Ô sin “thổi giá” và hàng vạn cử nhân thất nghiệp

(Dân trí) - Chúng ta thấy gì từ hai việc rõ ràng chẳng liên quan gì đến nhau? Người giúp việc khan hiếm, nhu cầu nhiều thì họ được thể “làm giá”. Còn cử nhân như lá rụng mùa thu, thất nghiệp khi không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.

Phải nói, người giúp việc trở thành nỗi “ám ảnh” của các gia đình ở các thành phố lớn. Kham hiếm, tìm không ra người hoặc tìm được người thì giá thuê chẳng hề "dễ thở". Mức bình quân thuê một người giúp việc tại TPHCM ít nhất phải gấp hai, thậm chí gấp ba, bốn lần mức lương của một cử nhân mới ra trường làm việc trong cơ quan hành chính.

Cuối năm, đầu năm là dịp gia chủ "đau tim" khi ô sin nhõng nhẽo đề nghị tăng lương, nâng giá trị của mình sau một năm làm việc vất vả. Nhà nào không thương lượng được, không trụ nổi thì… mất người. Ngành nghề gì chứ người giúp việc, lại người có kinh nghiệm thì “hở” ra bị hốt ngay. Thậm chí chẳng “hở” cũng bị dòm.

Người giúp việc chuyên nghiệp cực kỳ có giá trong các gia đình ở các thành phố lớn (Ảnh: Hoài Nam)
Người giúp việc chuyên nghiệp cực kỳ "có giá" trong các gia đình ở các thành phố lớn (Ảnh: Hoài Nam)

“Bà Thế giúp việc đang làm cho nhà mình ngon lành. Mình thiếu đề phòng, nhà hàng xóm đã để ý từ lâu, dụ ngay sang làm cho nhà ông anh trai bên biệt thự quận 9 lương cao gấp rưỡi. Mình trở tay không kịp, đẩy gia đình vào thế khốn đốn cả tháng trời mới tìm được người mới”, chị Nguyễn Thanh Bình, ở Q.Bình Thạnh kể về tình cảnh cách đây nửa năm của mình. 

Khoản lương gấp rưỡi của bà Thế ngang ngửa với mức lương chị Bình đang làm việc cho một siêu thị có tiếng ở vị trí chủ chốt. Rút kinh nghiệm, mới đây chị Bình mạnh tay thưởng hai tháng lương cho người giúp việc hiện tại nhằm ngăn chặn nguy cơ người làm nhảy việc.

Đến khu Phú Mỹ Hưng, Thảo Điền xa hoa, người giúp việc “nhập khẩu” từ Philippines là lựa chọn của nhiều gia đình tây lẫn ta bởi sự chăm chỉ và giỏi giang. Người lớn tuổi có, người trẻ cũng có, họ xem đây là công việc mưu sinh chuyên nghiệp. Không đơn thuần là giúp việc nhà mà còn kiêm những vai trò hết sức quan trọng như chăm sóc con trẻ, dạy trẻ tiếng Anh. Và mức lương thì... khỏi bàn, chỉ tính bằng đô.

"Chúng ta để thua ngay trên sân nhà!"

Đến các trung tâm giới thiệu việc làm, khan hiếm nhất là tìm người giúp việc và dư dả nhất là tìm… cử nhân ĐH đang thất nghiệp, kiếm việc làm. Khổ nỗi, nhu cầu tuyển cử nhân lại chẳng nhiều, nhất là cử nhân với khả năng tàng tàng. Chưa kể đến việc, cho dù thất nghiệp đi nữa, nhiều cử nhân vẫn “kén chọn" với tâm lý tốt nghiệp ĐH phải làm những việc tương xứng với tấm bằng. Trong khi không phải bằng cấp luôn đi cùng năng lực!

Hàng vạn cử nhân ra trường đang chới với vì không tìm dược việc làm (Ảnh minh họa: Hoài Nam)
Hàng vạn cử nhân ra trường đang chới với vì không tìm dược việc làm (Ảnh minh họa: Hoài Nam)

Thông tin từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội mới đây, tin vui nhất là số lượng người thất nghiệp có xu hướng giảm. Nhưng chua chát ở chỗ số lượng người có trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp lại có xu hướng tăng cao, tăng mạnh.

Ở TPHCM đến năm 2020, mỗi năm sẽ có 270.000 chỗ làm mới. Nhưng nhu cầu về trình độ lao động đại học chỉ chiếm 12%, còn lại sẽ “rớt” hết vào những người có tay nghề.

Giúp việc nhà từ lâu bị xem là công việc thấp trong xã hội. Mặc, những người giúp việc có kinh nghiệm vẫn đủng đỉnh “cành cao” với giá trị thật của mình. Biểu hiện rõ nhất là người sử dụng lao động đối tượng này phải làm đủ cách để giữ chân họ bằng tình cảm lẫn vật chất. 

Hàng vạn cử nhân thất nghiệp cũng “sang chảnh” với tấm bằng phấn đấu bao năm trời lại lay lắt không việc làm. Nhiều người phải sống bằng đủ việc tạm bợ hoặc tiếp tục được gia đình trợ cấp như hồi sinh viên. Giá trị của họ mới chỉ nằm ở tấm bằng, chưa phải ở năng lực.

Hay trong một lần chia sẻ với các bạn trẻ ở TPHCM, nhà ngoại giao, nhà giáo dục Tôn Nữ Thị Ninh đã phải nói rằng, với tình hình ở Việt Nam, đừng nên dựa vào bằng cấp để tuyển dụng!

Ô sin cứ “thổi giá” và hàng vạn cử nhân cứ thất nghiệp - chẳng liên quan gì đến nhau. Không ai xui cử nhân đi giúp việc nhà. Chỉ đơn thuần, theo lời một nhà giáo dục ở TPHCM, điều này phản ánh tấm bằng của sự hư học có thể làm cho người ta ảo tưởng về giá trị của mình, từ chối lao động bởi không biết mình là ai. Đó là thất bại, bi kịch lớn nhất của đời người.

Và một đất nước sẽ phát triển ra sao khi thiếu thợ lẫn thiếu cả thầy giỏi?

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Dòng sự kiện: Cử nhân thất nghiệp