Hà Nội:

Sẽ chấm dứt các khoản thu không cần thiết

(Dân trí) - “Cần phải chấm dứt các khoản thu không cần thiết và đưa ra các chế tài cụ thể để xử lý những đơn vị sai phạm” - đó là quan điểm của ông Nguyễn Văn Thọ, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội trước vấn đề lạm thu trong trường học.

Phát biểu tại hội nghị giao ban công tác GD-ĐT và VHXH thành phố Hà Nội quý IV/2011 diễn ra chiều ngày 3/11 ông Thọ cho rằng, trong quá trình phát triển sự nghiệp giáo dục thủ đô, trường nào mà ngành giáo dục thấy chất lượng cao thì có thể đề xuất để nâng mức chi lên chứ không nên vì những lý do này mà thu thêm những khoản không cần thiết.

"Vừa rồi UBND Thành phố đã cho văn bản xử lý về vấn đề lạm thu nhưng vẫn chưa thấy xử lý ai” -bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội.

Cũng theo ông Thọ, trong thời gian qua Hà Nội đã tăng cường cho giáo dục sự nghiệp rất nhiều về xây dựng cơ sở vật chất cũng như trang thiết bị. Hà Nội một đợt đã thực hiện theo cải cách giáo dục đã trang bị tối thiểu từ lớp 1 cho đến lớp 12 và bây giờ đang tiếp tục bổ sung. Sắp tới Hà Nội sẽ làm các đề án về xây dựng cơ sở vật chất, kiên cố hóa và tiếp tục bổ sung trang thiết bị trường học… Chính vì thế chẳng có lý do gì để thu thêm các khoản này.

Thiếu ngân sách cho các khoản phát sinh?

Đồng tình với việc cần chấn chỉnh các khoản thu không đúng quy định nhưng ông Đàm Quốc Khánh - Phó Chủ tịch quận Hoàng Mai lại cho rằng: “Giữa cái đòi hỏi của ngành với việc rót tiền ngân sách vào là không thực tế và không sát. Chính vì thế nếu chỉ dùng tiền ngân sách thì không thể đáp ứng được”.

Để giải quyết vấn đề lạm thu hiện nay ông Khánh đề xuất cần phải có một hội thảo để cho trưởng phòng GD-ĐT các quận/huyện sau khi khảo sát lên phát biểu thẳng thắn là nên cho trường thu cái gì bằng cách xã hội hóa có thể chấp nhận được.

“Chúng tôi không đồng tình việc thu để trả tiền điện, tiền nước… Những chẳng lẽ tiền để mua nước cho các cháu uống thì tiền ngân sách cũng phải chịu nốt?” - ông Khánh đặt ra vấn đề.
 
Sẽ chấm dứt các khoản thu không cần thiết  - 1
Các khoản phí đầu năm học vẫn là nỗi lo với nhiều phụ huynh. (Ảnh minh họa)

Dưới một góc độ khác, lãnh đạo của quận Thanh Xuân đánh giá, việc các trường thu thêm các khoản ngoài quy định cũng xuất phát từ việc đổi mới của ngành. Chẳng hạn như hiện nay với việc đổi mới phương pháp dạy và học nên HS phải thi trắc nghiệm rất nhiều nên tất nhiên cần phải phô tô đề thi… Hoặc như đối với cấp học mầm non thì tiền học phẩm quy định là thu 50.000 đồng nhưng trên thực tế ngành giáo dục cũng đang đổi mới nên với mức này thì không thể đáp ứng được nên nhiều trường đã thỏa thuận với phụ huynh để thu thêm…

“Với những khoản thu như vậy thì chúng ta có đánh giá đó là lạm thu hay không?” - lãnh đạo quận Thanh Xuân nhấn mạnh.

“Hiện nay định mức ngân sách cho giáo dục thành phố được nâng lên thì lại xuất hiện thêm càng nhiều khoản thu” - ông Nguyễn Văn Thọ - phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội

“Phản biện” với các ý kiến nêu của các quận, phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội nhấn mạnh: “Nếu ngành giáo dục mà cứ giải thích như vậy thì rất là khó. Hôm nay thì bảo uống nước này, ngày mai lại bảo uống nước nọ… Ở đây chúng ta cơ quan quản lý nhà nước nên cần phải tuân thủ về nguyên tắc tài chính. Ngành giáo dục hoàn toàn có thể quy định ra quy trình đào tạo ở các cấp học và khi đó có thể quay lại tính định mức ngân sách sát với thực tế”

Trước việc các khoản thu thêm, ông Thọ “chất vấn” lại ngành giáo dục: “Một số khoản tại sao trường cứ phải đứng ra thu tiền để mua bút, vở… phục vụ cho việc học tập của các em trong khi đó chúng ta hoàn toàn có thể nói với phụ huynh để họ tự mua. Bên cạnh đó không thể nói do định mức không đủ nên phải thu thêm khoản này khoản nọ bởi trong năm 2011 khi xây dựng ngân sách định mức đã bổ sung các khoản phải chi và bản thân định mức này ngành giáo dục cũng đã tham gia và có ý kiến thống nhất như vậy. Chúng tôi chỉ đống ý là các khoản thu hộ, tiền ăn, tiền bán trú phục vụ trực tiếp cho các cháu có thể tăng lên theo thời giá. Chứ còn các khoản thu như tiền nước, sửa chữa… là chúng tôi không đồng ý bởi định mức vừa mới được ban hành”.

