Niềm tin tổ chức kì thi THPT Quốc gia có còn?

(Dân trí) - Thành công bước đầu của kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008 vẫn còn xen lẫn những hình ảnh buồn. Tuy những hình ảnh này không phải là phổ biến nhưng cũng khiến không ít người hoài nghi về việc sẽ tổ chức kì thi THPT Quốc gia vào năm sau.

Để xã hội hiểu rõ thêm về kì thi tốt nghiệp THPT năm 2008 cũng như những kế hoạch của Bộ khi triển khai kì thi THPT quốc gia vào năm sau nếu Chính phủ phê duyệt, Thứ trưởng thường trực Bành Tiến Long đã có cuộc trao đổi với Dân trí sau chuyến đi "thị sát" tại tỉnh Ninh Bình vào sáng 29/5.

Là người trực tiếp đi thanh tra khá nhiều điểm thi của các địa phương, ông đánh giá như thế nào về chất lượng của kì thi năm nay?

Qua kết quả báo cáo, cũng như quá trình đi kiểm tra thực tế thì có thể nói trên toàn quốc các điểm thi khá là yên tĩnh và nghiêm túc.

Tuy nhiên qua kiểm tra thực tế, thì đoàn thanh tra của Bộ vẫn phải nhắc nhở các thanh tra uỷ quyền của Bộ do chưa bám sát địa bàn và chưa phân công cụ thể vị trí giám sát.

Thưa ông, trong quá trình đi thanh tra đột suất như thế này liệu có sự rò rỉ thông tin hay không khi mà theo phản ánh của thí sinh là trước khi đoàn thanh tra đến các em được thầy cô nhắc nhở và khi đó kỷ luật trường thi mới được siết chặt?

Đây là một nhận xét rất đáng phải lưu ý. Tuy nhiên 6 đoàn thanh tra lưu động của Bộ tại các địa phương cũng như đoàn thanh tra của Bộ đi đột suất, không báo cho bất cứ lãnh đạo của các địa phương cũng như bất kì Hội đồng thi nào.

Còn khi mà đến một nơi nào đó người ta có thông tin sau đó thông báo lẫn nhau để siết chặt lại kỷ luật phòng thi thì đây là điểm cần phải lưu ý để chấn chỉnh công tác tổ chức thi sau này.

Sau 3 môn thi đầu tiên nhiều địa phương vẫn báo cáo về là kết quả tổ chức kì thi rất tốt, là người đi thực tế ông thấy những báo cáo này có chính xác hay không?

Quy mô thi của chúng ta rất là lớn và số Hội đồng thi cũng rất lớn. Tổng số thí sinh dự thi năm nay lên đến gần 1,3 triệu, đây là con số hết sức là lớn.

Theo tôi, thì nhìn chung toàn ngành nhận định rất là chính xác. Tuy nhiên có thể đây đó vẫn còn một vài hiện tượng cá biệt ở một vài môn hoặc một vài thời điểm cũng vẫn còn lộn xộn thì bắt buộc chúng ta phải chấn chỉnh thôi. Nhưng nếu nhìn chung thì kì thi đã tổ chức khá an toàn và nghiêm túc.

Thưa ông, nếu được Chính phủ phê duyệt thì vào năm 2009 Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức kì thi THPT Quốc gia. Vậy với những gì ông nhìn thấy trong quá trình đi thực tế thì Bộ đã yên tâm hướng tới tổ chức kì thi này hay chưa?

Tôi cho rằng ngành cần phải cố gắng hết sức quyết liệt và quyết tâm rất cao từ cấp trung ương cho đến cấp trường ĐH và các Sở GD-ĐT cần có một biện pháp tổ chức hết sức là chặt chẽ.

Về vấn đề xét tuyển thì tôi cho rằng chúng ta đã có kinh nghiệm do đó quan trong nhất chỉ là khâu tổ chức thi mà thôi. Tổ chức thi làm sao để cho kết quả khách quan, đảm bảo được sự công bằng và kỷ cương cũng như chất lượng kì thi.

Chất lượng kì thi phản ánh đúng năng lực, sở trường, kiến thức và trình độ của từng thí sinh để các trường có thể tuyển chọn được.

Còn đối với chỗ tốt nghiệp THPT thì tôi nghĩ rằng thì điều này nó không phải là quá sức với các em. Nhưng để tuyển lựa vào ĐH, CĐ và làm thế nào để đảm bảo chất lượng cho kì thi thì chúng ta cần phải quan tâm nhiều hơn nữa.

Song chúng ta cũng phải đặt ra một câu hỏi là tại sao kì thi ĐH, CĐ có thể tổ chức nghiêm túc được như vậy mà kì thi THPT không làm được thì đây là trách nhiệm của toàn ngành cũng như của toàn xã hội.

Theo nhận định của nhiều người là sở dĩ kì thi tốt nghiệp THPT chưa được tổ chức nghiêm túc là do bố trí tổ chức thi tại các địa phương do đó khi các đoàn thanh tra về làm nhiệm vụ chịu sức ép khá nhiều từ phía chính quyền, vậy ông nghĩ gì về điều này?

Chúng ta phải phối hợp với các lực lượng, đặc biệt là trách nhiệm của lực lượng an ninh của các địa phương và phải huy động nhiều hơn nữa để thanh tra có yên tâm làm nhiệm vụ mà không có sự sợ hãi bị trả thù hay bị địa phương gây khó dễ.

Chúng ta cũng phải nên nhớ là có những lúc tổ chức phức tạp hơn nhiều như tổ chức một trận bóng đá chẳng hạn thì lực lượng an ninh vẫn làm được. Hơn thế nữa kì thi THPT Quốc gia sẽ được toàn xã hội quan tâm nên được sự đồng tình chắc chắn vấn đề kiểm soát kì thi sẽ không gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, trong đề án cũng đã đề xuất là ưu tiên các địa điểm thi là các trường ĐH, CĐ, TCCN và các trường THPT có cơ sở hạ tầng tốt để mình có thể tổ chức thi an toàn.

Bên cạnh đó đề án cũng nêu rõ các tiêu chí để được tổ chức kì thi THPT Quốc gia, do đó những đơn vị nào có cơ sở vật chất không đảm bảo sẽ không được phép tổ chức kì thi tại địa phương mình.

Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Hùng (thực hiện)