Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề: “Bằng cấp chỉ là cơ sở so sánh trong đào tạo”

Hàng trăm nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, nhiều người ngậm ngùi “giấu” bằng, chấp nhận một công việc không đúng chuyên ngành, sở thích của mình. Năm 2017 dự kiến sẽ có hơn 200 nghìn cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp… thực tế này đặt ra câu hỏi: liệu bằng cấp có song hành với việc làm?

Chọn trường, chọn nghề như thế nào luôn là điều các bạn trẻ, các bậc phụ huynh quan tâm. Điều này càng bức thiết hơn bao giờ hết trong bối cảnh thất nghiệp tràn lan, người có bằng cấp đại học hay cao học… cũng phải “gác bằng” để kiếm sống bằng nhiều nghề khách nhau, kể cả đi làm công nhân hoặc tính đến xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, bên cạnh số lượng cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp nhiều thì số lượng sinh viên học tại các trường đào tào nghề hay cao đẳng lại đem lại tín hiệu đáng mừng cho nguồn lao động của đất nước. Theo như thống kê gần nhất của báo Dân Sinh, thì lao động có bằng cấp nghề khi ra trường chiếm 70%. Không những có việc làm ngay sau khi ra trường, mà nhiều sinh viên còn có mức thu nhập “khủng” với ngành nghề mình làm việc.

Dương Thành Chung – sinh viên ngành ngành Lập trình máy tính – thiết bị di động - Cao đẳng thực hành FPT chia sẻ rằng, dù chưa ra trường, nhưng Chung đã tìm được việc làm với mức lương hơn 10 triệu đồng.

Trong buổi tọa đàm trực tuyến “Chọn việc làm hay chọn bằng cấp” do Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic phối hợp với báo Dân trí tổ chức, PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề đã chia sẻ góc nhìn về vấn đề bằng cấp, việc làm một cách thẳng thắn.

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề.
PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề.

Theo ông Cao Văn Sâm, nhu cầu về nguồn nhân lực của các doanh nghiệp không hề thấp. Thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay có thể nói là rất sôi động, nó được ví như thị trường lao động thế giới thu nhỏ vì ta có đại diện đủ các loại công nghệ trong sản xuất, đó là công nghệ sản xuất hiện đại nhất trên thế giới có mặt ở Việt Nam đến từ các doanh nghiệp trên thế giới.

Tuy nhiên, khi công nghệ thay đổi đòi hỏi sự đào tạo thay đổi và phải có sự cạnh tranh. Muốn cạnh tranh được thì người trẻ phải có đủ kiến thức, kĩ năng, thái độ nghề nghiệp. Thiếu những điều này, thì doanh nghiệp vẫn khát nhân sự, trong khi người thất nghiệp vẫn không ngừng tăng.

Ở góc độ đào tạo, ông Cao Văn Sâm cho rằng, thực trạng đào tạo nặng về lý thuyết, thiếu thực hành tại nhiều cơ sở đào tạo là một trong những lý do khiến sinh viên ra trường không làm được việc, bị doanh nghiệp từ chối hoặc đào thải.

Ông Sâm cho biết, ở Việt Nam hiện nay có khoảng 2.000 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, dạy các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng và mỗi năm tuyển sinh khoảng 2 triệu, đào tạo trên 300 nghề ở trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp. Những nghề đang đào tạo là những nghề có nhu cầu lớn. Tuy vậy, không phải cơ sở đào tạo nào cũng có thể đảm bảo vấn đề việc làm cho các sinh viên sau khi ra trường.

“Hầu như các sinh viên đều được đào tạo trên cơ sở lý thuyết tại trường chứ không được thực hành dẫn đến sau khi ra trường các sinh viên đều không có năng lực cũng như kinh nghiệm làm việc. Trong khi đó, đa phần các doanh nghiệp hiện nay tuyển chọn theo xu hướng cần năng lực và ít chú trọng đến bằng cấp” – ông Cao Văn Sâm nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, tình trạng chạy theo bằng cấp của một số bạn trẻ, các bậc cha mẹ cũng kéo theo hệ lụy, có học, có bằng, nhưng không có kiến thức, tay nghề, trình độ không đủ để vào làm việc thực tế.

“Vì thực tế bằng cấp cao nhưng chưa chắc đã có năng lực thực hiện tốt, nên bằng cấp trở thành cơ sở so sánh trong cơ sở đào tạo chứ không phải là tất cả nhu cầu của doanh nghiệp trong đào tạo lao động.” – ông Sâm khẳng định.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, các bậc phụ huynh nếu hướng nghiệp cho các con nên cung cấp thông tin một cách trung thực và khuyên các con nên lực chọn trình độ ngành nghề, trường phù hợp. Việc chọn lựa được một môi trường đào tạo “thực học, thực nghiệp”, cung cấp cho người học cả kiến thức lẫn kỹ năng, cơ hội rèn nghề, cọ xát thực tế là vô cùng quan trọng. Ông nêu dẫn chứng Cao đẳng thực hành FPT Polytechic – là một trong những môi trường đào tạo uy tín, được doanh nghiệp tin tưởng, có tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao lên đến 98% là một trong những cơ sở đào tạo như thế.


PGS.TS Cao Văn Sâm trong buổi tư vấn “Chọn việc làm hay chọn bằng cấp” do Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic phối hợp với báo Dân trí tổ chức.

PGS.TS Cao Văn Sâm trong buổi tư vấn “Chọn việc làm hay chọn bằng cấp” do Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic phối hợp với báo Dân trí tổ chức.

"Ở các nước tiên tiến và phát triển trong khu vực và trên thế giới (Đan Mạch, Úc, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản...), mô hình đào tạo cao đẳng như FPT Polytechnic rất có hiệu quả. Ở Việt Nam hiện nay, mô hình như thế chưa có nhiều, do vậy với cách tiếp cận như FPT Polytechnic sẽ làm nền móng, mô hình để nhân rộng tại Việt Nam".

Không chỉ vậy, trường cũng được đánh giá cao bởi chính những sinh viên tại trường.

Bùi Mạnh Tuấn – sinh viên FPT Polytechnic, người hiện đang làm chủ 2 shop thời trang tại Hà Nội, tự kinh doanh kiếm thu nhập 15 triệu/ tháng cho biết, Tuấn biết ơn khoảng thời gian học tập tại Cao đẳng thực hành FPT Polytechnic đã cho cậu không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn là cơ hội học tập, trải nghiệm một môi trường hiện đại và năng động, đã thay đổi con người cậu hoàn toàn.

“Từ một người nhút nhát, bị động, mình đã tự tin và chủ động hơn rất nhiều trong cuộc sống. Những kỹ năng mềm được học cũng hỗ trợ mình vô cùng thiết thực khi kinh doanh, giao tiếp, xử lý tình huống khi bước vào kinh doanh” – Tuấn khẳng định.

Những ý kiến đánh giá của PGS. TS Cao Văn Sâm cùng những đánh giá khách quan của chính những sinh viên đã phần nào gợi mở một góc nhìn, một hướng đi, và lựa chọn cho những người cha, người mẹ, những bạn trẻ đang băn khoăn “chọn việc làm hay chọn bằng cấp”.