Phát triển bền vững hệ đào tạo không chính quy

(Dân trí) - Trong cuộc thảo luận về chất lượng hệ đại học tại chức vừa qua, một số người cho rằng nên hạn chế hoặc xóa bỏ hệ đào tạo này vì chất lượng của nó quá thấp. Tuy nhiên, nếu làm như vậy thì đã đi ngược lại với xu thế phát triển thời nay.

Đại chúng hóa giáo dục đại học là xu thế tất yếu

Đặc điểm của thời đại hiện nay là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, nhân loại đang bước đầu quá độ sang nền kinh tế tri thức. Trong khung cảnh đó nền giáo dục của thế kỷ 21 có những biến đổi to lớn, đó là lấy “học thường xuyên suốt đời” làm nền móng, nhằm hướng tới xây dựng một “xã hội học tập”. Về giáo dục đại học (GDĐH), từ quan niệm trước đây GDĐH chỉ của số ít người thì ngày nay phải dành cho số đông, tức là phải trở thành nền GDĐH đại chúng. Có thể nêu vài ví dụ về xu thế đại chúng hóa GDĐH: Tổng số SV vào đầu thế kỷ 21 ở Trung Quốc chỉ gần 7 triệu, ở nước ta gần 1 triệu, thì nay (2010) Trung Quốc có 30 triệu, nước ta có gần 2 triệu. Tổng số SV trên toàn thế giới năm 2007 150 triệu, tăng khoảng 50% so với đầu thế kỷ.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Trong một nền GDĐH đại chúng, cần có nhiều loại hình đào tạo khác nhau. Ngoài loại hình đào tạo thông thường, được gọi là chính quy (CQ), còn có các loại hình đào tạo khác mà ở nước ta quen gọi là tại chức, từ xa …hoặc gộp chung bằng tên gọi là không chính quy (KCQ).

Hệ CQ được tuyển sinh chặt chẽ, phần lớn là học và thi tại trường, ban ngày, đào tạo chủ yếu theo cách mặt-giáp-mặt (người dạy và người học gặp nhau nhiều), thời gian học tập một năm thường 8, 9 tháng …

Còn hệ KCQ, ngược lại, tuyển sinh không chặt chẽ (hoặc chỉ ghi danh học), phần lớn học và thi ở các địa điểm “liên kết” xa trường, học ban đêm, đào tạo chủ yếu theo phương thức giáo dục mở và từ xa (GDM&TX) vì tần suất mặt-giáp-mặt rất thấp, thời gian học trong một năm thường chỉ tối đa vài tháng ở các địa điểm “liên kết”…

Tầm quan trọng của hệ đào tạo KCQ

KCQ là loại hình rất quan trọng của GDĐH ngày nay, vì với yêu cầu không quá khe khắt trong quá trình học nó có thể thu hút được nhiều người học đại học; ngoài ra nó cũng phù hợp với phong cách học suốt đời trong một xã hội học tập. Cho nên, chẳng những số SV đại học có xu hướng tăng như đã nêu trên, mà tỷ số SV KCQ so với SV CQ cũng ngày càng tăng, và trong tương lai GDĐH CQ chỉ phát triển tới chừng mực nhất định, còn GDĐH KCQ sẽ ngày càng mở rộng.

Trong cuộc tranh luận về hệ tại chức (là một bộ phận của hệ KCQ) vừa qua, một số người cho rằng nên hạn chế hoặc thậm chí xóa bỏ hệ đào tạo này vì chất lượng của nó quá thấp. Tuy nhiên vì tầm quan trọng nêu trên của hệ KCQ, chúng tôi cho rằng không nên và không thể tìm cách xóa bỏ hoặc thu hẹp nó, mà phải tìm giải pháp phát triển bền vững hệ KCQ để nó trở thành một nhân tố quan trọng của xã hội học tập ở cấp đại học.

