Niềm tin sống, vượt bạo bệnh của cô giáo Huế

(Dân trí) - Do ảnh hưởng của đợt hóa trị điều trị bệnh ung thư máu, mặt chị trắng bạch, tóc rụng hết. Mọi sinh hoạt của chị cùng những chật vật kinh tế đều dồn lên vai người chồng. Đó là tình cảnh của chị Nguyễn Thị Lộc (sinh năm 1978, giáo viên Trường THCS Thủy Thanh, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế).

“Phúc bất trùng lai”

Sinh ra lành lặn như bao đứa trẻ trong làng, năm tháng cứ nhẹ nhàng trôi đi. 18 tuổi, Nguyễn Thị Lộc tốt nghiệp THPT. Năm 2003, chị chính thức trở thành giáo viên dạy âm nhạc tại Trường THCS Thủy Thanh, ngôi trường mà chị đã làm việc đến tận thời điểm này. Một cuộc sống bình yên khi chị có công việc và sống trong vòng tay cha mẹ.

Hai năm sau (2005), chị gặp và yêu anh Lê Huy Cường (giáo viên trường THPT Hương Thủy), một đám cưới được diễn ra và niềm hạnh phúc thêm đong đầy khi mà họ đã có với nhau 2 cậu con trai thông minh, lém lỉnh.

Khi mọi điều đang ấm êm thì bất ngờ một tai ương ập đến gia đình họ. Cách đây 1 năm, ban đầu chị Lộc cảm thấy đau đầu, chóng mặt, biểu hiện này khiến chị lầm tưởng là hội chứng tiền đình, thiếu máu nên chị không đi khám. Nhưng triệu chứng này ngày một trầm trọng và phát tác nhiều hơn. Những lúc chạy xe máy đi đến trường là khoảng thời gian khổ cực nhất với chị, bởi đầu choáng váng, mắt xám xịt, chỉ thấy những mảng không gian sẫm màu. Đến lúc này, vợ chồng chị tức tốc chở nhau đến bệnh viện Trung ương Huế để khám chữa… Một ngày trung tuần tháng 5/2015, gia đình chị nhận được hung tin là chị bị bênh ung thu máu giai đoạn 3; bác sỹ yêu cầu chị nhập viện để được điều trị.

Chị Nguyễn Thị Lộc tại phòng điều trị.
Chị Nguyễn Thị Lộc tại phòng điều trị.

Chị Lộc tiếp chúng tôi tại buồng điều trị (phòng số 6, tầng 2, khoa Huyết học bệnh viện T.Ư Huế), gương mặt chị trắng bạch, tóc rụng hết. Chị kể rằng, từ ngày biết hung tin đến giờ lúc nào chị cũng luôn lo sợ vì một ngày nào đó sẽ phải cách xa chồng con. Mọi công việc giảng dạy chị đành phải gác lại từ ngày 14/5/2015, hưởng lương trợ cấp bảo hiểm.

Ngồi tại giường bệnh nhưng đôi mắt chị đau đáu nỗi niềm nhớ nhung các cô cậu học sinh cùng đồng nghiệp. 6 tháng dài ròng rã điều trị: qua 4 đợt lọc máu và 1 đợt hóa trị ung thư. Tháng ngày đau buồn giằng giằng mà vợ chồng chị đã trải qua không có ai hiểu hết.

Mỗi đợt điều trị chi phí bỏ ra hơn 10 triệu, nhưng không thu lại được kết quả như mong đợi. Càng ngày bệnh tình của chị càng nặng thêm. Mặc dù đã được các bác sỹ cứu chữa tận tình nhưng căn bệnh quái ác này ngày đêm lan rộng. Chị Lộc chỉ tay vào bụng mình, bảo với chúng tôi: “Gan, lá lách chị sau mỗi đợt điều trị lại trướng ra tầm 1cm, đè lên dạ dày nên chị ăn uống chẳng được bao nhiêu. Bác sỹ bảo rằng nếu nó trướng đến rốn thì chị sẽ gặp nguy hiểm”. Nước mặt chị chỉ trực trào.

