Nữ sinh “nhịn đói thi ĐH” sẽ theo học dự bị

(Dân trí) - Không đỗ đại học hệ chính quy nhưng Bích Thị Xuân, thí sinh <a href="http://dantri.com.vn/c25/s25-335889/nhin-doi-thi-dai-hoc.htm">nhịn đói đi thi đại học</a> mà <i>Dân trí</i> đã từng có bài viết, vẫn quyết tâm tìm đến với giảng đường. Em cho biết sẽ chọn lối đi từ trường Dự bị đại học TPHCM.

Nữ sinh “nhịn đói thi ĐH” sẽ theo học dự bị - 1

Em Xuân và mẹ ở trước căn nhà của mình ở Phú Lạc, Tuy Phong, Bình Thuận (Ảnh: nguoicham.com)
 
Không dám chọn trường dân lập vì học phí

Đợt thi đại học vừa rồi, cô bé Bích Thị Xuân thi 2 trường nhưng đều không đỗ. Dù rằng, nếu so với bạn bè trong xóm thì điểm của em là cao nhất rồi. Xuân thi khối A vào ngành Quản lý đất đai của ĐH Nông lâm TPHCM chỉ được 9 điểm. Em thi khối C vào ngành sư phạm Địa lý, ĐH Sư phạm TPHCM được 11,5 điểm. Nếu cộng cả điểm đối tượng ưu tiên 1 và khu vực 1 thì tổng điểm của em lên đến 15 điểm. Tuy vậy, vẫn là khoảng cách khá xa với điểm chuẩn vào trường Sư phạm.  

Nếu như với các thí sinh khác, chọn nguyện vọng 2 vào các trường đại học dân lập hoặc đại học vùng thì Xuân vẫn có khả năng trúng tuyển vì năm nay, hầu như nguyện vọng 2 đều bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT (khối C là 14, A là 13). Ở các trường đại học lấy mức chênh lệch giữa các khu vực ưu tiên là 1 điểm thì có khi thí sinh chỉ đạt điểm 9 vẫn có thể đậu đại học.  

Tuy nhiên, em Xuân không thể chọn con đường vào trường dân lập. Mức học phí cao ngất ngưởng là điều mà em và gia đình không thể vượt qua. Yêu thích nghề giáo nên Xuân thi vào ĐH Sư phạm TPHCM nhưng em đã chuẩn bị tâm thể để vào trường dự bị đại học vì biết rõ sức học của mình.

“Chỉ vào trường này thì em mới được miễn học phí”, Xuân tâm sự. Đây có vẻ là điều cốt yếu nhất. Nếu học tập tốt thì năm sau em vẫn có khả năng vào trường ĐH Sư phạm để theo nghề giáo.  

Tiếng vọng của những tấm lòng

Nghe nói con gái mình được lên báo, ba của Xuân tất tả chạy ra tiệm net. Chưa kịp đọc bài báo, vừa nhìn thấy ảnh của con gái mình, ông bật khóc rồi chạy về nhà.

 

Đứa em trai của Xuân đọc bài rồi về kể cho ông nghe. Ông lặng người đi vì thương con vô bờ…

Sau khi báo điện tửDân trí đăng bài viết về hoàn cảnh của em Bích Thị Xuân, có rất nhiều những tấm lòng nhân ái muốn san sẻ và hỗ trợ về vật chất cho em. Tuy nhiên, với bản tính nhút nhát của mình, cô bé vẫn muốn trở về Bình Dương làm công nhân đỡ đần cha mẹ.  

Những ngày đó, ngay sau khi kết thúc ngày thi đại học, một công ty có nhã ý muốn nhận em Xuân vào làm, cho ăn ở trong công ty, tạo điều kiện cho Xuân đi học đại học. Cuối tháng có lương khoảng 1,5 triệu đồng. Nhưng Xuân không dám ở lại vì hơi sợ, toàn là người lạ. Em muốn về làm công nhân ở Bình Dương, ở đó có người chị quen.  

Rồi một độc giả tên Tuyết Lan ở quận 8, TPHCM có ý cho em Xuân ở lại trong nhà người bà con của cô và phụ giúp trông nhà, trông em nhỏ. Xuân sẽ được ăn ở chung với cả nhà, cuối tháng vẫn có lương. Nhưng ở được một ngày, Xuân xin về vì thấy ở nhà chơi không, chẳng làm gì cả thì thấy kỳ lắm. Vậy là em đón xe đò về Bình Dương. Ở đây, sau khi phỏng vấn biết em chỉ làm một tháng thì công ty không nhận. Xuân đành về quê.  

Ở nhà được ít bữa, qua lời một người chị quen biết từ hồi làm công nhân, Xuân tìm đường đến một công ty giày da ở gần Suối Tiên (quận Thủ Đức, TPHCM). Làm được hơn 10 ngày thì một lối rẽ khác lại đến với Xuân.  

Một bạn đọc ở Hoa Kỳ chuyển khoản 150 USD về cho em thông qua một công ty kiều hối ở quận 5, TPHCM. Lọ mọ tìm đến công ty này thì người ta hỏi em có biết người gửi tên là gì không. Xuân lắc đầu bảo không biết. Người ta không cho nhận tiền. Bí quá, Xuân bèn nhờ chị ấy lên mạng tìm đọc bài báo của Dân trí.  

Vậy là không những em được nhận tiền mà chị Quỳnh, người trong công ty kiều hối còn nhận Xuân ở lại làm việc, được ăn ở chung với hai người chị nữa. Thu nhập ở đây khoảng 1 triệu đồng/tháng nhưng thuận tiện cho việc học đại học nên Xuân gật đầu đồng ý.

Mới đầu, công việc làm sổ sách, kiểm tiền, giao tiền với Xuân hơi lạ lẫm nhưng dần rồi cũng quen. Em khoe với chúng tôi, đến ngày 24/8 này em sẽ lãnh tháng lương đầu tiên. Số tiền tích cóp được, em đưa cho mẹ giữ. Mẹ trả tiền nợ, lo cho nhà và sẽ gửi lên cho em học đại học. Hy vọng, Bích Thị Xuân sẽ đạt được những mơ ước đầy ý nghĩa đối với em.

Đọc bài báo về Xuân trên Dân trí, những anh chị là người Chăm thành đạt ở khắp nơi tìm đến hỏi thăm Xuân. Có một người sinh ra ở làng Chăm, tên Khiêm, hiện đang ở Hoa Kỳ biết được hoàn cảnh của Xuân đã gửi tiền về cho em.
 
Lá thư cám ơn của em gửi cho chú Khiêm được đăng lên trang web nguoicham.com. Trong đó, Xuân viết: “Nhà con có 7 miệng ăn, cha phải từng ngày bán sức lao động, ở những nơi sóng biển vùi dập. Mẹ thì suốt ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Con là chị cả trong gia đình con có thể hiểu được cha mẹ còn đang bị cái nghèo đè nặng lên đôi vai…
 

Qua nghĩa cử của chú Khiêm, con không biết nói gì hơn, và không biết lấy đâu mà trả ơn đáp nghĩa bù lại tấm lòng của chú Khiêm và các bạn bè chú ở Á Âu. Con chỉ mong chú được gặp may mắn trong cuộc sống và sự nghiệp ở nơi đất quê người. Ơn nghĩa kia con không bao giờ quên, và con sẽ ghi khắc ở đáy lòng”.

 

 

 

 

 

 

 

 
 
Hiếu Hiền