Năm 2020, ĐH Đại Nam:

“Sẽ vào tốp 5 trường tốt nhất Việt Nam”

Đó là mục tiêu mà Tiến sĩ Lê Đắc Sơn - Chủ tịch HHĐQT Đại học Đại Nam, cam kết tại lễ khai giảng năm học mới và kỷ niệm 2 năm ngày thành lập (14/11/2007 - 14/11/2009).

Học để thay đổi chính là triết lý giáo dục xuyên suốt của trường dân lập mới mẻ nhưng được đánh giá là nhiều tiềm năng và tham vọng này.

 

Hiện, ĐH Đại Nam đào tạo 7 ngành nghề, đó là  Tài chính Ngân hàng, Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Kỹ thuật công trình Xây dựng, Tiếng Anh, Tiếng Trung và 2 ngành hệ cao đẳng (4 lớp) là Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ Thông tin.

 

Về  cơ sở vật chất, trường gồm 2 cơ sở. Cơ sở một tại Tòa nhà HESCO, km 10 Nguyễn Trãi, Hà Đông, Hà Nội. Cơ sở hai gồm toàn bộ khu nhà 6 tầng số 56 Vũ Trọng Phụng, Thanh Xuân, Hà Nội. Trên diện tích 10.000m2, gồm khu giảng đường 40 phòng học đầy đủ tiện nghi hiện đại, 6 hội trường lớn để tọa đàm, thảo luận, 4 phòng 300 máy tính và 2 thư viện khoa học. Tất cả các phòng đều có thiết bị nghe nhìn, phòng học ngoại ngữ và tin học nối mạng…

 

Tổng số sinh viên toàn trường gần 3.000 người, 40 lớp. Nếu niên khóa đầu tiên chỉ có 230 sinh viên thì niên khóa thứ hai, con số này là 1017 (tăng hơn 4 lần) và niên khóa thứ ba là 1.400 sinh viên.

Trong tương lai, sau khi hoàn thiện, ĐH Đại Nam sẽ đặt tại Phú Lãm - Phú Lương, Hà Đông trên diện tích hơn 10ha. Song song với hai cơ sở hiện có, Đại Nam sẽ trở thành một quần thể hiện đại, không chỉ dành để giảng dạy, nghiên cứu khoa học mà còn là nơi thư giãn, giải trí sau giờ học căng thẳng của sinh viên, đặc biệt trong việc tổ chức các hoạt động xã hội.  

 

Đội ngũ giảng viên của trường gồm các nhà giáo trẻ, năng động, nhiều nhiệt huyết cộng với một đội ngũ  GS, PGS (chiếm tỉ lệ 10% và 23% có học vị TS) nhiều kinh nghiệm đã tạo nên sự năng động và mang tính kế thừa bền vững.

 

Việc ký kết đào tạo giữa nhà trường với doanh ngiệp, ngân hàng, các tổ chức xã hội trong nước và trên thế giới đã góp phần đảm bảo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhất là đối với ngành tài chính - ngân hàng. Trong khuôn khổ thỏa thuận đến nay, sinh viên Đại Nam sau khi tốt nghiệp loại khá, giỏi, xuất sắc sẽ được ưu tiên tuyển dụng và làm việc tại các ngân hàng đã ký kết.

 

Nói đến ĐH Đại Nam không thể không nhắc đến TS Lê Đắc Sơn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị - Nguyên giảng viên ĐH Bách khoa Hà Nội, nguyên TGĐ VP bank và TS Vũ Thị Liên - Hiệu trưởng - Nguyên Phó Thống đốc NHNN Việt Nam, nguyên Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng. Họ vừa là những nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo có uy tín đồng thời là những doanh nhân giàu kinh nghiệm thực tế, đã từng gặt hái được nhiều thành công trên thương trường.

 

“Muốn trở thành nhà quản lý phải giỏi tiếng Anh. Muốn làm giàu phải thành thạo tiếng Anh. Muốn có việc làm phải biết tiếng Anh”. Đó là lời nhắn gửi đồng thời cũng là “mệnh lệnh” của TS Lê Đắc Sơn gửi đến sinh viên Đại Nam tại Lễ kỉ niệm và Khai giảng năm học mới 2009-2010 vừa qua.

 

P.V