Nghệ An:

Nữ sinh Đan Lai dựng lều nuôi chữ lỡ giấc mơ thành bác sĩ

(Dân trí)-Sau 7 năm xa nhà, dựng lều trọ học, em La Thị Hoài (SN 1994) -học sinh duy nhất của tộc người Đan Lai, ở bản Cò Phạt, xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông, Nghệ An tốt nghiệp lớp 12 và thi ĐH với giấc mơ cháy bỏng trở thành bác sĩ giúp dân bản.

Tuy nhiên, điểm thi của Hoài chỉ đạt tổng 11 điểm, không thể trúng tuyển vào ĐH Y khoa Vinh. Mặc dù ĐH Vinh có chủ trương xét tuyển bổ sung 215 thí sinh là người dân tộc thiểu số, ở huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ nhưng Hoài không thuộc diện được xét tuyển vì huyện Con Cuông không thuộc huyện nghèo 30a.

7 năm dựng lều ven đường học chữ

La Thị Hoài sinh trong một gia đình đông anh chị em thuộc bản Cò Phạt nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An). Muốn vào được bản làng của người Đan Lai chỉ có cách duy nhất là đi bằng thuyền ngược dòng Sông Giăng vượt hàng chục thác dữ hoặc đi bộ, vượt rừng, men theo hai bên bờ sông. Những ngày mưa lớn, Cò Phạt bị cô lập với thế giới bên ngoài.

Trước đây, cuộc sống của đồng bào tộc người Đan Lai vốn gặp nhiều khó khăn, lạc hậu, đặc biệt là trẻ em là thành phần chịu nhiều thiệt thòi. Trong những năm gần đây, cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và bộ đội biên phòng, cuộc sống của tộc người Đan Lai đã có nhiều thay đổi, tiến bộ.

Trẻ em được chăm sóc sức khỏe, được đến trường học chữ. Thế nhưng ở Cò Phạt mới chỉ có điểm lẻ của Trường Tiểu học Môn Sơn nên khi hết lớp 5, các em muốn học lên phải chấp nhận rời xa gia đình, ra trung tâm xã dựng lều tự lo cho cuộc sống, học tập. Chính vì vậy mà phần lớn trẻ em ở Cò Phạt đều bỏ học khi hết chương trình lớp 5.
Em La Thị Hoài (
 Em La Thị Hoài (thứ 2 bên phải sang) những ngày trọ học trong lều nứa.

Nhưng với La Thị Hoài thì khác, khi học hết lớp 5, Hoài phải chèo bè nứa mất nửa ngày từ bản Cò Phạt xuôi hàng chục thác dữ dòng sông Giăng ra trung tâm xã trọ học. Để có chỗ tránh mưa nắng, Hoài đã nhờ người thân dựng cho mình căn lều lợp bằng tre, nứa ở bãi đất bằng phẳng ven đường gần trường học. Những năm qua, Hoài đã về bản vận động và dìu dắt thêm gần 10 em học sinh Đan Lai khác ở bản Cò Phạt và bản Búng ra đây cùng gieo con chữ nuôi ước mơ làm bác sĩ, giáo viên.

Một đến hai tháng, Hoài cùng các em mới ngược thác dữ sông Giăng bằng thuyền về thăm nhà một lần. Mỗi lần như vậy, các em được bố mẹ tiếp tế gạo, dưa muối, rau, măng rừng ra để dành ăn dần. “Phần lớn ngày nghỉ, các em rủ nhau xuống sông bắt tôm, cá làm thức ăn nhưng cá tôm không phải lúc nào cũng có đâu hả chú. Nếu không vượt ra khỏi rừng để đến trường thì có lẽ em đã cưới chồng rồi. Các bạn cùng trang lứa với em không đi học, phần lớn đều đã cưới chồng hết rồi.” - Hoài tâm sự.

