1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nơi sự học chìm trong bể mặn

(Dân trí) - Muốn vào đất liền, người dân nơi đây phải vẫy tàu khách, nhưng thảng hoặc mới có một vài chuyến về cầu cảng. Xã Bản Sen (Vân Đồn, Quảng Ninh) như biệt lập với thế giới bên ngoài bởi muôn trùng con nước.

Cả xã có đến 70% hộ nghèo và cảnh đời của cư dân trên ốc đảo hiện lên như bức tranh thời xa xưa vì nhiều người chưa một lần thấy ánh đèn điện, phương tiện thông tin liên lạc hầu như không có… Trong khi đó, chính quyền địa phương quả quyết, nếu được quan tâm đúng mức, có thể thay đổi 70% hộ nghèo thành 70% hộ khá, giàu. Ý tưởng “lật ngược thế cờ” của Bản Sen nói ra bây giờ khó tin, nhưng không phải không có cơ sở.

 

Khó khăn nhiều như con sóng

 

Có mặt trên cầu cảng Cái Rồng từ sớm, thuyền trưởng tàu QN 2960 nhanh chóng nổ máy để thực hiện chuyến vượt biển theo đúng thoả thuận giữa chủ và khách từ chiều hôm trước. Ngoài chúng tôi, trên chuyến tàu còn có nhiều người dân Bản Sen và cả tiểu thương đưa hàng ra xã đảo.

 

Gần 3 giờ đồng hồ lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long, tàu cập cảng Bản Sen trước sự hiếu kỳ của những người chưa một lần ra đảo. Ngay đầu cầu cảng, đón chúng tôi là những em nhỏ mình trần, đeo thứ kính tự tạo để lặn sâu xuống vịnh mò ốc, bắt cá. Có lẽ lâu lắm chúng không được nhìn một đoàn người đông đến thế, việc kiếm gạo của các em vì thế trễ nải cho đến khi chúng tôi khuất bóng rừng tràm.

 

Nằm ngay trung tâm xã ở thôn Nà Sắn, chủ hộ Phạm Thị Triệu cũng dựng cho mình được ngôi nhà khá khang trang dưới rìa núi. Nhà không ồn ào, chỉ có tiếng trẻ con hàng xóm đuổi nhau khóc tức tưởi. Chị Triệu ra đảo 20 năm nay để gắn cuộc sống của mình với loài keo tai tượng, tràm. Xung quanh chỉ có nước biển với những đợt thuỷ triều lên xuống như mặc định ngàn năm.

 

Và cũng đã bốn năm nay, cả gia đình có duy nhất chiếc bóng điện 40W, nguồn sáng chủ yếu để sinh hoạt về đêm. Tuy nhiên, chiếc máy nổ chỉ phát điện từ sáu giờ tối đến mười giờ đêm là ngừng bặt. “Định mức” điện năng chỉ có thế, im tiếng máy phát điện cũng là lúc xã đảo chỉ có bóng đêm, đen và dày đặc.

 

Cuộc sống thường nhật của nhân dân xã đảo cũng được chị Hoàng Thị Đức chia sẻ với chúng tôi. “Nói là có điện, nhưng nhiều khi cả tháng chẳng thấy đèn sáng, chiếc máy phát có tuổi đời bằng đứa con đang học lớp 2 của tôi (ý nói 8 năm tuổi) cũng lắm bệnh và hay trở chứng. Mà hỏng thì chẳng có ai biết sửa”.

 

Có lẽ đó không hẳn là chuyện bức xúc duy nhất, liệt kê những “bất cập” trên xã đảo này có thể nhiều và vô tận. “Thực phẩm từ đất liền ra đến xã bao giờ cũng đắt gấp 3 - 4 lần. Trong khi sản phẩm của người dân làm ra khó tiêu thụ, mà bán cũng rẻ như bèo”, chị Đức cho biết thêm.

 

Mồ hôi chưa từng rơi trên trang sách

 

Chúng tôi vào thôn Bản Sen, một “tiêu điểm” về sự thiếu thốn. 20 hộ dân với 112 nhân khẩu ở đây sống như một thế giới đơn độc. Từ ngày lập nghiệp đến nay, hiếm ai một lần được nhìn thấy ánh điện. Cái “nhiều” mà họ có là trẻ con không được đến lớp nhiều, số gia đình nghèo nhiều.

 

Gặp chị Phạm Thị Dự vừa bám gềnh đá cào hài về, tôi không bỏ lỡ cơ hội để khai thác cho mình những cái mà chị với những người hàng xóm đang thiếu. “Xã không có chợ nên đánh bắt, nuôi trồng được con gì thì chờ tàu từ đất liền ra để bán. Chẳng có người mua thì coi như đổ biển hết”.

