Phó giáo sư Vật lý lên tiếng “phản biện” các nhà Lịch sử

(Dân trí) - Rất nhiều bất cập hiện nay ở nền giáo dục phân khoa học thành các “môn học” có một phần nguyên nhân bắt nguồn từ việc mỗi “môn học” đều chú trọng về tính hàn lâm, ít gắn với thực tiễn và thiếu sự gắn kết hữu cơ với nhau, như tự thân vốn có của khoa học và thực tiễn.

GS Phan Huy Lê khẳng định Hội Khoa học lịch sử Việt Nam sẽ kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần bảo vệ môn Lịch sử như một môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, lẽ nào lại phải viện đến những thể chế cao nhất của đất nước để phân xử một vấn đề mà thật ra là trách nhiệm chuyên môn của những nhà khoa học và nhà giáo dục?

Trong chương trình mới, thời lượng học kiến thức lịch sử của học sinh phổ thông sẽ nhiều hơn
Trong chương trình mới, thời lượng học kiến thức lịch sử của học sinh phổ thông sẽ nhiều hơn

 

Chúng ta đều biết rằng, cho đến nay, trong giáo dục phổ thông Việt Nam, các kiến thức khoa học, dù là tự nhiên hay xã hội, đều được phân thành các “môn học” theo ước lệ chủ quan của con người. Chẳng hạn như: môn Văn, môn Toán, môn Vật lý, môn Lịch sử, môn Địa lý… Trong khi, khoa học vốn dĩ là một chỉnh thể không thể tách rời một cách cơ học.

Câu chuyện "Thầy bói xem voi" đã khắc họa khá chi tiết điều này. Một anh xẩm khi sờ được chân con voi thì cho rằng con voi có hình dạng như cái cột đình, một anh xẩm khác sờ phải cái tai của voi nên lại cho rằng con voi có hình dạng như cái quạt mo. Sự thật, chân và tai chỉ là các bộ phận của một chỉnh thể là con voi mà thôi.

Nói về về kết quả giáo dục lịch sử, theo GS Phan Huy Lê, thời gian gần đây, giáo dục môn Lịch sử trong trường THCS và THPT sa sút nhiều, gây nỗi lo âu trong xã hội. Học sinh chán môn Lịch sử, không thích học lịch sử biểu hiện trên nhiều phương diện. Nếu đưa vào môn học bắt buộc thi thì điểm số rất thấp. Nếu đưa vào môn tự chọn thì hầu hết không chọn môn Lịch sử. Học hết cấp phổ thông mà hiểu biết lịch sử của phần lớn học sinh là rất lờ mờ, thậm chí những sự kiện cơ bản hay nhân vật anh hùng tiêu biểu cũng không nhớ hay nhớ sai.

Như vậy, giáo dục lịch sử trong nhà trường phổ thông “sa sút” khi giáo dục lịch sử là (do con người phân lập ra) một “môn học” độc lập, chứ chưa có một tí lỗi lầm nào của “tích hợp” cả.

Ở đây, cũng cần nhấn mạnh rằng, giáo dục khoa học (cả tự nhiên và xã hội, mà việc phân chia ra thành tự nhiên và xã hội cũng bởi con người tạo ra và hoàn toàn mang tính tương đối) theo con đường tích hợp, về một khía cạnh nào đấy, là trả lại cách nhận thức khoa học theo đúng cái chỉnh thể vốn có của nó. Sở dĩ có “một số cuộc thi tìm hiểu lịch sử với đề tài mở rộng cho sự tìm tòi, khám phá, thể hệ trẻ hăng hái tham gia với nhiều bài làm đạt chất lượng tốt” là bởi vì các cuộc thi ấy đã trả lại cái chỉnh thể của lịch sử với ý nghĩa là một phần hữu cơ của khoa học (xã hội) và cuộc sống.