Kết quả buồn của nữ sinh Đan Lai

Sau 7 năm xa nhà, trọ học trong ngôi lều bằng tre, nứa, vừa qua Hoài đã tốt nghiệp THPT và đăng ký dự thi vào ngành Bác sĩ đa khoa - ĐH Y khoa Vinh, với ước mơ trở thành bác sĩ sau này trở về phục vụ dân bản. Nhà chỉ đủ ăn, ngày đi thi đại học thì bố ốm, mẹ phải chạy vạy khắp nơi mượn được ít tiền để Hoài một mình theo bạn về thành phố Vinh dự thi.

Sau kỳ thi, cô bé trở về với bản làng giữa đại ngàn Pù Mát, nơi không có điện thắp sáng, không một thiết bị thông tin nào hoạt động được. Ngày tần tảo giúp mẹ mọi việc gia đình, tối đến Hoài hướng dẫn cho các em nhỏ trong bản học chữ. Nóng lòng biết thông tin kết quả thi của mình, thỉnh thoảng Hoài lại xin phép mẹ tự chèo bè nứa xuôi dòng sông Giăng ra trung tâm xã để gọi điện xuống trường hỏi điểm.
Em La Thị Hoài trong những ngày trọ thi ở Vinh.
Em La Thị Hoài trong những ngày trọ thi ở Vinh.

Sau nhiều lần ngược, xuôi dòng sông Giăng, La Thị Hoài cũng biết được kết quả thi vào ĐH Y khoa Vinh. Mặc dù rất nỗ lực nhưng cô bé cũng chỉ được 11 điểm (cả điểm ưu tiên), nên em không thể trúng tuyển.

Trong khi đó, Trường ĐH Vinh đang xét tuyển 215 chỉ tiêu đối với thí sinh người dân tộc thiểu số, có hộ khẩu thường trú tại các huyện nghèo (nếu trúng tuyển phải học bổ túc kiến thức thêm một năm) trước khi vào học chương trình đại học. Tuy nhiên theo quy định em La Thị Hoài - học sinh đầu tiên người dân tộc Đan Lai tốt nghiệp THPT vẫn không thuộc diện xét tuyển. Vì địa bàn cư trú của Hoài (xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) không thuộc huyện nghèo 30a. Khi biết thông tin này, Hoài đã khóc rồi em chống bè nứa ngược sông Giăng trở về nhà….

Trò chuyện với chúng tôi, thầy giáo Lô Văn Thắng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12B, Trường Dân tộc nội trú Mường Quạ nơi em Hoài học đã tâm sự: "Trọ học, sống tự lập với nhiều khó khăn thiếu thốn, nhưng hầu như năm nào Hoài cũng đạt học lực khá, tiên tiến. Không những vậy em còn làm công tác “dân vận” giỏi để động viên những học sinh khó khăn bỏ học trở lại lớp. Nếu em không được tiếp tục học lên cao thì tiếc cho cá nhân Hoài và cả cho cả tộc người Đan Lai nữa”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, Con Cuông tuy không phải là huyện 30a nhưng nơi cư trú của thí sinh La Thị Hoài được công nhận là địa bàn đặc biệt khó khăn của nước ta.

Sáng ngày 4/9, trao đổi với PV Dân trí, lãnh đạo Trường ĐH Vinh cho biết, thí sinh La Thị Hoài thuộc tộc người Đan Lai, tộc người mà đến nay chỉ còn lại chưa đầy 1.000 nhân khẩu. Nhưng với em Hoài lại không nằm trong diện học sinh 30a nên theo quy chế thì Nhà trường không thể xem xét tuyển em được. Tuy nhiên trường hợp đặc biệt của em La Thị Hoài nhà trường sẽ xem xét xin ý kiến của lãnh đạo Bộ GD-ĐT để nếu được thì Trường ĐH Vinh sẽ nhận em vào nhập học. 

Nguyễn Duy - Viết Lam

Dòng sự kiện: Vượt khó đỗ ĐH