Nỗ lực “nâng tầm” giáo dục vùng cao

(Dân trí) - Chất lượng giáo dục có chuyển biến nhưng còn chậm, chất lượng phổ cập giáo dục còn thiếu tính bền vững… Những trăn trở về giáo dục vùng cao tiếp tục được các đại biểu bày tỏ tại hội nghị giao ban lần thứ hai các Sở GD-ĐT vùng 1 năm học 2009-2010.

Ngày 30/3, tại Lào Cai, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội nghị giao ban lần thứ hai các Sở GD-ĐT vùng 1 năm học 2009-2010 dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. Tham dự hội nghị có sự góp mặt của lãnh đạo và các phòng ban Sở GD-ĐT của 15 tỉnh miền núi phía Bắc bao gồm: Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Lào Cai, Thái Nguyên, Phú Thọ, Lạng Sơn, Điện Biên, Quảng Ninh và Bắc Giang.  

Nỗ lực “nâng tầm” giáo dục vùng cao  - 1

Lãnh đạo 15 Sở GD-ĐT các tỉnh vùng 1 cùng trao đổi để nâng
cao chất lượng giáo dục vùng cao.

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái (Trưởng vùng 1 năm học 2009-2010) chia sẻ: “15 tỉnh miền núi phía Bắc với địa bàn dàn trải rộng là vùng núi cao, trung du, có đông đồng bào dân tộc, tỉ lệ đói nghèo cả vùng chiếm gần 30% (cao nhất toàn quốc).

Các tỉnh Thái Nguyên, Quảng Ninh có thu nhập bình quân đầu ng­ười cao nhất vùng cũng chỉ bằng và cao hơn một chút so với bình quân chung cả nước; trong vùng có 34/62 huyện nghèo (chiếm 54,8%), trong đó số xã nghèo chiếm gần 73% cả nư­ớc.

Những nhân tố trên đã tác động rất lớn vào sự phát triển sự nghiệp GD-ĐT của các địa phương, đặc biệt là mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực để đáp ứng với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.

Từ sự “chuyển mình” của những giải pháp

Trao đổi tại hội nghị, đại diện nhiều Sở GD-ĐT cho biết, đã có nhiều giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Chẳng hạn như tích cực tham m­ưu với chính quyền địa phư­ơng để phát triển, nâng cao chất l­ượng GD-ĐT, đổi mới công tác quản lý, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý và giảng dạy của các cơ sở…

Bên cạnh đó, hệ thống mạng lưới trường lớp tiếp tục phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân cũng như nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương. Hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, tạo tiền đề cho chất lượng GD tiếp tục phát triển.

Ngoài ra tiếp tục duy trì, củng cố và phát huy có hiệu quả công tác chống mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ để nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục (PCGD) tiểu học và THCS đúng độ tuổi.

Với những giải pháp tích cực như vậy chất lượng giáo dục học kỳ 1 năm học 2009-2010 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ học sinh khá giỏi ở các cấp học tăng khá so với cùng kì năm trước.

Cụ thể, ở bậc tiểu học thì một số địa phương có tỷ lệ xếp loại học lực giỏi hai môn Toán và Tiếng Việt tăng khá cao so với cùng kì năm trước như Bắc Giang tăng 9,2%, Lạng Sơn tăng 7,4%, Phú Thọ tăng 6,0%...

Ở cấp THCS thì chất lượng được duy trì ổn định, tỷ lệ học sinh yếu kém giảm so với năm học trước: Yên Bái giảm 3%, Bắc Giang giảm 0,4%, Phú Thọ giảm 0,3%...
 
Riêng vấn đề học sinh bỏ học ở vùng 1 giảm 0,09. Một số địa phương đã có sự thay đổi tích cực so với năm trước như Lạng Sơn giảm 0,65%. Đặc biệt Bắc Giang, Hòa Bình, Điện Biên, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Phú Thọ không có học sinh tiểu học nào bỏ học.

Cho đến những… trăn trở

Theo đánh giá của ông Trần Xuân Hưng - Giám đốc Sở GD-ĐT Yên Bái thì mặc dù chất lượng giáo dục vùng cao đã được cải thiện phần nào. Tuy nhiên, chất lượng GD chuyển biến còn chậm; tỉ lệ HS yếu kém trong vùng còn cao, tỉ lệ huy động HS ra lớp và tỉ lệ chuyên cần ở vùng cao, vùng dân tộc còn thấp; chất lượng phổ cập giáo dục ở một số nơi trong vùng còn thiếu tính bền vững.

Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là ngành học mầm non ở các xã vùng cao, vùng khó khăn.

Ngoài nguyên nhân là do một số nơi cấp uỷ, chính quyền cơ sở còn thiếu quan tâm, chưa thực sự vào cuộc chăm lo cho GD địa phương thì nhiều đại biểu tham dự hội nghị cũng cho rằng Bộ GD-ĐT cần xem xét lại một số quy chế, quy định.

Chẳng hạn như chính sách luân chuyển giáo viên hiện nay mà áp dụng vào vùng cao là không khả thi vì thiếu nơi tiếp nhận giáo viên vùng khó khăn về. Chính vì thế mà Bộ GD-ĐT cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng giáo viên công tác ở vùng cao nhiều năm chứ không nên áp dụng luân chuyển 3 năm đối với giáo viên nữ và 5 năm đối với giáo viên nam.

Hoặc là về việc phân hạng trường thì Bộ cần phải xem xét lại đối với giáo dục vùng cao vì thực tế hiện nay tại các tỉnh miền núi nói chung có số lớp/đơn vị trường thấp nhưng lại có nhiều điểm trường...

Trước những băn khoăn của các Sở GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Vai trò chủ động, sáng tạo của mỗi địa phương là rất quan trọng. Bên cạnh đó các Sở cũng cần tăng cường trao đổi thông tin giữa các tỉnh trong vùng cũng như với cơ quan quản lý cấp trên để cùng nhau tìm cách tháo gỡ những bất cập xảy ra trong thực tiễn chỉ đạo. Thực tế cho thấy nhiều địa phương chưa hiểu đúng chủ trường của ngành nhưng vẫn ngại trao đổi với các đơn vị liên quan nên đôi khi triển khai gặp nhiều khúc mắc”.

Về vấn đề luân chuyển giáo viên Thứ trưởng Hiển cũng cho rằng, đây không phải là vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều  được. Quan điểm của Bộ GD-ĐT là làm sao tạo ra một cơ chế nào đó để có thể "giữ chân" được giáo viên công tác ở vùng cao.

Nguyễn Hùng