Các biện pháp để phát triển bền vững hệ đào tạo KCQ

Thế nào là phát triển bền vững hệ đào tạo KCQ? Trong xã hội ngày nay có nhiều loại hình học tập thường xuyên ở nhiều trình độ khác nhau nhằm nâng cao dân trí và cải thiện chất lượng cuộc sống, phần lớn không cần văn bằng, với các loại hình này không cần phải đánh giá nghiêm chỉnh. Tuy nhiên, hệ đào tạo đại học KCQ lại thường hướng đến văn bằng, do đó cần phải có cách quản lý chặt chẽ, đảm bảo sao cho sản  phẩm đào tạo được “dán nhãn” đúng với chất lượng của nó. Có như vậy thì văn bằng của loại đào tạo KCQ mới giữ được uy tín đối với xã hội, và những người theo học KCQ nghiêm túc mới không bị thiệt thòi, khi đó hệ đào tạo KCQ mới phát triển bền vững.

Vậy làm thế nào quản lý chất lượng hệ đào tạo KCQ? Theo kinh nghiệm nước ngoài thường có hai cách.

- Ở các nước phát triển, trong trường đại học thường có hai loại SV: toàn thời gian (full time) và bán thời gian (part time). Hai loại SV này cùng học theo một chương trình, cùng được đánh giá kết quả học tập như nhau, chỉ khác là SV loại sau trong một năm học có thể học ít môn hơn so với loại trước, nên tổng thời gian để hoàn thành đại học phải kéo dài hơn. Từ đó,  hai loại SV cùng học một ngành đào tạo ở một trường đại học nào đó phải được cấp cùng một loại văn bằng, không phân biệt toàn thời gian hay bán thời gian, tức là chất lượng SV hai loại hoàn toàn tương đương.

- Ở các nước nước nghèo hơn, vì các trường đại học thông thường không đảm bảo đủ chỗ cho rất đông SV muốn học, chính phủ phải đầu tư cho một vài trường đại học mở tập trung đào tạo KCQ bằng công nghệ Giáo dục Mở và Từ xa (GDM&TX) chuyên biệt để đào tạo cho số đông. Thực chất SV hệ KCQ học tập theo phương thức GDM&TX, không phải theo phương thức “mặt-giáp-mặt” thông thường, do đó muốn đảm bảo chất lượng của GDM&TX phải có công nghệ tương ứng cho GDM&TX chứ không thể sử dụng công nghệ giáo dục mặt-giáp-mặt cộng với những quy định rất dễ dãi như chúng ta đang làm. Công nghệ GDM&TX cũng không có gì là bí hiểm, chỉ bao gồm một hệ thống tài liệu học tập tốt thích hợp hệ thống công cụ đánh giá chặt chẽ cho mọi chương trình đào tạo đại học, ngoài ra, còn có cơ sở hạ tầng của công nghệ thông tin và truyền thông. Yếu tố quan trọng nhất của công nghệ GDM&TX là đánh giá chặt chẽ kết quả học tập: nếu đào tạo mặt-giáp-mặt sản phẩm đào tạo được đánh giá qua cả một quá trình thì GDM&TX không có điều kiện để đánh giá trong cả quá trình nên buộc phải đánh giá chặt chẽ đầu ra của từng môn học trong chương trình đào tạo.

Đại học mở là cầu nối giữa trường đại học với xã hội học tập  

Một số nước gần ta đã rất thành công trong việc áp dụng cách thứ hai nói trên. Ví dụ vào thập niên 1990 hai đại học mở của Thái Lan đã đào tạo khoảng 700 nghìn SV KCQ bằng công nghệ GDM&TX, còn 50 trường đại học thông thường khác chỉ tập trung đào tạo tốt khoảng 300 nghìn SV CQ theo phương thức mặt-giáp-mặt. Sở dĩ chất lượng SV KCQ có thể chấp nhận vì các đại học mở của họ đã xây dựng được hệ thống công cụ đánh giá cho từng môn học của các chương trình đại học, triển khai nhiều lần trong năm rất chặt chẽ như các kỳ tuyển sinh đại học ở ta, ai tích lũy được mọi chứng chỉ đánh giá môn học cho một chương trình đào tạo thì được cấp bằng. Trường Đại học mở Trung Quốc cũng sử dụng hệ thống công cụ đánh giá như vậy để quản lý chất lượng chẳng những của hệ KCQ và còn của các đại học tư. Trung Quốc có khoảng 1400 trường đại học tư nhưng chỉ khoảng 200 trường được cấp bằng sau một quy trình kiểm định chất lượng nghiêm khắc, ở 1200 trường tư còn lại SV theo học nhưng không được cấp bằng: bất kỳ ai muốn có bằng, kể cả những người tự học, thì phải tham gia các kỳ thi từng môn học của đại học mở nói trên. Như vậy các đại học mở chẳng những giúp đảm bảo chất lượng của hệ thống đào tạo KCQ mà còn trở thành cầu nối giữa trường đại học với xã hội học tập và quá trình học suốt đời.                  

