Cà Mau:

Sinh viên cử tuyển tốt nghiệp loại giỏi vẫn thất nghiệp

(Dân trí) - Bên cạnh những sinh viên cử tuyển trong tỉnh Cà Mau có việc làm ổn định sau khi tốt nghiệp đại học, vẫn còn không ít sinh viên chưa có việc làm. Tỉnh Cà Mau đang tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn này.

Trong những ngày đầu tháng 9, có dịp về các vùng có đông đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh Cà Mau, PV Dân trí ghi nhận niềm vui và sự phấn chấn của đồng bào trước các chính sách ưu đãi về giáo dục đối với con em họ. Từ đó, người dân đã nâng cao nhận thức, quyết tâm lao động, lo cho con em học tập. Tuy nhiên, điều mà bà con luôn băn khoăn là sau khi tốt nghiệp không biết con em mình có tìm được việc làm hay không vì hiện nay có nhiều sinh viên (SV) thất nghiệp sau khi tốt nghiệp đại học.

Theo tìm hiểu thực tế tại huyện Thới Bình (Cà Mau), bên cạnh số SV cử tuyển trong tỉnh sau tốt nghiệp đại học có việc làm ổn định, vẫn còn không ít SV chưa có việc làm.

Em Lý Thị Kim Dương, tốt nghiệp hệ cử tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn loại giỏi nhưng đến nay đã mấy năm vẫn chưa tìm được việc làm.
Em Lý Thị Kim Dương, tốt nghiệp hệ cử tuyển ngành Sư phạm Ngữ văn loại giỏi nhưng đến nay đã mấy năm vẫn chưa tìm được việc làm.

Em Lý Thị Kim Dương (SN 1989, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc) có học lực rất tốt, từ Tiểu học đến THPT đều đạt thành tích khá trở lên và đáng khen hơn nữa là bằng tốt nghiệp ĐH Sư phạm Ngữ văn của em cũng xếp  loại giỏi. Ngay sau khi tốt nghiệp vào năm 2013, em đã nộp hồ sơ xin việc tại Sở Nội vụ tỉnh Cà Mau và Phòng Nội vụ huyện Thới Bình nhưng câu trả lời vẫn là… chờ đợi. Em Dương cho biết là mình đã chủ động nộp hồ sơ xin việc ở rất nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh, nhưng đến nay cũng chưa thấy ai gọi đi làm.

“Nói thật là em bất mãn và buồn lắm vì các bạn bè ra trường cùng thời điểm hầu hết đã có việc làm, còn em thì vẫn ở nhà nhổ năng bột bán để phụ giúp cho mẹ. Bởi em nộp hồ sơ ở đâu cũng đều nghe câu trả lời đã đủ và thừa người, còn nộp hồ sơ ở ngành nội vụ thì chỉ nhận được sự im lặng”, Dương buồn bã nói.

Tương tự, em Hữu Như Bé (ấp Đường Đào, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) cho biết, ở gần nhà em có người cũng học cử tuyển, tốt nghiệp trước em, nhưng vẫn chưa tìm được việc làm. “Hồi còn đi học, bạn bè rất thương em vì đã được Nhà nước quan tâm chăm lo học tập. Các bạn nói rằng, học theo chế độ cử tuyển như em thì khỏi phải lo khi xin việc làm vì Nhà nước đã xuất ngân sách cho em học tập thì chắc chắn phải tạo việc làm cho em thôi. Tuy nhiên, đã hơn 2 năm qua em hầu như vô vọng vì chẳng ai nhận vào làm cả”, Bé xót xa.

Trao đổi với PV xung quanh vấn đề giải quyết việc làm cho SV cử tuyển, ông Lê Thành Nhơn - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Thới Bình thừa nhận, thời gian gần đây, đơn vị đang nhận 5 hồ sơ của SV cử tuyển nhưng rất khó bố trí công việc.

“Thời gian gần đây, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế của UBND tỉnh, huyện còn thừa nhiều biên chế nên rất khó để bố trí việc làm cho các em. Vấn đề này có lẽ là tình hình khó khăn chung của tỉnh”, ông Nhơn thở dài.

Ông Trần Hồng Quân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau có hơn 60 SV cử tuyển chưa được bố trí việc làm do nhiều địa phương, đơn vị trong tỉnh đã thừa biên chế. Tuy nhiên, tỉnh đang tìm giải pháp để tạo mọi điều kiện cho các em có được việc làm, có thu nhập lo cuộc sống.

Ông Quân thông tin, UBND tỉnh Cà Mau đang chỉ đạo rà soát lại số lượng SV cử tuyển chưa tìm được việc làm, đồng thời chỉ đạo rà soát các địa phương còn thiếu biên chế phù hợp với ngành nghề rồi bố trí các em về địa phương đó công tác. “Nếu số lượng biên chế ít hơn số lượng sinh viên, UBND tỉnh sẽ tìm những công việc đặc thù rồi hợp đồng cho các em có việc làm. Chờ đến khi có chỉ tiêu biên chế sẽ tuyển dụng các em”, ông Quân nói.

Thực tế cho thấy, chủ trương cử tuyển dành cho HS-SV con em đồng bào dân tộc thiểu số là một chính sách đúng, mang tính nhân văn sâu sắc, hướng tới đào tạo nguồn cán bộ có trình độ chuyên môn, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đặc biệt là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Thế nhưng, những năm gần đây, HS-SV cử tuyển sau tốt nghiệp khó tìm được việc làm vẫn còn nhiều. Vấn đề này thực sự đang là nỗi lo chung của đồng bào dân tộc thiểu số ở Cà Mau.

Tuấn Thanh