Nỗi đau quanh tỷ lệ tốt nghiệp thấp của “đất học” Nghệ An

(Dân trí) - Kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay diễn ra đúng như dự đoán của dư luận là tỉ lệ đậu giảm và giảm mạnh. Đó là một kết quả không bất ngờ và phản ánh đúng thực chất chất lượng của ngành giáo dục hiện nay. Tuy nhiên, con số 44,57% của tỉnh Nghệ An thực sự gây “sốc” cho nhiều người.

Xưa nay, Nghệ An nổi tiếng là vùng đất hiếu học, là vùng đất “địa linh nhân kiệt”. Vậy nên, con số chưa đầy 50% học sinh đỗ tốt nghiệp đặt ra cho mọi người một dấu hỏi lớn.

 

Ý kiến của quý vị về vấn đề này xin gửi về địa chỉ e-mail: baotructuyen@dantri.com.vn

Sẽ có người đưa ra lý do này lý do kia để giải thích, nhưng cũng sẽ có người không thể nào lý giải nổi vì sao giáo dục Nghệ An lại ra nông nỗi đó! Riêng bản thân tôi là một người con của xứ Nghệ, đi đâu tôi cũng tự hào về truyền thống tốt đẹp của quê hương. Trước sự thực này tôi vô cùng đau lòng và xấu hổ. Nhưng tôi sẽ không tìm cách “biện hộ” cho quê hương mà xin nói thật: kết quả đó không bất ngờ mà phản ánh đúng thực chất, đó là hệ quả tất yếu của một cơ chế tuyển dụng và bổ nhiệm đội ngũ giáo viên quá nhiều tiêu cực.

 

Nghệ An không thiếu nhân tài mà nhân tài Nghệ An thời nào cũng có, lĩnh vực nào cũng có. Đáng buồn là, những người tài giỏi sau khi tốt nghiệp Đại học đều không trở về phục vụ, xây dựng quê hương. Không phải họ không yêu quê hương mà đơn giản trở về không được trọng dụng nên buộc phải ra đi.

 

Tôi không nói đâu xa, bản thân tôi cách đây 6 năm tốt nghiệp Đại học với tấm bằng đỏ, tôi hăm hở trở về quê nhưng bị từ chối. Trong khi đó nhiều người tốt nghiệp Đại học hệ tại chức, cử tuyển, năng lực yếu kém thì được tuyển dụng, thậm chí sau một vài năm công tác còn được bổ nhiệm giữ vị trí quan trọng như quản lý, Tổ trưởng chuyên môn (?!)...

 

Nhiều nhân tài ngậm ngùi bỏ quê ra đi tâm sự: “Ở xứ này, năng lực - bằng cấp chỉ là yếu tố phụ, quan trọng là có tiền, có mối quan hệ tốt, chạy tốt là sẽ được tuyển dụng, bổ nhiệm”.

 

Đã nhiều năm nay ở Nghệ An tồn tại cái cơ chế ấy nên năm nay thi cử nghiêm túc đã phản ánh đúng thực chất, phơi bày tất cả mặt trái.

 

Đau lắm! Nhưng đằng sau nỗi đau là những bài học quý báu. Đó sẽ là cơ hội tốt nhất cho lãnh đạo xoá bỏ “cơ chế tiêu cực” trong tuyển dụng và bổ nhiệm con người, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Chỉ khi người tài đức được trọng dụng thì xã hội mới phát triển, mới có những kết quả tốt đẹp. Bài học này không chỉ của Nghệ An.

 

Phạm Được
(Đà Nẵng)