Mong nuốn của Nhà nước và những thiếu sót về chiến lược

Chất lượng thấp của hệ tại chức và hệ KCQ nói chung là một nhức nhối của GDĐH nước ta hàng nhiều thập niên qua. Công luận và cả ở diễn đàn Quốc hội đã nhiều lần bàn đến vấn đề nhức nhối này. Nhà nước cũng đã mong muốn xử lý vấn đề này, thể hiện rõ nhất ở hai Luật Giáo dục năm 1998 và 2005. Thật vậy, Luật GD 1998 quy định khi cấp văn bằng phải ghi hình thức học tập (CQ và KCQ), tuy nhiên, trong Luật GD năm 2005 đã bỏ quy định ghi hình thức học tập nói trên, có nghĩa là phải đảm bảo có sự tương đương giữa hai loại hình đào tạo, giống như hai hình thức toàn thời gian và bán thời gian đã nói trên đây trong GDĐH ở các nước phát triển. Tuy nhiên cho đến nay phần lớn các trường đại học và ngay Bộ GD&ĐT vẫn sử dụng các loại bằng riêng để cấp cho hai hình thức đào tạo CQ và KCQ, lý do là có sự chênh lệch rõ rệt về chất lượng giữa hai loại hình đào tạo đó. Như vậy, mong muốn xóa bỏ sự phân biệt hai loại hình đào tạo của Nhà nước là không khả thi. Bởi vì không thể xóa bỏ sự phân biệt này chỉ bằng một quy định có tính hành chính, mà phải bằng các biện pháp có tính chiến lược.

Trong khi đó, các biện pháp khác liên quan có khả năng giúp giải quyết vấn đề chất lượng của hệ KCQ lại bị bỏ qua. Như trên đây đã nói, thực chất hệ KCQ liên quan đến phương thức GDM&TX chứ không phải phương thức đào tạo mặt-giáp-mặt thông thường. Thế mà cho đến nay phương thức GDM&TX đã không được chú ý. Thật vậy, hai đại học mở của ta được thành lập từ năm 1993 để tập trung cho GDM&TX, nhưng đã bị “bỏ quên”, chưa hề được đầu tư thích đáng nào của Nhà nước cho chức năng này, và đã trở thành các “đại học khép”. Điều đáng tiếc là một đề án phát triển GDM&TX 2005-2010  đã được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2005 nhưng cho đến nay chưa được thực hiện! Tình trạng nói trên thể hiện một khiếm khuyết lớn của chiến lược phát triển GDĐH nước ta. Chỉ cần Nhà nước dành vài phần trăm chi phí cho các trường đại học “đẳng cấp thế giới” chia sẻ cho hai đại học mở thì cũng có thể giúp họ xây dựng hệ thống công nghệ GDM&TX tốt, từ đó hai đại học mở có và các trường đại học khác có thể sử dụng chúng để nâng cao chất lượng đào tạo hệ KCQ.

Giải pháp nâng cáo chất lượng hệ KCQ ở nước ta

Theo các số liệu thống kê của Bộ GD&ĐT hiện nay thì ở nước ta có khoảng gần 1 triệu sinh viên (SV) hệ KCQ trong tổng số khoảng gần 2 triệu SV, tức là hệ KCQ chiếm khoảng một nửa tổng số SV đại học. Cho nên nâng cao chất lượng của hệ KCQ là một vấn đề quan trọng ở tầm chiến lược.

Muốn nâng chất lượng của hệ KCQ ở nước ta phải có giải pháp cả về công nghệ và quản lý. Về công nghệ, phải xây dựng được công nghệ GDM&TX thích hợp như đã nói trên, còn về  quản lý, phải giải quyết cả vấn đề “nồi cơm”, tức là tăng thu nhập cho các trường đại học và phải phân công lại việc đào tạo hệ KCQ.