Tháo gỡ trước những vấn đề nêu ra, bà Phạm Thị Hồng Nga - phó giám đốc Sở GD-ĐT giải thích: “Hiện nay ngoài học phí thì cần phải tuân thủ theo các văn bản quy định của UBND thành phố còn những khoản khác nếu cứ máy móc dập khuôn theo các quy định thì sẽ thiếu to. Chính vì thế các khoản như tiền ăn, học phẩm… thì các trường có thể thể thu thỏa thuận nhưng theo nguyên tắc thu đủ chi và đúng quy trình”

Bà Nga cũng cho rằng, sở dĩ các trường làm sai gây bức xúc cho phụ huynh là xuất phát từ việc không làm đúng quy trình. Có trường không thỏa thuận mà áp đặt luôn. Chẳng hạn chúng ta không thể nói với phụ huynh là tiền học phẩm năm nay là 90.000 đồng được mà cần phải kê khai chi tiết như mua bao nhiêu quyền sách, cái bút… Tổng chi hết bao nhiêu đem chia trên đầu HS thì ra con số thực tế là bao nhiêu.

Đưa ra “khung” quy định các khoản thu

Lắng nghe các ý kiến của đại biểu tham dự hội nghị giao ban , bà Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội đánh giá thêm: “Vừa qua UBND TP đã giao cho Sở GD-ĐT có văn bản hướng dẫn các Phòng GD-ĐT về các khoản thu- chi trong các nhà trường. Trong đó bao gồm các khoản thu học phí là bắt buộc, các khoản thu hộ như tiền bảo hiểm y tế..., thu thỏa thuận như tiền ăn, tiền bán trú và thu các khoản tự nguyện. Trong các khoản thu này thì đợt kiểm tra vừa qua cho thấy chủ yếu các vi phạm đều rơi vào khoản tự nguyện. Sở dĩ vi phạm là do làm không đúng quy trình. Chẳng hạn như tiền điện và tiền nước ở phòng học là do ngân sách chi trả nhưng có trường vẫn thu nhưng lại không giải thích rõ vì sao thu. Chúng ta cần phải nêu ra rõ ràng là tiền ngân sách chỉ chi trả cho việc thắp sáng còn nếu lắp thêm điều hòa thì phụ huynh cần phải đóng góp để bù tiền điện phát sinh này vào”.

Bà Ngọc cũng cho rằng, rõ ràng có sai phạm trong vấn đề thu-chi mà lỗi thuộc về ngành giáo dục. Đáng lẽ ngành giáo phải tham mưu với UBND Thành phố về khung các khoản thu-chi. Chẳng hạn ngay như khoản thỏa thuận là tiền ăn cũng phải đưa ra khung chứ không thể tình trạng như hiện nay có nơi thu cao, có nơi thu thấp bởi chúng ta hoàn toàn có thể đánh giá được hàm lượng calo đảm bảo cho HS để đưa ra mức thu.

“Sở GD-ĐT cần phải xây dựng quy định thống nhất về thu- chi trong các nhà trường ở thủ đô để sắp tới áp dụng trên toàn địa bàn thành phố. Khi xây dựng thì cần phải tham khảo ý kiến của các Quận/Huyện, chuyên gia để đánh giá khoản nào thì đưa vào khung, khoản nào không đưa vào khung” - bà Ngọc nhấn mạnh.

Cũng để sửa sai và chấm dứt việc lạm thu trong năm học 2011 bà Ngọc yêu cầu: “Ngành giáo dục đã kiểm tra các khoản thu - chi rồi nên bây giờ để sửa sai tôi đề nghị các quận/huyện cần phải thực hiện nghiêm túc trong việc nếu đơn vị nào thu không đúng quy định thì cần phải trả lại cho phụ huynh, đồng thời xem xét xử lý cán bộ vi phạm. Trong năm học này nếu đơn vị nào còn tiếp tục sai phạm thì Sở phải dứt khoát xử lý Trưởng phòng và hiệu trưởng của đơn vị đó”.

Chốt các vấn đề liên quan đến thu - chi bà Ngọc cũng giao cho Sở GD-ĐT và Sở Tài chính cùng phối hợp chủ trì một hội thảo về việc thu bao nhiêu khoản cho nó đủ để cùng thảo luận đánh giá. Còn những khoản nào nhà nước cấp mà chưa đủ thì báo cáo UBND TP để xem xét cấp thêm.

Nguyễn Hùng