“Siêu” ngoại ngữ đỗ thủ khoa

(Dân trí) - Phan Ngọc Thanh Bình lớp 12D1, trường PTTH Chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, đỗ thủ khoa ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng với 31,5 điểm, tuy nhiên rất khiêm tốn cô học trò “siêu” ngoại ngữ này bảo mình chỉ may mắn đậu thủ khoa là nhờ… môn Anh văn.

Mê ngoại ngữ do di truyền...

“Bình mê Anh văn chắc là do di truyền từ mẹ đấy. Mẹ tớ cũng dạy đại học Ngoại ngữ. Mẹ thường bận rộn nên không kèm cặp tớ học nhưng tớ được mượn tủ sách của mẹ. Lên lớp 3 ở trường bắt đầu có môn Anh văn, Bình mới bắt đầu học rồi mê luôn”.

Từ năm lớp 8 Bình đã bén duyên với các giải nhất học sinh giỏi Anh văn các cấp. Bị cả lớp "ép" làm lớp trưởng lớp chuyên Anh suốt 3 năm cấp III dù chưa từng có kinh nghiệm trước đó. Nhưng vì theo “luật” là bạn nào thi vào điểm số cao nhất lớp thì phải làm lớp trưởng, Bình đổ thừa “ tất cả chỉ tại môn Anh văn đấy”.

Rồi đỗ đại học với 9 điểm tiếng Anh (tổng điểm 31,5 - môn Anh văn nhân hệ số 2), Thanh Bình lại cười tươi rói: “Thủ khoa cũng nhờ môn Anh văn luôn hết à”. Lớp trưởng thủ khoa chia sẻ bí quyết học Anh văn là chăm đọc sách tiếng Anh, luyện từ vựng và ngữ pháp. Thư viện Anh ngữ, Đại học Đà Nẵng và cả các nhà sách chính là những nơi cô nàng thường xuyên ghé tới và “đóng đinh” hàng giờ nghiền ngẫm các tác phẩm nguyên bản tiếng Anh.

Tiền bỏ ống bao nhiêu cũng đổ vào sách. Riêng bộ truyện “quyến rũ” bao bạn trẻ teen trên toàn thế giới “Harrry Potter”, Bình “chịu chơi” tậu không thiếu tập nào cả sách nguyên bản lẫn bản dịch của dịch giả Lý Lan. “Có nhiều lần chờ sách mãi không chịu được. Vậy là tớ “lùng” trên mạng tìm đọc nguyên bản trước rồi tự dịch. Những đoạn hay quá, tớ ghi hẳn ra giấy. Có những cấu trúc ngữ pháp lạ tớ cũng ghi lại để đợi bản dịch của dịch giả Lý Lan đem ra dò lại xem đoạn đó mình đã dịch đúng chưa”.

Đây chính là cách Bình sưu tập từ vựng và dành làm “của riêng” các cấu trúc ngữ pháp mà ở trường phổ thông cũng chưa học tới. Còn luyện nghe nói, bí quyết của Bình nằm ở việc phải tìm mọi cơ hội tiếp xúc với người bản ngữ, gây phong trào CLB tiếng Anh trong trường.

Những buổi thảo luận bằng tiếng Anh do chính các thầy bản xứ ở đại học Đà Nẵng tổ chức ngay tại thư viện của Viện Anh ngữ, bạn ấy không bỏ sót buổi nào. Thêm một cách nữa là “lân la” đến các điểm du lịch trong thành phố, làm quen và tình nguyện làm hướng dẫn viên. “Đừng nghĩ là bạn làm không công nhé. Bù lại thời gian đó là những kinh nghiệm học nghe nói miễn phí với người bản ngữ cùng với nhiều kinh nghiệm rất hay ho”- Cô nàng lớp trưởng cười lém lỉnh.

Và thích viết lách

Ngoài môn Anh văn, sở thích của cô nàng lớp trưởng là viết lách. “Cuối năm lớp 10, làm bản tin trong trường thấy hay hay, vậy là tớ gửi tin cho báo. Cảm giác lần đầu tiên được đăng báo bay bổng lắm. Thế rồi tớ viết nhiều hơn và làm cộng tác viên thường xuyên cho các tờ báo tuổi teen như Hoa Học Trò, Mực Tím

Bình còn tập làm phóng sự, chủ yếu là các vấn đề trong học đường. “Một lần viết về khu ký túc xá ở trường và cuộc sống của các bạn học cấp III xa nhà. Lần đầu tiên tìm đến tận thầy Hiệu phó xin… phỏng vấn, tớ run lắm nhưng vài lần là thấy tự tin hơn hẳn”.

Bình kể về những bản tin, phóng sự đầu tay và tiết lộ nhiều dự định như vào đại học sẽ tập viết nhiều thể loại và tập dịch các bản tin quốc tế: “Tớ cũng học được rất nhiều từ các bài báo văn hoá dịch lại các tạp chí nước ngoài. Nhờ đó mà tớ biết được cách dịch không cần đúng từng từ từng chữ, dịch thoáng hơn mà vẫn giữ đúng ý trong nguyên bản”.

Muốn theo học chuyên ngành báo chí nhưng xác định cần học Anh ngữ bài bản hơn, nên mục tiêu kế tiếp của Thanh Bình là một suất học bổng du học để có nhiều cơ hội trau dồi kiến thức và được đóng góp nhiều hơn cho công việc khi bạn ấy trở về.

Khánh Hiền

Dòng sự kiện: Thủ khoa ĐH, CĐ 2008