Đa số trong chúng ta hiện nay chưa hiểu tích hợp là gì. Khi các nhà giáo dục làm việc tích hợp một số “môn học” với nhau để phù hợp với bản chất khoa học của các môn học ấy, phù hợp với tâm lý lứa tuổi cũng như mục tiêu của giáo dục phổ thông và phù hợp với xu thế tất yếu của khoa học giáo dục hiện đại mà thế giới đang áp dụng thì phản ứng của nhiều người là: người ta đã bỏ môn học này, “hô biến” môn học kia rồi!

Trong khi đó, lẽ ra, chúng ta phải đánh giá xem có nên thực hiện tích hợp - một xu thế thời đại của giáo dục thế giới - vào nền giáo dục Việt Nam không? Tích hợp như thế đã khoa học chưa, có phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi không, có góp phần vào việc giáo dục nên con người phát triển toàn diện không?... Đó là những yêu cầu mà nền khoa học, nhất là khoa học giáo dục Việt Nam phải giải quyết được, chứ tuyệt nhiên không phải là những mệnh lệnh hay ý muốn chủ quan của một nhóm người nào.

Mặt khác, cũng cần nhấn mạnh rằng bậc giáo dục phổ thông phải giáo dục sao cho con người phát triển hài hòa phù hợp với lứa tuổi. Đào tạo các nhà vật lý, nhà hóa học, nhà sử học, nhà ngôn ngữ học… là trách nhiệm của bậc giáo dục chuyên nghiệp. Việc thiết kế một nền giáo dục như thế nào để đáp ứng được các yêu cầu ấy là trách nhiệm của các nhà giáo dục, nhà khoa học, là trách nhiệm của nền khoa học nước nhà. Lẽ nào các nhà chuyên môn lại không giải quyết được nhiệm vụ chuyên môn của chính mình!

Nói rằng "dân ta phải biết sử ta" là muốn nói đến giáo dục lịch sử cho người học chứ không ai lại hiểu “thô thiển” là phải dạy khoa học lịch sử cho tất cả học sinh phổ thông. Mà giáo dục lịch sử thì có nhiều con đường và cách thức. Miễn sao con đường giáo dục ấy đạt được hiệu quả tốt nhất trong cái tổng hòa chung là giáo dục để con người phát triển hài hòa. Có thể khẳng định rằng, làm tốt giáo dục tích hợp là một trong những cách thức để đạt đến cái mục tiêu tối thượng của giáo dục là phát triển năng lực của con người.

Không phải do ngày nay là kỷ nguyên của khoa học và công nghệ mà ai đấy lại đòi phải đưa một “môn học” (dù đó là môn học cơ sở của khoa học công nghệ, chẳng hạn như Vật lý là cơ sở của kỹ thuật) thành “môn học cơ bản, độc lập và bắt buộc từ cấp THCS đến cấp THPT”. Đòi hỏi ấy, thoạt nhìn tưởng như là bảo vệ “môn học” ấy, nhưng sự thực là hại nó, bởi vì chặt một bộ phận cấu thành ra khỏi một cơ thể tránh sao khỏi sự hiểu khô cứng và méo mó về nó. Vả chăng, làm gì có “môn học” nào là độc lập, vì khoa học là một chỉnh thể; các “môn học” mà con người phân ra thì về bản chất chúng vốn có quan hệ hữu cơ với nhau theo các mức độ khác nhau. Trên một bàn tay, tạo hóa đã tạo ra năm ngón tay có ngón ngắn,  ngón dài phù hợp với chức năng riêng của chúng. Một bàn tay sẽ ra sao khi các ngón tay lại giống hệt như nhau!

Nên chăng, thay vì “kiến nghị lên lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam hãy cùng các nhà khoa học giáo dục tìm ra cách làm như thế nào để giáo dục lịch sử trong mối quan hệ hữu cơ với các giáo dục khoa học khác ở bậc học phổ thông với kết quả là các thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, mai này, qua những bậc giáo dục khác, là chủ nhân của một nước Việt hùng cường.

PGS.TS. Nguyễn Văn Khánh

(Khoa Vật lý, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội)