Nỗi lòng người gieo chữ giữa “rừng xà nu”

(Dân trí) - Tuần nào lớp cũng có em bỏ học. Thầy cô phải lội bộ hơn 15km để đến nhà vận động các em trở lại trường. Nhưng 10 lần đến nhà thì có 9 lần cha mẹ các em say. Học sinh thấy thầy cô thì bỏ trốn…

Ngược rừng gieo chữ

 

Hai ngày ở trường THCS Đăk Choong, huyện Đăk Glei (Kon Tum), nơi có thầy hiệu trưởng Ngô Văn Phú và cô giáo Y Lan Linh bị núi lở đè chết trong cơn bão số 9 vừa qua, chúng tôi hiểu thêm phần nào sự khó khăn, trăn trở của những người đang gieo con chữ nơi đây.

 

Đầu năm học 2009, Hội đồng sư phạm nhà trường có 19 thầy cô giáo. Về sau, 2 thầy cô chuyển công tác, thầy Phú, cô Linh vừa mất, lại có thêm 2 cô giáo nghỉ sinh nên chỉ còn 13 thầy cô phải quán xuyến 6 lớp với 196 học sinh.

Nỗi lòng người gieo chữ giữa “rừng xà nu” - 1

Một thầy giáo chật vật nhóm lửa trong căn bếp tuềnh toàng
 

Sau bão số 9, khu nội trú của học sinh bị tốc mái. Bốn vách cũng bị gió xé tan hoang. Không điện, không nước, không có thức ăn tiếp tế. Những cô giáo nội trú phải đốt củi xà nu để lấy lửa hơ áp cho con nhỏ và nấu nước chế mì tôm với rau rừng ăn qua bữa.

 

"Nhiều lúc cũng muốn về quê để dạy cho đỡ nhọc tấm thân, nhất là để con cái mình có điều kiện học hành. Biết vậy nhưng giờ phải làm sao khi đã trót kết duyên với bản làng rồi" - thầy Duyên, Phó hiệu trưởng trường THCS Đăk Choong tâm sự.   

Các thầy cô giáo ở đây hầu hết đến từ miền xuôi, gần thì thành phố Kon Tum, xa hơn thì ở Bình Định, Thanh Hóa, Hưng Yên… nên phải ở khu nội trú. Cũng có khi thiếu chỗ ở, thầy cô phải tận dụng phòng làm việc để làm phòng ngủ. Những người ở xa như cô Linh (có con nhỏ, nhà ở Đăk Xanh), thầy Trần Thạnh (huyện Ngọc Hồi), thầy Phú (vợ mới sinh) hàng ngày đều phải sáng đi chiều về qua đoạn đường rừng núi dài 25-40km.

 

Cô Trịnh Thị Quỳnh, giáo viên tiếng Anh cho biết, cô và thầy Phú cùng ở quê Thanh Hóa, đều lập gia đình ở thành phố Kon Tum. Nhưng theo tiếng gọi của “rừng xà nu”, họ đã khăn gói vào Đăk Choong cách xa gần 200 km để dạy cái chữ cho con em bản làng. “Chỉ thương con nhỏ ở nhà thiếu bàn tay chăm sóc của mẹ, nhưng biết làm sao được khi cách xa thế này”.

 

Cô Nguyễn Thị Ánh Diệp, quê ở Bình Định cũng trong hoàn cảnh tương tự. Gửi con dưới quê cho bà chăm sóc nhưng thằng bé nhớ mẹ nên cô đưa con lên ở cùng. “Giữa vùng rừng núi hun hút, làm gì có nhà trẻ để gửi. Những lúc dạy trên lớp, nghe tiếng con khóc ở dưới khu nội trú mà nóng cả lòng” - cô Diệp tâm sự.

 

Tìm người học chữ
 
Nỗi lòng người gieo chữ giữa “rừng xà nu” - 2

Nhà nội trú của học sinh bị bão lũ đánh tan tác lại càng khiến các em có "lý do" để nghỉ học

 

Trường THCS Đăk Choong có 6 lớp với 196 học sinh, trường tiểu học có 200 em. Mặc dù các em được ở nội trú nhưng ngày nào sĩ số lớp cũng vắng vài em. Tình trạng bỏ trường, bỏ lớp nhiều nhất là vào những ngày mùa thu hoạch cà phê, mùa gặt lúa hay những ngày lũ.

 

Nhà các em đa số cách trường trên dưới 10km. Có em nhà ở tận làng Kon Riêng, làng Kon Năng cách trường 20km. Hai ngôi làng này vừa bị nước lũ đánh trôi tích tắc trong bão lũ vừa qua.
 

Mỗi khi học sinh nghỉ, giáo viên chủ nhiệm phải đến từng nhà vận động phụ huynh cho các em trở lại trường. Vì thế mà đôi lúc gặp phải những tình huống dở khóc dở cười.

 

“Tuần nào lớp cũng có em bỏ học. Giáo viên chủ nhiệm phải lội bộ hơn 15km để đến nhà vận động các em trở lại trường. Nhưng 10 lần đến nhà thì có 9 lần cha mẹ các em say. Học sinh thấy thì bỏ trốn” - cô Diệp cho biết.

 

Có phụ huynh đang say nên bảo với cô: “Thầy cô có xe máy, con tôi cũng muốn đi học bằng xe máy. Cô cho tôi 10 triệu để mua xe máy cho con đi học”. Còn học sinh thấy cô đến nhà thì bỏ trốn tít trên rẫy, vì lý do “con không đi học, ở nhà đi làm mới có tiền mua mì tôm cho ba mẹ”.

 

“Hầu như tuần nào cũng có 2, 3 lần em phải đi vận động, nhưng không ít lần trở về công cốc” - cô giáo Như tâm sự.

 

Các em học sinh ở nội trú cuối tuần đều được về nhà. Có khi các em về rồi cả tuần mới ra. Cũng có khi gặp mưa lũ, ngày mùa thì các em không chịu trở lại trường. Và thầy cô lại phải đi tìm… 
 
Nỗi lòng người gieo chữ giữa “rừng xà nu” - 3

Những nụ cười này đã giữ chân các thầy cô giáo ở lại với núi rừng

 

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy ở miền núi 3 năm (đối với nữ), 5 năm (đối với nam) thì được chuyển về miền xuôi để tiếp tục công tác nếu có nguyện vọng. Ở huyện Đăk Glei, hiện có nhiều giáo viên đề đạt nguyện vọng này nhưng chưa nhận được phản hồi nào của Phòng Giáo dục.
 

Vợ chồng cô Lê Thị Huế, Đồng Tuấn Hải - giáo viên trường Tiểu học Đăk Choong cho biết, cô dạy ở đây 10 năm, còn thầy dạy 15 năm, nhưng nhà cửa, gia đình đều ở dưới thành phố Kon Tum. Vợ chồng thầy cô đã nhiều lần có đơn xin được chấp thuận một trong 2 người về thành phố dạy để tiện chăm sóc cha mẹ già, con nhỏ nhưng chưa được các cơ quan chức năng phản hồi.

 

Công Quang