Phụ huynh xứ Hàn “nghiến răng” chi tiền cho con học thêm

(Dân trí) - Một tháng kiếm được từ 5 đến 5,5 triệu won thì ông Kim Seung-hee, 45 tuổi, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Seoul, Hàn Quốc dành 1 triệu won (khoảng 16 triệu đồng) trở lên cho việc học hành của các con.

Cô con gái và cậu con trai của ông Kim đều đang học cấp 2. Họ đều học thêm tiếng Anh và Toán ở các trung tâm luyện thi tư nhân, mỗi tháng tốn 800.000 won. Cộng với chi phí mua sách vở và học phí ở trường cùng nhiều khoản khác, tính ra số tiền mà ông Kim chi cho việc học của hai con lên đến con số 1 triệu won/tháng. 

“Những gì tôi đang lo lắng không phải là hiện tại mà là trong tương lai gần. Khi các con tôi vào học trung học, chi phí giáo dục sẽ tăng gấp đôi trong khi thu nhập của tôi sẽ ít hơn vì tôi già đi”, ông Kim tâm sự với tờ The Korea Herald.

“Khi tôi nghe nói kinh tế đang đi xuống, tôi đã muốn cắt giảm bớt chi phí dành cho việc học của các con nhưng tôi không thể. Tôi đoán rằng đó là suy nghĩ chung của các bậc phụ huynh Hàn Quốc”, ông Kim nói thêm.

Phụ huynh xứ Hàn “nghiến răng” chi tiền cho con học thêm - 1
Một lớp học thêm tiếng Anh ở Seoul (Hàn Quốc). Hiện nay, các bậc phụ huynh xứ Hàn không tiếc tiền chi cho con đi học thêm. (Ảnh: Korea Times)

So với những người trong độ tuổi 45-49, ông Kim có “hoàn cảnh” dễ chịu hơn một chút. Ông đã tốt nghiệp đại học, là lao động chính nuôi gia đình có bốn người với mức lương trung bình hàng tháng là 4 triệu won, trong khi mức chi tiêu hàng tháng vào khoảng 3,5 triệu won, như phân tích của Cục Thống kê Hàn Quốc.

Theo chính phủ Hàn Quốc, mức chi tiêu dành cho giáo dục của mỗi hộ gia đình đã tăng 55% lên đến 291.078 won vào cuối năm 2009, (vào năm 2003, con số này là 187.298 won) trong khi giá tiêu dùng tăng 20,1% trong cùng kỳ. Mức chi tiêu dành cho giáo dục đại học tăng cao nhất với tỷ lệ 81%, theo sau là chi phí dành cho các trường học tư của trẻ em dưới 19 tuổi (tăng 59% cũng trong cùng kỳ cuối năm 2009).

Các số liệu của chính phủ cho thấy, ngay cả trong năm 2009 khi nền kinh tế chỉ có mức tăng trưởng khiêm tốn 0,2% thì chi phí giáo dục cũng tăng đến 7,2%.

Đặc biệt, một số hộ gia đình có thu nhập thấp không cắt giảm chi tiêu dành cho giáo dục để cân đối với mức thu nhập của họ. Chính điều này đã đặt lên vai những hộ gia đình có thu nhập thấp một gánh nặng, nhà nghiên cứu Lee Dong-won tại Viện nghiên cứu kinh tế Samsung nhận định.

“Khi khoảng cách thu nhập nới rộng, khoảng cách giáo dục cũng có xu hướng nới rộng theo. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp các hộ gia đình có thu nhập thấp và thu nhập cao đều dành những số tiền tương tự cho việc học. Như vậy, gánh nặng chi phí giáo dục sẽ đè nặng hơn lên những nhóm người có thu nhập thấp”, ông Lee nhấn mạnh.

Võ Hiền
Theo Korea Herald