Nữ sinh Việt được 11 trường ĐH Mỹ “chào đón”

19 tuổi, Nguyễn Hồng Hạnh được 11 trường đại học của Mỹ (Stanford, Yale, Princeton, MIT…) chào đón với mức học bổng toàn phần hấp dẫn. Bí quyết nào dẫn đến thành công của cô gái trẻ này?

 
Nữ sinh Việt được 11 trường ĐH Mỹ “chào đón” - 1

Cô bé mở được cửa của 11 trường đại học (ảnh TTO)

Ở nhà, khi còn bé, Hạnh được gọi yêu là “Gà” vì trông rất dễ thương: tóc xoăn từng lọn tự nhiên, da trắng, cười rất tươi, thường tha thẩn chơi một mình.
Bố là kỹ sư xây dựng, mẹ là giáo viên, cả hai đều không giỏi ngoại ngữ, nhưng cô con gái lớn Nguyễn Hồng Hạnh lại “ham” học môn tiếng Anh từ nhỏ.

Hạnh kể rất hồn nhiên: “Từ cấp tiểu học, tôi luôn cố gắng để mang giấy khen về tặng bố mẹ”. Suốt 12 năm phổ thông, Hạnh đều đạt học sinh giỏi. Lớp 11, Hạnh ẵm giải nhì tiếng Anh cấp thành phố, lớp 12 Hạnh “có thêm” giải nhì tiếng Anh quốc gia.

Chuẩn bị cho chuyến du học, điểm thi TOEFL của Hạnh đạt gần tuyệt đối 117/120 điểm. Bí quyết học tốt của Hạnh? Rất đơn giản: “Nếu biết cách học thì ngay lúc ngồi trong lớp, nghe cô giáo giảng bài là tôi có thể nắm được hết kiến thức. Thi học kỳ chỉ cần ôn tập lại là làm bài tốt”.

Năm lớp 11, được Chương trình giao lưu văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ “nhắm”, Hạnh nhận học bổng một năm tại trường Choate Rosemary Hall, ở miền Đông nước Mỹ.

Lần đầu tiên xa nhà, tiếng Anh chưa “nhuyễn” lắm nhưng Hạnh nỗ lực hết mình để đạt kết quả học tập giỏi cả năm, được các thầy cô yêu quý. Vào các dịp cuối tuần, Hạnh đã âm thầm vác ba lô, tự lặn lội gần khắp nước Mỹ để “mục sở thị” những trường ĐH mơ ước: “Đây là quãng thời gian quý giá nên tôi phải cố gắng đến để xem không khí học tập, quang cảnh từng trường”.

Trở về Việt Nam, Hạnh vừa ôn thi tốt nghiệp THPT vừa chạy “nước rút” làm hồ sơ du học. “Một bộ hồ sơ đẹp”: có điểm thi (bài kiểm tra khả năng học sinh THPT-SAT) và điểm TOEFL cao, bài luận viết hay, thư giới thiệu của thầy cô giáo và các hoạt động ngoại khóa.

Hạnh chia sẻ cách viết một bài luận: “Hãy chân thật và sáng tạo. Bạn phải là chính mình, đừng copy ý tưởng của người khác. Bạn đừng e ngại làm nổi mình lên để mọi người có thể phân biệt được bạn với người khác”.

Trong bài luận của mình, Hạnh thể hiện tính cách của một cô gái đến từ đất nước nhỏ bé, còn nhiều khó khăn nhưng không tự ti và đầy ắp hoài bão: “Mong được mở cánh cửa tri thức, khát khao giới thiệu văn hóa VN với bạn bè thế giới, theo học ngành kinh tế vì mong sự phồn thịnh…” .
 
Đó cũng là lý do cô ghi tên theo học ngành Kinh tế ĐH Stanford, trong khi mẹ cô muốn con mình trở thành nhà ngoại giao và theo học trường Yale danh tiếng. Hạnh giới thiệu: “Stanford là một trường ĐH “trẻ” của Mỹ nên rất năng động. Tôi thích không khí đó. Trước đây, khi đến trường Stanford tôi đã đề nghị được học thử một buổi. Đó là buổi học về dịch vụ hành chính công. Thật tuyệt vời, lớp học chỉ có 20 sinh viên. Giáo sư đặt vấn đề để sinh viên thảo luận. Ai cũng được trình bày ý kiến của mình”.

Hạnh chia sẻ, để “ghi điểm” với các trường ĐH ở Mỹ, còn một yêu cầu bắt buộc là bạn cần phải có kết quả tham gia các hoạt động xã hội.

Trước khi nhập học tại ĐH Stanford, Hạnh còn là thành viên chủ chốt của chương trình xử lý rác thải tại trường THCS Thành Công, Hà Nội. Những ngày này, Hạnh đang miệt mài với kỳ thi cuối kỳ. Mỗi ngày mới, cô không quên quyết tâm “Phải cố gắng hết sức trong thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường để có được những bằng cấp tốt nhất, không bỏ phí cơ hội tạo dựng sự nghiệp trong tương lai”.

Hạnh ước mong “là thế hệ công dân toàn cầu, một phụ nữ thời hội nhập luôn tự tin vào năng lực của mình”.
 
Theo Mai Tâm 
Phụ Nữ TPHCM