“Phao cứu sinh” của thí sinh khối C

(Dân trí) - Không phải là những cuộn phao ruột mèo xoắn xuýt, “phao cứu sinh” là 3 bí quyết để gần 200 nghìn thí sinh dự thi khối C năm nay tự tin bước vào phòng thi.

Ba bí quyết đó chỉ là 3 câu hỏi rất đơn giản kiểu có/không. Tự trả lời được những câu hỏi này, thí sinh khối C còn có gì phải băn khoăn nữa!

1. Có yên tâm với lượng kiến thức của mình để “dám” từ chối ý định quay cóp?

Nếu trả lời “không”, thí sinh hãy tự động... rút khỏi cuộc thi.

Mặc dù 2/3 số môn thi của khối C là các môn thi mà thí sinh cảm thấy rất cần và rất muốn có “nhu cầu” quay cóp vì tỷ lệ lý thuyết ở những môn này thường chiếm tới 70% trong khi ở các môn khác chỉ chiếm khoảng 30%.

Đã có năm tại Hội đồng thi của trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), tuy rất nắng nóng nhưng nhiều thí sinh dự thi đã có cách ăn mặc rất giống nhau là các áo sơ mi dài tay chất liệu vải thô được may rất rộng và “cắm thùng” - một phong cách không thể thiếu khi thí sinh muôn giắt tài liệu quanh người!

Nhưng, với công tác coi thi của các giám thị càng ngày càng được thực hiện gay gắt khiến số thí sinh có định quay cóp đã ngày càng giảm. Như trong kỳ thi ĐH năm 2006, số thí sinh quay cóp giảm gần 30% trong khi số giám thị chưa nghiêm túc khi coi thi bị xử lý tăng gần 50% thì những thí sinh quay cóp sẽ dần trở thành... khan hiếm, lạc lõng và sẽ sớm bị loại khỏi cuộc “chạy đua” này.

2. Đánh giá về lượng kiến thức của 3 môn Văn, Sử, Địa: Vẫn còn mông lung?

Nếu câu trả lời là “có”, thì rõ ràng thí sinh đang có những lỗ hổng kiến thức khá trầm trọng đối với cả 3 môn.

Mặc dù Văn, Sử Địa đều là những môn học xã hội nên việc tổng hợp được lượng kiến thức trong những môn học này thành một bố cục gọn gàng như các môn khoa học tự nhiên là điều rất khó thực hiện. Tuy nhiên, 3 môn học này hoàn toàn không phải là những môn học miên man nội dung trong tràng giang đại hải. Nhiều thí sinh khối C trong quá trình học ôn đã rơi vào tình trạng mơ hồ, đại khái trong nội dung học và tự tin vào khả năng... bịa vì cho rằng đó hoàn toàn là những môn có thể bịa được.

Đã là những môn khoa học thì không thể bịa, dù là khoa học xã hội! Kiến thức của những môn học đó cũng không có gì là đồ sộ và mênh mông, chỉ có những người đứng bên ngoài “nhòm” vào thì mới có cảm giác như vậy” - với thâm niên hơn 30 năm đứng lớp, thầy Nguyễn Bằng, nguyên giáo viên Lịch sử trường chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định khẳng định.

3. Đối với các môn khối C, chỉ cần chăm chỉ học thuộc lòng là sẽ nắm chắc cơ hội đỗ ĐH?

Câu trả lời là “không”. Học thuộc lòng đối với khối C là một cách học cần thiết, nhưng chỉ học thuộc lòng thì cơ hội vào ĐH của thí sinh khối C cũng vẫn rất mong manh.

Đề thi của Bộ GD-ĐT càng ngày càng ra theo hướng hạn chế học vẹt, chép nguyên xi sách giáo khoa hay sách tham khảo, hạn chế những câu hỏi có tính chất thuộc lòng, những câu hỏi có trong sách giáo khoa; đồng thời tăng cường những câu hỏi có tính chất tổng hợp, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức và kỹ năng đã học một cách linh hoạt, sáng tạo.

Thí sinh luôn phải vừa học thuộc lòng, vừa phải biết suy luận. Như đối với bài làm môn Lịch sử cần đi thẳng vào vấn đề, không viết rông dài, dẫn đến lạc đề. Một bài làm Lịch sử muốn được điểm cao thì thí sinh phải đọc kỹ đề bài, hiểu rõ câu hỏi và thiết kế những kiến thức đã học theo ý đồ của câu hỏi, không bắt câu hỏi phải đi theo kiến thức có sẵn của mình. 

Muốn thế, thí sinh phải biết cách suy luận từ nền tảng của những vấn đề mà mình đã được học và biết chọn ra những chi tiết, sự kiện lịch sử nào để chứng minh, giải thích theo yêu cầu của đề bài.

Đối với môn Địa, khi làm bài, thí sinh phải học cách phân tích tổng hòa của các yếu tố trong mối liên hệ tổng thể giữa các hiện tượng địa lý tự nhiên, địa lý kinh tế xã hội. Đối với số liệu, thí sinh phải trả lời các câu hỏi sau trước khi phân tích: Số liệu ấy nói lên điều gì? Những biến động của các dãy số liệu phản ánh điều gì? Tại sao lại có diễn biến như thế?

Đối với môn Văn, thí sinh nếu không biết tổng hợp và suy luận thì không bao giờ có hy vọng đạt được điểm cao.

Kết quả thi khối C của thí sinh năm 2006

 

Không có thí sinh nào đạt kết quả 27 điểm/3 môn, cũng không có thí sinh nào đạt điểm tối đa. Chỉ có 34 thí sinh trong tổng số 169.544 thí sinh có kết quả thi từ 24 đến 26,6 điểm.

 

Điểm chuẩn của các trường ĐH có tuyển sinh khối C hầu như đều dưới 20 điểm, chỉ có một số ít trường có điểm chuẩn trên 20.

 

Theo dự báo của các chuyên gia tuyển sinh, điểm thi của thí sinh khối C năm nay sẽ là một trong những khối chịu ít biến động nhất so với 3 khối còn lại. Kết quả thi cũng như điểm chuẩn của khối C năm nay sẽ tương đương như năm 2006.

M.M

Dòng sự kiện: Tư vấn thi các môn