Bên vợ mình, anh Cường nhẹ nhàng đút cho chị từng thìa cháo loãng. Hình ảnh người chồng tận tâm này đã in sâu vào mắt những bệnh nhân và bác sỹ nơi đây hơn nửa năm nay. Anh là người luôn ở bên chị động viên, túc trục và lo toan: vì hai bên nội ngoại bố mẹ đều đã già cả và cũng không khá giả.

Người nuôi hi vọng

Ngày nên duyên vợ chồng, anh chị dọn về ở chung trong một căn nhà rộng chưa đến 30 m2 ở đường Nguyễn Duy Cung, phường Thủy Phương, thành phố Huế. Căn nhà tạm này vợ chồng chị cất lên trên nền đất hương hỏa của ông nội trước đây, hiện nay đường dây điện lưới 500KV chạy qua nên đã bị nhà nước thu hồi. Căn nhà nhỏ, “không chính chủ” này luôn ấm cúng bởi tiếng nói cười.

Căn nhà “không chính chủ” của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lộc.
Căn nhà “không chính chủ” của vợ chồng chị Nguyễn Thị Lộc.

Cuộc sống tất bật bởi công việc ở trường, ở nhà cũng như túc trực ở bệnh viện. Sau giờ lên lớp, anh Lê Huy Cường lo toan nấu ăn, giặt giũ, đưa đón cháu nhỏ Lê Hoàng Nhất Quang (2 tuổi) đi nhà trẻ. Vì không có thời gian chăm bẵm cũng như chia sẻ bớt gánh nặng kinh tế cho gia đình con gái, ông bà ngoại đã đón cháu lớn là Lê Hoàng Nhất Long (10 tuổi) về nuôi dưỡng.

Lương tháng của anh Cường hơn 5 triệu, mọi chi tiêu sinh hoạt đều từ đây mà ra. Phần chị Lộc thì ăn lương trợ cấp bảo hiểm chẳng được là bao. 5 lần điều trị, gồm lọc máu, hóa trị và thay bạch cầu, cùng nhiều loại thuốc khác đã “hút cạn” đi nguồn lực kinh tế của gia đình anh chị. Được đồng nghiệp, gia đình hỗ trợ một phần nhỏ nhưng không đủ, để hóa trị cho chị Lộc thì anh đã đi vay mượn rất nhiều nơi, anh bộc bạch: “Mượn thì còn trả từ từ, chứ vay thì lúc trả lãi thôi đã gần hết tiền sinh hoạt còn đâu mà chữa trị cho cô ấy”.


Nước mắt người chồng chỉ chực tuôn rơi khi vợ bị bạo bệnh.

Nước mắt người chồng chỉ chực tuôn rơi khi vợ bị bạo bệnh.

Cuộc sống khó khăn, vất vả là thế, nhưng trong họ vẫn nuôi hi vọng, tin vào điều kì diệu. Ban ngày chồng đi làm, chị Lộc ở bệnh viện. Tối đến, chồng bên cạnh chăm sóc chị. Niềm tin vào sự sống chính tay họ đang vẽ nên, cùng hướng về một tương lai sáng ngời.

Anh tâm sự rằng: “Khi vợ mình bị bệnh, thì mọi cố gắng mình sẽ dồn vào chữa trị để kéo dài thời gian bên chồng con của cô ấy. Mình phải tạo cho vợ niềm tin và khát vọng sống. Mặc dù trăn trở lớn nhất của gia đình là tài chính đã không còn bao nhiêu nữa”.

Hành trang của cô giáo Nguyễn Thị Lộc bây giờ là niềm tin và ý chí để vượt qua cơn bạo bệnh. Chị bảo là chị chỉ ước mình được sống để chăm bẵm gia đình; dạy dỗ những thế hệ học sinh tiếp theo cũng như làm những điều thiện. Chúng tôi chúc chị và gia đình sẽ vững tâm trong công cuộc chữa trị này. Điều chị hằng mong chờ nhất là “sự chia sẻ từ cộng đồng góp phần tạo cho mình điều kỳ diệu".

Nhất Linh