Nỗi lòng người gieo chữ nơi thiếu điện, thiếu nước

(Dân trí) -Trường cách xa trung tâm, đường xá đi lại khó khăn, chưa có điện lưới, nước sạch, chưa có nhà ở cho giáo viên (GV) -… đó là tình cảnh hiện nay của GV Trường THCS Mường Lý (huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Vượt lên khó khăn, những GV nơi đây vẫn miệt mài công tác.

Cách trung tâm huyện Mường Lát (Thanh Hóa) hơn 30km, Trường THCS Mường Lý nằm chênh vênh trên núi, thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Để đến được trường phải mất nửa ngày đường bằng xe máy. Vì trường chưa có nhà ở công vụ nên một số GV phải ở chung trong khu nhà tập thể, một số khác đi ở nhờ tại trường Tiểu học.

Trường THCS Mường Lý có 20 GV, cán bộ nhân viên. Các GV ở đây hầu hết đều từ dưới xuôi lên công tác. Có những GV công tác từ những ngày thành lập trường với muôn vàn khó khăn. Nhưng các thầy cô giáo vẫn bám lớp, bám trường dưới đỉnh Sài Khao này.

Những năm đầu khi trường mới thành lập, đời sống của GV gần như tách biệt với cuộc sống bên ngoài. Nơi “rừng thiêng, nước độc”, họ phải ở lán, ở lều không có sóng điện thoại, không có nước sạch, điện lưới thắp sáng, không sóng phát thanh - truyền hình, muốn vào trường chỉ có thể đi bộ… Mỗi lần ra trung tâm xã phải mất cả ngày trời.

Thầy giáo Nguyễn Văn Hà - Hiệu phó Trường THCS Mường Lý tâm sự: “Do khu nhà công vụ chưa xây xong nên các GV phải ở chung với nhau trong phòng tập thể. Đời sống của hầu hết GV còn gặp rất nhiều khó khăn, 8 GV phải ở chung nhau, sinh hoạt chung, ăn chung. Một số GV khác phải đi ở nhờ tại trường Tiểu học và nhà dân”.

Nỗi lòng những người gieo chữ dưới đỉnh Sài Khao
Thầy Nguyễn Văn Hà là một trong những người đến công tác tại đây từ những ngày đầu thành lập trường.

Căn phòng ở tập thể của 8 GV nằm ngay trong dãy nhà hành chính chỉ rộng chừng 30m2 được phân thành nơi kê giường, tủ, gian giữa kê một bộ bàn ghế tiếp khách. Thầy giáo Hơ Văn Chữ cho biết: “Mấy năm trước khi một số GV nữ chưa mượn được phòng bên trường Tiểu học thì phải ở chung tại đây. Chúng tôi phải dùng bạt để ngăn lại, phân khu giữa nam và nữ. Dù bất tiện nhưng anh em đều phải cố, nếu không ở đây thì chẳng biết ở đâu được”.

Nước sinh hoạt phải dẫn hàng cây số mới có để dùng.
Nước sinh hoạt phải dẫn hàng cây số mới có để dùng.

Bếp ăn của giáo viên nấu bằng củi rừng.
Bếp ăn của giáo viên nấu bằng củi rừng.

Do không có phòng ở nên một số GV, nhân viên của nhà trường phải ở ngay trong phòng làm việc. Căn phòng hiệu trưởng rộng chưa đầy 20m2, ban ngày là nơi làm việc của lãnh đạo, nhưng đêm lại là nơi ngủ nghỉ cho 5 người.

Thầy Mai Văn Dũng - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Chưa có chỗ ở nên anh em đành phải chịu chung khó khăn với nhau. Ban ngày thì là phòng làm việc nhưng tối đến anh em lại tới phòng để ngủ chung. Nếu không ngủ chung thì không biết lấy chỗ nào mà ngủ cả. Có hôm anh em phải ngủ ghế vì một cái giường nằm chật, mùa đông còn chịu được chứ mùa hè nóng không nằm nổi”.

Chỗ ở là vậy, lại còn thiếu nước sạch sinh hoạt, thiếu điện. Thầy Hà cho hay: “Nguồn nước mà anh em GV đang dùng ở đây phải đi dẫn cách hàng cây số. Mùa mưa còn đỡ chứ mùa hè hết nước liên tục nên phải xuống sông lấy nước lên dùng. Điện thì phải dùng bằng máy phát tua-bin, nhà trường được cấp một chiếc máy phát điện nhưng không có đủ nhiên liệu, chỉ khi nào dùng máy in hay việc cần thiết mới dám dùng”.

Hàng ngày, sau giờ lên lớp các GV lại cùng nhau chuẩn bị bữa ăn. Bữa cơm đạm bạc chỉ có rau với cá kho mặn nhưng các GV vẫn vui vẻ. Họ thấu hiểu được cái khổ, sự vất vả của nhau để cùng vượt qua và hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Đời sống dân bản khó khăn nên các em học sinh đến trường cũng hạn chế. Do vậy, ngoài giờ dạy, GV của trường phải đi vận động từng nhà để họ cho con em đến trường.

Căn phòng ở tập thể của giáo viên tại khu hành chính của nhà trường.
Căn phòng ở tập thể của giáo viên tại khu hành chính của nhà trường.

Thầy giáo Hoàng Trọng An kể: “Cứ đầu năm học, cán bộ GV của nhà trường lại cùng nhau đến các bản để vận động học sinh đến lớp. Có bản xa trường hàng chục cây số, đường đi lại khó khăn không đi được xe máy nên anh em phải đi bộ mất cả ngày trời. Khi vô được đến bản, có em lại theo gia đình đi làm rẫy phải chờ thêm ngày nữa mới gặp được rồi mới quay về trường”.

Nhà công vụ của giáo viên được xây dựng từ năm 2011 đến nay chưa hoàn thành phần móng.
Nhà công vụ của giáo viên được xây dựng từ năm 2011 đến nay chưa hoàn thành phần móng.

Trở lại câu chuyện về đời sống sinh hoạt của các GV trong trường, được biết, khu nhà ở cho GV tại Trường THCS Mường Lý triển khai xây dựng từ năm 2011 nhưng đến nay công trình vẫn chưa hoàn thành phần móng. Một phần do đường giao thông cách trở khó đem vật liệu vào xây dựng. Một phân do nguồn vốn xây dựng. Niềm mong mỏi của các GV nơi đây là khu nhà ở sớm hoàn thành để đưa vào sử dụng.

“Chúng tôi rất mong các cấp ban ngành tạo mọi điều kiện để sớm hoàn thành khu nhà ở cho GV của nhà trường. Có khu nhà ở cho GV thì anh em mới bớt đi được phần nào những khó khăn. Yên tâm về chỗ ở mới có thể ở yên tâm công tác tốt được”, thầy Dũng kiến nghị.

Thái Bá - Duy Tuyên