- Xây dựng hệ thống tài liệu học tập có chất lượng cao hệ thống công cụ đánh giá thích hợp cho GDM&TX là công đoạn tốn kém mà một trường đại học bình thường khó làm được, Nhà nước phải đầu tư ban đầu thích đáng cho một vài trường làm đầu mối thực hiện, thích hợp nhất là 2 đại học mở. Có kinh phí đầy đủ, các trường này sẽ huy động đội ngũ giảng viên giỏi trong toàn hệ thống GDĐH xây dựng hệ thống nói trên cho mọi chương trình đào tạo đại học.

- Vấn đề tăng thu nhập cho các trường đại học thì rất phức tạp, tuy nhiên không phải không có lối ra. Không thể không tính đến việc nâng lương cho giảng viên đại học, nhưng đó là biện pháp lâu dài. Ngoài ra cần sử dụng cơ chế chia sẻ chi phí đào tạo  giữa Nhà nước, người học và xã hội. Công thức “học phí cao+ hỗ trợ cao” cần được thực hiện: tăng học phí đến mức đảm bảo phần lớn chi phí đào tạo, đồng thời sử dụng tốt quỹ tín dụng SV. Cố gắng tăng thích đáng quỹ tín dụng đó và có biện pháp cấp đúng người cần được hỗ trợ thì có thể tăng học phí lên mức thích hợp. Đây là cơ chế tốt nhất đảm bảo công bằng xã hội. Ngoài ra, cần tăng kinh phí nghiên cứu, đặc biệt cho các trường đại học trọng điểm.

- Cần tổ chức và phân công lại việc triển khai đào tạo KCQ: hai đại học mở đảm nhiệm đào tạo phần lớn SV KCQ bằng hệ thống công nghệ GDM&TX đã được xây dựng tốt, Nhà nước ủy thác cho hai đại học mở triển khai đánh giá các môn học của mọi chương trình đại học nhiều lần trong năm; các trường khác sử dụng hệ thống công nghệ GDM&TX mà 2 đại học mở đã làm đầu mối xây dựng để đào tạo, có thể họ chỉ triển khai giảng dạy, còn SV tham gia hệ thống đánh giá chung của hai đại học mở. Riêng các đại học trọng điểm quốc gia thì không nên đào tạo KCQ mà tập trung cho nghiên cứu khoa học và đào tạo CQ chất lượng cao.

Trên đây là vài ý kiến về một giải pháp tổng thể để giải quyết tận gốc vấn đề chất lượng của hệ KCQ trong GDĐH nước ta, tạo điều kiện cho hệ KCQ phát triển bền vững.  Các đại học mở là yếu tố quan trọng làm nòng giúp nâng cao chất lượng hệ KCQ, cũng làm cầu nối giữa hệ đào tạo CQ của GDĐH và xã hội học tập.

Kinh nghiệm thế giới cho thấy giải pháp này có  tính khả thi cao, và chắc chắn sẽ thành công khi có quyết tâm cao của những người lãnh đạo.

Chúng tôi hy vọng vào quyết tâm đó, bởi vì sẽ là vô nghĩa nếu cứ nói đến chất lượng GDĐH mà không kiểm soát được chất lượng của một nửa tổng số SV đại học nước ta.

 

                                                GS.TSKH Lâm Quang Thiệp

 

LTS Dân trí - Muốn xây dựng thành công nền đại học đại chúng cũng như tạo điều kiện cho mọi người có thể học tập suốt đời trong một xã hội học tập thì cùng với việc quan tâm đúng mức hệ đào tạo chính quy, còn phải chú trọng phát triển hệ thống đào tạo không chính quy.

Những năm gần đây, nhiều trường đại học ở nước ta phát triển mạnh hệ “đào tạo tại chức” (hệ đào tạo không chính quy) nhưng không có các biện pháp bảo đảm chất lượng, cho nên hiệu quả sử dụng thấp và tạo nên nhiều hệ lụy  xã hội.

Bài viết trên đây nêu lên những biện pháp  phát triển bền vững hệ đào tạo đại học không chính quy mà các nước đi trước ta đã áp dụng có hiệu quả. Đấy cũng là những biện pháp khả thi nhằm khắc phục từ gốc tình trạng đào tạo “tại chức” lộn xộn và kém chất lượng hiện nay.