TPHCM:

Phá rào tuyển giáo viên, vẫn không đủ

(Dân trí) - Linh hoạt trong cách tuyển dụng, thậm chí là “phá rào” các quy định, lộ trình xét tuyển trước đây nhưng nhiều đơn vị giáo dục tại TPHCM vẫn thiếu giáo viên trầm trọng.

Nội thành cũng thiếu

Tại huyện Bình Chánh, nhu cầu tuyển dụng giáo viên (GV) ở bậc mầm non năm nay là 42 người nhưng sau tuyển đợt 1 mới tuyển được 27, còn bậc tiểu học thiếu 150 GV nhưng mới nhận được 67 hồ sơ dự tuyển.

Tại quận Bình Tân, các bậc học cần thêm 300 giáo viên nhưng đến nay mới tuyển được 2/3. Theo một lãnh đạo của quận, ở ngành học mầm non chỉ mới tuyển được một nửa nhu cầu. Không chỉ giáo viên mà tại huyện Củ Chi còn thiếu cả cán bộ quản lý ngành giáo dục, riêng quả lý mầm non thiếu đến 17 người. Tại Q.2, nhiều trường học còn không có hiệu trưởng, hiệu phó.

Phá rào tuyển giáo viên, vẫn không đủ - 1

Mở rộng diện xét tuyển, các trường tại TPHCM vẫn không đủ giáo viên.

Mọi năm tình trạng thiếu GV hầu hết tập trung ở các địa phương quận, huyện ngoại thành thì năm nay, các quận trung tâm cũng kêu trời vì thiếu GV. Nếu ở ngoại thành việc thiếu GV từ năm nay chồng qua năm khác, GV trúng tuyển không đến nhiệm sở thì tình trạng này xuất hiện ngay ở các quận nội thành.

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.3, cho biết Q.3 là quận trung tâm nhưng chưa lúc nào tình trạng thiếu GV lại căng thẳng như năm nay. Việc nhiều cán bộ quản lý về hưu, đưa GV lên thay thế gây ra sự thiếu hụt GV như hiện nay của quận. Bậc mầm non của Q.3 có nhu cầu tuyển 45 GV, đợt 1 có 20 hồ sơ xét tuyển thì có đến 19 hồ sơ trúng tuyển nhưng khi đến nhiệm sở thì chỉ còn 12. Như vậy, quận vẫn còn thiếu đến 27 GV mầm non.

Bà Nguyệt nhấn mạnh nếu không sớm cải thiện đời sống cho GV thì không thể thu hút được GV đến với nghề. “Nhiều người nói rằng giờ đi giúp việc lương còn 3 - 4 triệu, còn khỏe hơn đi dạy nhiều. Đây là điều chúng ta cần nghĩ đến. Áp lực GV rất nhiều mà chế độ đãi ngộ lại quá thấp, sao mà thu hút được”.

Số học sinh năm nay không tăng do di dời dân cư cho dự án đại lộ Võ Văn Kiệt nên Q.6 không rơi vào tình trạng thiếu quá thiếu GV như các địa phương khác. Nhưng theo bà Phan Thị Phượng, Trưởng phòng Giáo dục Q.6 đơn vị mình vẫn phải mời GV thỉnh giảng, GV hợp đồng để “lấp chỗ trống”.

Phá rào xét tuyển

Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho hay để tuyển được GV phòng linh hoạt thay đổi quy trình tuyển dụng từ dưới lên thay vì trên xuống như trước. Phòng khuyến khích các trường, khi  nhận được hồ sơ, đầy đủ bằng cấp cứ cho thử việc rồi sau chuyển hồ sơ lên phòng chứ không nhất thiết phải chờ phòng xét duyệt hồ trước. Vì nếu chờ phòng, khi trúng tuyển chưa chắc GV đã đến nhiệm sở.

Để đảm bảo đủ GV, các quận cũng đề xuất được tuyển GV có KT3, đặc biệt là GV ở ngành mầm non. Theo lãnh đạo một quận, chưa bao giờ quận có thể tuyển đủ GV có hộ khẩu thành phố nên việc tuyển GV có KT3 là cần thiết. Năm nay, hàng loạt các quận như quận 8, 9, 11..., tuyển GV KT3 ở bậc mầm non, tiểu học. Và các quận 4, 7, Tân Phú cũng tuyển GV KT3 ở bậc tiểu học.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Trưởng phòng GD Mầm non Sở GD-ĐT TPHCM cho hay, năm nay “nới” rộng diện xét tuyển GV có KT3. Tuy nhiên, sau đợt tuyển đầu tiên của năm học 2011 - 2012, bậc mầm non mới tuyển được trên 500 GV. Như vậy còn thiếu trên 400 GV mần non sẽ tiếp tục chờ xét tuyển ở các đợt sau.

Theo bà Dung, tình trạng thiếu GV ở bậc mầm non tập trung nhiều ở khối ngoài công lập, hiện nay rất khó tuyển. Hơn nữa, bà Dung phân tích việc thiếu GV phải nhìn nhận đồng thời với việc thiếu cơ sở vật chất vì hiện nay còn thiếu trường học, nhiều trường thiếu lớp, đặc biệt là để đảo bảo chuẩn 35HS/lớp. Vì thế nếu khắc phục cần phải khắc phục đồng thời cả hai yếu tố chủ chốt trên.

Được biết, sau khi tuyển dụng GV đợt 1 cho năm học 2011-2012, TPHCM vẫn còn thiếu 273 GV mầm non và 675 GV tiểu học. Thành phố cũng “phá vỡ” 2 đợt tuyển GV mỗi năm như trước đây mà sẽ kéo dài thời gian tuyển trong suốt năm học. Sau đợt 1, đợt 2, các phòng GD - ĐT sẽ tiếp tục tuyển GV ở các đợt 3, 4 nếu các trường có nhu cầu.

Hoài Nam

Dòng sự kiện: Năm học mới 2011-2012