Nữ sinh đầu tiên của người Ma Coong tham dự kỳ thi tú tài

(Dân trí) -Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, ở Quảng Bình có một nữ thí sinh người Ma Coong, một tộc người thuộc dân tộc Bru -Vân Kiều là em Y Buốt, HS lớp 12A2, Trường THPT Dân tộc Nội trú Quảng Bình. Đây là thí sinh đầu tiên của tộc người này dự thi tú tài.

Y Buốt sinh ra trong một gia đình nghèo ở bản Cà Ròong, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình). Nhà Y Buốt có 4 chị em. Y Buốt là người chị cả trong nhà. Vì thế,  tuổi thơ của em dường như chỉ là những tháng ngày vất vả mưu sinh trên nương rẫy. Bố em - trụ cột chính trong gia đình lại suốt ngày đắm chìm trong men rượu. Không chịu nổi, mẹ con Y Buốt đã quyết định dọn ra ở riêng, và cũng kể từ đó cuộc sống của 5 mẹ con Y Buốt càng trở nên chật vật.

Quảng Bình: Gặp nữ sinh đầu tiên của người Ma Coong tham dự kỳ thi “tú tài”
Y Buốt (thứ hai từ bên phải qua) đang trao đổi bài thi với các bạn.

Thấu hiểu được sự hy sinh và nỗi lòng của mẹ, những năm học cấp 2, ngoài việc lên rẫy phụ giúp công viêc cho mẹ, khoảng thời gian còn lại Y Buốt luôn dành cho việc học hành. Y Buốt bảo, ở bản Cà Ròong, các bạn nữ cùng trang lứa với em giờ đã lấy chồng, sinh con. Ngày Y Buốt quyết định xa bản làng xuống thành phố trọ học, lúc đầu nhiều bà con trong thôn bản cũng tỏ ra không mấy tán thành. “Họ bảo con gái thì học chi cho lắm. Không lo lấy chồng, sinh con thì sau này già rồi sẽ không lấy được chồng. Nhiều người còn bảo, không lấy được chồng về già có khi còn bị con "giàng" ở trong rừng sâu nó bắt đi", Y Buốt tâm sự.
 
Với ý chí và nghị lực của mình, cô học trò nhỏ Y Buốt đã dám đứng lên đấu tranh và vượt qua lời nguyền của thôn bản. "Em phải thuyết phục mãi bà con mới chịu hiểu. Y Buốt bảo với bà con thôn bản rằng: Y Buốt xuống phố học cái chữ Bác Hồ là để sau này về dạy cái chữ cho các em nhỏ và bà con thôn bản. Khi bà con biết cái chữ thì sẽ biết vận dụng nó vào trong cuộc sống. Khi đó, bà còn sẽ không còn mù cái chữ Bác Hồ, không còn lo thiếu đói nữa..." - Y Buốt kể lại.
 

“Các cô, các chú cán bộ ở xã Thượng Trạch thường gọi điện thăm hỏi và động viên em chăm chỉ học tập thật tốt. Ở bản làng bà con đang chờ đợi tin vui sau những năm tháng miệt mãi đèn sách của em. Và em hứa sẽ cố gắng sống và học tập thật tốt để không phụ niềm mong mỏi của cán bộ và bà con thôn bản”, Y Buốt, chia sẻ.

Và rồi dần dần bà con trong thôn bản Cà Ròong cũng thấu hiếu được nỗi lòng và quyết tâm học theo cái chữ các Bác Hồ của Y Buốt để sau này về dạy chữ cho bà con, mong một cuộc sống với nhiều đổi thay và phát triển hơn trên bản Cà Ròong. “Những ngày nghỉ cuối tuần hay các dịp hè về là em lại về với thôn bản để dạy chữ cho lũ trẻ và những người lớn trong thôn bản. Bây giờ thôn bản mình được học cái chữ Bác Hồ nhiều lắm. Thấy bà con biết đọc, biết viết cái chữ là em thấy vui lắm”, Y Buốt hồ hởi cho biết.  

Trong 3 năm theo học ở thành phố, Y Buốt không chỉ đối diện khó khăn về việc bất đồng ngôn ngữ trong việc học hành mà em còn phải đối diện với muôn vàn khó khăn trong cuộc sống. Thế nhưng với ý chí và nghị lực phi thường của mình, cô học trò nhỏ từng dám bước qua lời nguyền vẫn giữ một quyết tâm bền bỉ để theo học cái chữ Bác Hồ.

Những năm tháng học tại Trường THPT Dân tộc Nội trú Quảng Bình, Y Buốt luôn nhận thức được rằng, mình là người con gái đầu tiên của thôn bản Cà Ròong được xuống phố học chương trình phổ thông trung học. Và cũng bởi cái trọng trách và vinh dự lớn lao ấy nên Y Buốt càng phải biến vươn lên và phấn đấu trong học tập hơn.

Bước vào kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm nay, Y Buốt đã chuẩn bị ôn bài khá kỹ càng. Kết thúc kỳ thi Tốt nghiệp THPT, ngồi trò chuyện với chúng tôi ở giữa sân trường, Y Buốt cho biết, kết thúc 6 môn thi, em làm bài cũng tạm được và nghĩ mình sẽ đậu tốt nghiệp.

Khi hỏi về ước mơ, Y Buốt cho hay: “Ngày đầu tiên quyết định xa gia đình, rời thôn bản xuống thành phố trọ học trong em đã luôn khao khát được học cái chữ và sau này muốn trở thành cô giáo để về thôn bản dạy cái chữ Bác Hồ cho những đứa trẻ dân tộc Bru - Vân Kiều và bà con ở bản Cà Ròong”. 

Cô Nguyễn Thị Tố Quyên, giáo viên chủ nhiệm Y Buốt, cho biết: “Là học sinh nữ đầu tiên của người Ma Coong xuống thành phố trọ học, Y Buốt là một học sinh giàu ý chí và một nghị lực vượt khó thật phi thường. Y Buốt không những phấn đấu trong học tập mà còn năng nổ, tích cực tham gia các hoạt động xã hội trong nhà trường. Em xứng đáng là tấm gương sáng cho các bạn học sinh trong lớp, trường noi theo”.

Chia tay cô học trò nhỏ người Ma Coong dám vượt qua lời nguyền để học lấy cái chữ Bác Hồ về gieo ước mơ cho lũ học trò nghèo ở bản Cà Ròong, tôi luôn cầu chúc em sớm đạt được ước mơ, để cho những đứa trẻ dân tộc Bru - Vân Kiều ở phía tây tỉnh Quảng Bình được học cái chữ, và cuộc sống của bà con thôn bản nơi đây cũng ngày càng khấm khá, văn minh và tiến bộ hơn.   

Đặng Tài