Thi tốt nghiệp THPT 2009:

Rải tiền tỷ vẫn không hết lo

(Dân trí) - Kì thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2009 lần đầu tiên được tổ chức thi theo cụm và chấm chéo. Trong khi Bộ GD-ĐT tự tin với các giải pháp của mình thì các Sở GD-ĐT đang đau đầu tính đến các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

Rải tiền tỷ vẫn không hết lo - 1

Áp lực của kì thi liệu có làm tái diễn tình trạng lộn xộn ở các điểm thi?
(Ảnh minh họa)

Những nỗi lo lắng đó được 6 Sở GD-ĐT vùng Bắc Trung Bộ trình bày tại Hội nghị giao ban được tổ chức vào ngày 21/3 tại Thanh Hóa dưới sự chủ trì của Thứ trưởng thường trực Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long.

Lo nhất là mất bài thi

Theo ông Lê Xuân Đồng, Giám đốc Sở GD-ĐT Thanh Hóa, khâu tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng với các địa phương. Bởi vì cho dù trước đó các địa phương có làm tốt các kì thi khác kì thi học sinh giỏi, kì thi tuyển đầu vào cấp THPT… nhưng nếu tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT có sai sót thì xã hội sẽ có có những đánh giá không tốt về giáo dục của địa phương đó.

Chính vì vậy ông Đồng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần phải sớm ban hành văn hướng dẫn tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT để các Sở có thể chủ động thực hiện, tránh cập rập vào thời gian cuối.

Nhiều Sở GD-ĐT cũng cho rằng, với việc thi cụm chấm chéo thì dễ phát sinh ra các tình huống xấu như thất lạc bài thi, mất bài thi trong quá trình vận chuyển… Hơn thế nữa với phương thức tổ chức thi như vậy thì liệu có kịp tiến độ để trả kết quả cho thí sinh.

Giải tỏa những lo lắng trên, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ GD-ĐT cho rằng, các Sở không nên quá lo lắng về tình huống đưa ra. Hiện tại Bộ GD-ĐT đã gửi bản dự thảo hướng dẫn tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009 về các địa phương và trong đó cũng đã đưa ra những biện pháp giải quyết các vấn đề mà các Sở đang vướng mắc. Sau khi nhận góp ý từ các Sở thì Bộ sẽ ban hành chính thức văn bản hướng dẫn tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009 (dự kiến vào khoảng đầu tháng 4/2009)

Ông Nghĩa tiết lộ: Trong bản hướng dẫn Bộ cũng nêu rất rõ về việc nhận bài thi như thế nào và trách nhiệm của các bên ra sao. Cụ thể: khi giao nhận bài thi thì Sở nhận chấm phải có trách nhiệm đếm và nhận đủ số bài thi. Sau khi ký nhận bài thi thì toàn bộ sai sót (nếu có) sẽ do đơn vị chấm chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Về vấn đề vận chuyển bài thi, ông Nghĩa nhận định: “Từ trước đến nay chúng ta đã làm rất tốt khâu vận chuyển đề thi đến từng địa phương do đó việc chuyển bài thi cũng không phải là vấn đề nan giải”.

“Về quy trình tổ chức kì thi không có gì khác so với các năm trước đây. Trước đây chúng ta cũng phải làm phách, chuyển bài thi đến từng hội đồng….Do đó về khâu chấm thì thì chỉ có điểm khác duy nhất đó là vận chuyển bài thi đến các đơn vị chấm chéo mà thôi. Thời gian làm công việc này cao lắm thì cũng chỉ mất 1 hoặc 2 ngày do đó chắc chắn về tiến độ chấm, cũng như công bố kết quả sẽ không có sự thay đổi nào so với các năm trước đây”, ông Nghĩa Nhấn mạnh.

Tiền tỷ có mua được sự an toàn?

Theo đánh giá của các Sở thì phương thức thi cụm, chấm chéo chắc chắn sẽ làm cho chi phí kì thi tăng lên rất nhiều. Nhưng liệu kì thi có đảm bảo an toàn, nghiêm túc hay không thì vẫn còn “phải chờ”.

Nhiều Sở cho rằng, Thừa Thiên - Huế đã tổ chức thi theo hình thức tập trung 10 năm nay mà còn đó không ít boăn khoăn huống hồ là đối với những nơi mới tổ chức lần đâu.

Hơn thế nữa, ở Huế có nhiều trường ĐH nên Sở có thể mượn các địa điểm đó để tổ chức kì thi. Còn đối với các Sở chưa có cơ sở vật chất như vậy thì sẽ giải quyết sao đây?

Bên cạnh đó, khi sức ép kì thi gia tăng thì chắc chắn sẽ xuất hiện các tình trạng lộn xộn ở các điểm thi, liệu lúc đó địa phương có dám thẳng tay để làm đến nơi đến chốn.

Lo lắng đó không phải thiếu cơ sở khi mà chia sẻ với Dân trí, bà Trần Thị Thu Hà, Giám đốc Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế thừa nhận: Năm đầu tiên Huế tổ chức thi tốt nghiệp THPT theo hình thức tập trung thì đã làm gia tăng sức ép đối với học sinh và phụ huynh. Tình trạng tập trung trước khu vực thi, thậm chí là trèo tường để ném phao thi khá là phổ biến.

Khi được hỏi với các giải pháp đưa ra thì liệu Bộ GD-ĐT có đảm bảo kì thi sẽ an toàn, nghiêm túc để tiến tới kì thi THPT quốc gia hay không thì ngay cả lãnh đạo Bộ cũng không dám khẳng định.

“Chúng ta phải chờ thực tế ở kì thi tốt nghiệp THPT năm 2009. Sau kì thi này Bộ sẽ có đánh giá khách quan để từ đó đưa ra quyết định cuối cùng về việc tổ chức kì thi THPT quốc gia năm 2010 hay không” Thứ trưởng Bành Tiến Long nói

Thứ trưởng Bành Tiến Long cũng thừa nhận, với các giải pháp mới thì khó mà có thể làm tốt ngay được. Do đó ngành GD-ĐT cũng cần phải có thêm thời gian để khắc phục những điểm yếu có thể phát sinh ở kì thi năm nay.

Nguyễn Hùng