 

Ăn không đủ no, đám trẻ thôn Bản Sen đành thay bố mẹ mò cua bắt ốc. Sự học của chúng bao năm qua bị nhấn chìm theo dòng nước mặn. Giọt mồ hôi mặn chát của các em chỉ rơi trên dòng thuỷ triều ra biển lớn mà không có cơ hội nhỏ xuống trang sách nhỏ. Mấy năm qua cũng có trường, có lớp tử tế, nhưng vẫn chỉ hoạt động cầm chừng. Trẻ em học tiểu học lúc đầu khá đông, nhưng lên THCS thì thưa dần rồi vắng hẳn.

 

Cả xã có duy nhất một sinh viên cao đẳng

 

Xã Bản Sen, một “ốc đảo” nguyên vẹn và sơ khai như bông hoa trinh nữ. Sơ khai đến mức, như lời Bí thư Đảng ủy xã Phạm Hải Đang, thì mặc dù nằm cách thành phố Hạ Long vài chục hải lý nhưng Bản Sen vẫn là một xã có đến 70% hộ nghèo. Do quen và chẳng nề hà, cả khách và chủ hỏi chuyện nhau mà tay vuốt mồ hôi liên tục.

 

Xã Bản Sen tập trung 1.100 nhân khẩu với trên 210 hộ dân sống rải rác ở các thôn. Trong đó, hai địa bàn khó khăn nhất tập trung ở thôn Bản Sen và Đồng Danh. Người dân nơi đây như biệt lập với thế giới bên ngoài, không điện thắp sáng, thông tin liên lạc cũng không, cuộc sống của họ chỉ có lên rừng và xuống biển.

 

Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Hạn Đình Thường thì mang trong mình nỗi lòng canh cánh vì sự học của trẻ em trong xã. “Hầu như con trẻ chỉ tốt nghiệp THCS rồi theo người lớn lên rừng, ra khơi. Nhà nào có điều kiện cho con học cấp 3 thì phải có tiền lưng, gạo bị vượt biển sang Vân Đồn, nhưng số này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Từ ngày mở đất, cả xã mới chỉ có duy nhất một em trong làng tốt nghiệp trường cao đẳng” - ông Thường xác nhận.

 

Người nghe chạnh lòng mỗi khi người dân nói đến cảnh “bế quan toả cảng” nhiều ngày liên tục vì mưa bão. Những hôm có tin báo bão là cả xã lo ngay ngáy vì sản phẩm làm được khó chuyển vào đất liền và lương thực từ trong bờ cũng chẳng có cách gì đem ra đảo. Và nguy hại hơn, nếu có ai đau ruột thừa thì “tự quyết để mổ cho nhau”. Ông Bí thư có vẻ bất lực khi nói về tình trạng hưởng thụ y tế của bà con xã đảo.

 

Niềm vui hẹn đến... đời sau

 

“Cũng xin cấp trên dự án cung cấp điện sinh hoạt cho bà con, không kéo được lưới điện thì tận dụng sức gió hoặc năng lượng mặt trời mà phát điện. Nhưng nghe chừng khó khăn lắm nhà báo ạ!”. Mong ước có vẻ đương nhiên của Bí thư Đang làm động lòng đám khách lạ, ai cũng biết đảo nhiều gió, thừa ánh nắng mặt trời nhưng việc triển khai điều đó có khi “phải đời cháu chúng tôi mới có”.

 

Một vài đảo trên Vịnh Bái tử Long của huyện Vân Đồn trước đây có người đến khai hoang sinh sống, nhưng sau đó quá khó khăn nên họ đã chuyển đi hết. Riêng Bản Sen thì mấy năm qua được tài trợ một số dự án về đường, trường, trạm... “Nhưng chu kỳ đó sẽ không kéo dài, và chúng tôi chẳng biết khi nào bị cắt. Bản thân người dân chẳng ai muốn vượt biển về đất liền vì sinh kế, nhưng nếu đến đường cùng, mặn mà mấy họ cũng bỏ làng mà đi”, giọng ông Bí thư chùng xuống và buồn hẳn.

 

Chủ tịch xã Bản Sen Lê Hồng Phương thì nói với vẻ tiếc nuối: Bản Sen rất có tiềm năng về du lịch, nuôi trồng thuỷ hải sản, trồng rừng… nhưng chưa có một sự quan tâm nào thật sự thoả đáng nên cơ hội đành tuột khỏi tầm tay. “Đến nay người dân sống trên xã đảo gặp rất nhiều khó khăn khi giao dịch, đặc biệt là thủ tục ký kết các hợp đồng tín dụng. Ra đảo nhiều năm, nhưng 100% số hộ dân ở đây vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”.

 

Trần Minh Tuấn