Sẽ xây dựng 26 trường mầm non tại Kon Tum

(Dân trí) - Lễ khởi công Trường mầm non Xã Hiếu, huyện Konplong, tỉnh Kon Tum vừa diễn ra ngày 11/8. Đây là một trong 26 trung tâm chăm sóc giáo dục mầm non sẽ được Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ xây dựng và nâng cấp từ nay cho tới năm 2012 với tài trợ của USAID.

Sẽ xây dựng 26 trường mầm non tại Kon Tum - 1
Sẽ có 26 trường mầm non được xây dựng tại Kon Tum (ảnh minh họa)
 
Trường mầm non Xã Hiếu được xây dựng với 2 phòng học, 4 phòng vui chơi, bếp và khu vệ sinh khép kín với bồn cầu, bồn rửa tay dành riêng cho trẻ em, bàn ghế và các thiết bị khác. Trường cũng sẽ được trang bị đồ chơi, tài liệu dạy và học và các đồ dùng khác hỗ trợ các hoạt động của nhà trường. Với quy mô như vậy, trường có khả năng cung cấp lớp học cả ngày cho 60 em mỗi năm và 4 giáo viên.

Xây dựng trường mầm non là một phần của dự án “Cải thiện Giáo dục tại Tây Nguyên” do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ thực hiện tại Kon Tum trong 3 năm từ 2009-2012 với sự tài trợ của USAID.

Dự án giúp tăng cường hệ thống giáo dục từ cấp mầm non tới cấp THCS tại Kon Tum. Dự án này chính là sự tiếp nối sau thành công của dự án xây dựng Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Kon Rẫy cũng do Đông Tây Hội Ngộ thực hiện và do USAID tài trợ xây dựng hoàn thành vào năm 2008.

Dự án sẽ nâng cấp 26 trung tâm chăm sóc mầm non tại Kon Tum, cung cấp thiết bị giảng dạy cho các trường trung tâm đó (với tổng kinh phí xây dựng và trang thiết bị là 15 tỷ đồng) và đào tạo cho 225 giáo viên với tần suất 2 lần một năm.

Cũng thông qua dự án, 1.000 phụ huynh tại 9 huyện sẽ được học hỏi thêm về phương thức chăm sóc giáo dục mầm non và 300 phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có con đi học tại các trường sẽ có cơ hội tiếp cận với các khoản vay vốn vi mô để tăng thu nhập.

Kon Tum là một tỉnh nghèo ở Tây Nguyên Việt Nam với thu nhập bình quân đầu người hàng năm dưới mức nghèo của toàn quốc và chất lượng giáo dục thấp. Tỷ lệ bỏ học hàng năm lớn, khoảng 80% trẻ em hoàn thành cấp tiểu học nhưng đến 44% không tiếp tục theo học cấp THCS.

Đối với bậc giáo dục mầm non, tình hình còn khó khăn hơn. Tỷ lệ phổ cập các chương trình giáo dục mầm non rất thấp tại các vùng nông thôn và miền núi, đặc biệt là ở các nhóm dân cư đặc biệt như trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật và trẻ em nghèo.

Theo báo cáo từ Trường đại học Đà Nẵng, nhiều trường tiểu học được xây dựng với sự hỗ trợ của cộng đồng nhưng không đảm bảo chất lượng, có những giáo viên mẫu giáo không được đào tạo và chỉ 25% giáo viên bậc mẫu giáo được đào tạo chính thức.

Vì vậy, trang thiết bị mới và đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp đang là nhu cầu cần thiết tại tỉnh Kon Tum cũng như một số khu vực khác của Tây Nguyên.

Lan Hương