với vốn vay đó, em có thể yên tâm học tập. Nhưng… “không biết làm thủ tục có rườm rà không và khi em chuyển từ vay trực tiếp như hiện nay sang vay theo dạng hộ gia đình vay cho công ty ăn học theo quy định mới thì có trở ngại gì không?”.

Lê Thị Thu, sinh viên khoa Anh, trường Đại học ngoại ngữ Đà Nẵng thì lại có nỗi lo khác. Khi em gọi điện về nói cho ba mẹ, quê ở Thái Bình, biết có thể làm thủ tục vay vốn học tập đến 800.000 đồng/ tháng không phải thế chấp thì ba mẹ rất mừng.

Nhưng rồi ba mẹ lại lừng khừng lo. Một năm 8 triệu, 4 năm là 32 triệu, nhà nông nghèo nghe đến 100 ngàn bạc đã thấy to huống chi mấy mươi triệu là cả một gia tài. Liệu khi ra trường có thể kiếm được việc làm ngay để trả nợ, mà trả nợ mấy mươi triệu một lúc?

Thu động viên cha mẹ: “Dù sao vay của nhà nước lãi suất ưu đãi còn an tâm hơn ba mẹ cứ đi vay nóng, mà hết học kỳ này lại lo học kỳ khác. Khoản nợ vay vốn, con xem như một động lực để học cho thật tốt, ra trường mới mau có việc để trả nợ”. Động viên ba mẹ nhưng trong lòng, Thu cũng canh cánh lo.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tử Ân, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tại TP Đà Nẵng cho biết: “Hiện nay, nhân viên của Ngân hàng đã nắm vững nghiệp vụ làm thủ tục cho sinh viên vay vốn. Và cái cần thiết là ngân hàng cần sự phối hợp nhiệt tình, nhanh chóng của các Sở, ban, ngành liên quan như Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, Sở GD-ĐT…

Theo như tiến trình là từ ngày 1/10, các hộ gia đình hoặc sinh viên có thể đến ngân hàng làm thủ tục vay vốn mức mới nhưng chúng tôi chưa thể làm ngay vì đến nay mới chỉ có báo cáo thống kê danh sách sinh viên nghèo của ngành giáo dục gửi về, danh sách của Sở Lao động - Thương binh - xã hội thì vẫn chưa thấy. Trong khi danh sách chính xác nhất chỉ có thể là danh sách xác nhận từ phía địa phương, của Sở Lao động - Thương binh - xã hội.

Tôi hy vọng là trong vòng tháng 10, Ngân hàng có đủ cơ sở để cho sinh viên làm thủ tục vay vốn học tập. Các sinh viên có nhu cầu tìm hiểu về thủ tục vay vốn, có thể đến trực tiếp ngân hàng sẽ được thông tin cụ thể”.

Khánh Hiền