“Ông vua con” bị… chèn ép

(Dân trí) - Nhiều đứa trẻ được xem như là “ông vua con” vì sự cưng chiều của mọi người trong nhà. Chúng ta luôn tưởng rằng chúng thích gì được nấy nhưng thật ra không thiếu những “ông vua” bị chèn ép bởi cách yêu thương mù quáng của bố mẹ.

“Con cưng” thèm rửa bát, tự đi học

Nhà cách trường học chỉ hơn 200m, đi bộ chưa hết 5 phút ra ngay đầu hẻm với lối đi rất thuận tiện, không phải qua đường nhưng chưa một lần cô học trò 13 tuổi B.N (học sinh Trường THCS Hà Huy Tập, TPHCM) tự mình được đi học.

Bố mẹ, ông bà thay phiên nhau đưa đón N. ngày hai buổi. Khi bố mẹ đón muộn, N. được lệnh phải ở trong cổng trường có lúc cả tiếng đồng hồ chờ đến lúc có người thân đến đón thì thôi. Nhiều lần bận việc, bố mẹ N. còn nhờ hàng xóm đi đón con giúp chứ không cho phép N. tự bước chân từ trường về nhà.

Cô con gái phản kháng, đề nghị mình được phép tự đi học nhưng bố mẹ em nhất quyết không đồng ý.

Nhiều đứa trẻ con cưng bị bố mẹ tước đi những quyền và khả năng làm người cơ bản nhất
Nhiều đứa trẻ "con cưng" bị bố mẹ tước đi những quyền và khả năng làm người cơ bản nhất (Ảnh minh hoạ)

Trong quá trình tiếp xúc với các bạn trẻ và gia đình thông qua các chương trình kỹ năng sống, ông Phan Thanh Hổ (Quản lý giáo dục và huấn luyện, TT Thanh thiếu niên Miền Nam) gặp rất nhiều trường hợp các em là “con vàng con bạc” thích gì cũng được bố mẹ đáp ứng ngay. Vậy nhưng, các em lại bị ức chế, đè nén bởi sự bao bọc của chính phụ huynh.

Anh nhớ trường hợp cậu học trò quê Đắk Lắc, gia đình rất có điều kiện. Mới lớp 8, em đã được bố mẹ cho xài điện thoại Iphone đắt tiền, về vật chất không thiếu thứ gì. Sau khi tham gia khoá học từ trung tâm, trở về nhà, cậu học trò muốn thể hiện mình bằng việc… rửa bát.

Nhiều đứa trẻ con cưng bị bố mẹ tước đi những quyền và khả năng làm người cơ bản nhất
Những việc đơn thuần như tự phục vụ bản thân lại trở nên xa vời với nhiều đứa trẻ "con vàng con bạc" 

Nhưng em vừa đụng tay vào bị bố mẹ cấm ngay tức thì. Mặc cho sự háo sức của đứa con, họ nói đó là việc của người giúp việc mà còn tát thêm gáo nước lạnh vào con khi khẳng định con rửa chỉ thêm bẩn, người khác cũng phải làm lại.

Song song với việc được chiều chuộng vô tội vạ không ít “cục cưng” bị bố mẹ “úm” đến mức bị tước những quyền và khả năng cơ bản nhất… Không thiếu những đứa trẻ 3 – 4 tuổi vũng vòi đòi quyền được tự xúc ăn, tự mặc quần áo, tự bước đi nhưng không thoát được vòng tay “siết” của bố mẹ. Rồi trẻ lớn hơn, thậm chí đến khi lập gia đình thì mỗi bước đi vẫn trong tầm kiểm soát của gia đình.

Các nhìn nhận về con của phụ huynh có vấn đề

Ông Phan Đình Hổ (Quản lý giáo dục và huấn luyện, TT Thanh thiếu niên Miền Nam) cho biết, hiện nay rất nhiều phụ huynh lúc nào cũng nghĩ rằng con mình còn nhỏ, sợ con ăn không được, ngủ không được. Nhiều em lớn tồng ngồng, cao hơn cả cha mẹ mà khi chia tay đi học chương trình một hai ngày là bố mẹ ôm hôn, vuốt ve, đứng ngoài cổng nước mắt ngắn dài làm đứa trẻ rất khó chịu.

Sự bao bọc của bố mẹ làm các em bị đè nén, các em khát khao được lớn, được bố mẹ nhìn nhận mình lớn hơn. Họ cho con rất nhiều thứ về vật chất nhưng không cho phép trẻ được lớn, được trưởng thành đã đè nén đứa trẻ.

Những trải nghiệm từ cuộc sống chính liều thuốc tốt nhất cho sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ
Những trải nghiệm từ cuộc sống chính liều thuốc tốt nhất cho sự trưởng thành của mỗi đứa trẻ

“Phụ huynh không tin tưởng ở con, lúc nào cũng cho rằng con mình còn khờ khạo lắm, không làm được gì đâu. Trong khi rời bố mẹ, các em rất nhanh nhẹn, giỏi giang. Cách nhìn nhận về con của các bậc cha mẹ hiện nay là một vấn đề rất đáng ngại”, ông Hổ cho hay.

Sự “úm” con của cha mẹ tước đi của trẻ quyền được lựa chọn, ra quyết định cũng như thể hiện chính kiến của mình. Theo chuyên gia trẻ em Bùi Thị Minh Tú, do thiếu hiểu biết, nhiều phụ huynh can thiệp một cách thô bạo vào sự phát triển tự nhiên của con trẻ. Con tự ăn được nhưng bố mẹ đòi đút cho con, không cho con làm việc gì hết ngay cả những việc phục vụ bản thân thì chẳng khác nào đang biến đứa trẻ thành què quặt, tật nguyền. Để rồi họ tước đi của đi của con những cơ hội được trưởng thành, được yêu thương bằng những trải nghiệm trong cuộc sống.

Khi trẻ được bố mẹ bao bọc quá mức không chỉ mất đi những kỹ năng sống cơ bản mà nguy hiểm nhất là trẻ mất niềm tin vào bản thân, nhìn nhận bản thân một cách tiêu cực. Mà theo ông Phan Thanh Hổ trong việc giáo dục con trẻ ngày nay, thay đổi cách nhìn của phụ huynh khó hơn nhiều thay đổi đứa trẻ.

Hoài Nam