Nghệ An:

Niềm vui của cô học trò nghèo đỗ Học viện Khoa học Quân sự

(Dân trí) - Sáng 27/8, sau khi Học viện Khoa học Quân sự công bố điểm chuẩn chính thức, cô học trò nghèo Nguyễn Thị Phương (quê huyện Yên Thành, Nghệ An) rất đỗi vui mừng khi biết mình đã đỗ ngành Ngôn ngữ Anh với 27,44 điểm, thừa điểm so với điểm chuẩn của ngành này là 26,81.

 

anh4-354eb

Em Nguyễn Thị Phương bên góc học tập đơn sơ của mình.

"Muốn thoát nghèo một cách bền vững thì phải học”

Em Nguyễn Thị Phương (ở khối II, thị trấn huyện Yên Thành, Nghệ An) sinh ra trong một gia đình bố mẹ là công nhân, thu nhập thấp, kinh tế khó khăn. Nhưng với niềm đam mê tìm tòi, cố gắng vươn lên để đạt thành tích cao trong học tập, Phương là tấm gương sáng cho nhiều em học sinh trong trường, lớp noi theo.

Từ ngày nhận kết được kết quả kỳ thi THPT quốc gia, gia đình, thầy cô, bạn bè đều vui mừng cho cô học trò lớp 12A5 - Trường THPT Phan Đăng Lưu, huyện Yên Thành, tỉnh nghệ An. Tổng điểm 3 môn của Phương là 26,5, trong đó Văn 9 điểm, hai môn Toán, Anh đều đạt 8,75 điểm.

Bà Thái Thị Hiền, mẹ Phương chia sẻ: “Nhà nghèo nên tôi luôn nhắc con cái cố gắng học giỏi, muốn thoát nghèo một cách bền vững thì phải học”.

anh2-70098
Thành tích học tập của Phương.

Cuộc sống vất vả nhưng trong suốt những năm học phổ thông, Phương luôn là học sinh giỏi của trường, 3 năm học cấp ba, em đều là học sinh giỏi toàn diện. Năm lớp 11 trong kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, em đạt giải Ba môn Văn.

Chia sẻ về bí quyết học giỏi, Phương vui vẻ tâm sự: “Trên lớp em chú ý nghe thầy cô giảng bài, cái gì không hiểu thì hỏi thầy cô ngay. Trước khi lên lớp phải đọc bài cũ trước, về nhà dành thời gian ôn bài và làm bài tập thật nhiều để rèn luyện kỹ năng. Phải bố trí cho mình một lịch học cụ thể, thường mỗi môn học em dành khoảng 50 phút để học. Riêng các môn có bài tập, em thường học 1 tiếng, khi nào căng thẳng thì giải lao bằng cách dọn dẹp nhà cửa”.

anh1-e9b11
Phương bảo: Sẽ cố gắng học thật tốt, vừa cố gắng xin việc làm thêm để bố mẹ ở quê đỡ vất vả.

Học trường Quân đội để giảm các chi phí

Nói về cô học trò có khuôn mặt điềm đạm xinh xắn, cô Nguyễn Thị Sắc - giáo viên dạy môn Văn của Phương cho biết: “Trong kỳ thi THPT năm nay, có không ít các em đạt 27, 28 điểm đối với khối A, khối B. Nhưng để học đều và đạt được 3 môn khối D (Toán, Văn, Anh) số điểm như em Phương là một sự nỗ lực rất lớn. Phương không chỉ vượt khó học giỏi mà em còn là một lớp trưởng gương mẫu, thường xuyên gần gũi kèm cặp cho những bạn học yếu hơn. Các hoạt động đoàn đội Phương đều tham gia tích cực. Thầy cô trong trường mến em và bạn bè đều cảm phục nghị lực của em”.

Khi nói về dự định tương lai, Phương cho biết: “Với số điểm trên, ban đầu em đã làm hồ sơ vào Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội nhưng trong lòng vẫn canh cánh nỗi lo không biết bố mẹ có thể lo được cho em 4 năm đại học nữa hay không. Trong khi đó, lương của bố mẹ thì thấp, nay bố lại đau ốm thường xuyên, chị gái đang là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Y Hà Nội, cô em út hiện đang học lớp 8 Trường THCS Bạch Liêu (học sinh giỏi trường năng khiếu của huyện) nên em quyết định chuyển sang trường khác”.

"Suy đi tính lại, sợ bố mẹ vất vả, gia đình cũng nghèo nữa nên em đã quyết định nộp hồ sơ đăng ký vào ngành Ngôn ngữ Anh của Học viện Khoa học Quân sự".

Lúc đó, Phương dự tính, dự kiến điểm của ngành này khoảng 26,8 điểm. Trong khi đó, em được tổng cộng (cả điểm ưu tiên khu vực 2 nông thôn được 1 điểm) 27,44 điểm (theo công thức tính điểm của trường này).

"Em chọn ngành Ngôn ngữ Anh, học trong quân đội để giảm các chi phí, để bố mẹ đỡ khổ hơn", Phương chia sẻ thêm.

anh3-454a1
Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh Nghệ An, Phương đạt giải Ba môn Văn.

“Giờ em sẽ cố gắng học tốt đế không phụ lòng bố mẹ và thầy cô. Chứ ở quê như nhà em đây, mỗi năm cũng được ít tấn lúa, chưa ăn đã hết, chứ nói đến bán kiếm tiền cho con ăn học thì khó khăn lắm. Em chỉ mong bố mẹ khỏe mạnh để chăm sóc em gái, còn hai chị em em phải cố gắng hoàn thành tốt việc học để thỏa lòng mong ước của bố mẹ”, Phương chia sẻ thêm.

Về phần mình, bà Hiền tâm sự: "Với gia đình tôi lúc này cũng khó khăn lắm. Cả hai vợ chồng đều là công nhân thủy lợi, lương ba đồng ba cọc cũng chẳng ăn thua gì. Chồng tôi, ông Nguyễn Bá Sơn (53 tuổi) bị bệnh sỏi thận và đã 4 lần mổ cắt 1/3 quả thận rồi. Hằng ngày ông ấy luôn phải uống thuốc, nên càng thêm khó khăn hơn, chứ nói đến chuyện tích cóp cho con ăn học thì không biết đến khi mô cho có".

Chia sẻ về niềm vui thi đỗ Học viện Khoa học Quân sự, em Phương nói: "Em cảm thấy thoải mái vì ước mơ đã được thực hiện khi vào học ở môi trường này, vì vào học tại đây sẽ thuận lợi hơn, bởi gia đình em cũng khá khó khăn nên việc được học tại Học viện Khoa học Quân sự là rất cần thiết. Vào học em sẽ cố gắng hết mình để là một sinh viên tốt".

Nguyễn Duy - Phan Hạnh 

 

Niềm vui của cô học trò nghèo đỗ Học viện Khoa học Quân sự - 5