Dự thảo Đề án kì thi THPT Quốc gia lần thứ 20:

Những thay đổi lạ lùng!

(Dân trí) - Những thay đổi lạ lùng; Tôi thấy chưa ổn lắm; Một mũi tên trúng hai đích…Đó là những ý kiến của GS, nhà quản lý giáo dục nhận xét về Dự thảo Đề án kì thi THPT Quốc gia lần thứ 20 mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra.

Giáo sư Văn Như Cương: Những thay đổi lạ lùng!

 

Theo tôi, các sự sửa đổi này lại càng bất hợp lí hơn. với 3 lí do:

 

Thứ nhất: Đề thi kiểu úp úp, mở mở , không rõ ràng minh bạch, đánh đố thí sinh.

 

Mỗi kì thi có ba loại thí sinh khác nhau:

 

Thí sinh loại 1 : Dự thi để lấy bằng tốt nghiệp và để được tuyển chọn vào ĐH, CĐ. Hiển nhiên họ phải làm cả bài gồm hai phần 60% ( tạm gọi là phần A) và 40% (tạm gọi là phần B).

 

Thí sinh loại 2: Dự thi để được chọn vào ĐH,CĐ (vì đã có bằng tốt nghiệp rồi). Họ chỉ cần làm phần A của đề.

 

Thí sinh loại 3: Dự thi chỉ để lấy bằng tốt nghiệp (không có nguyện vọng vào ĐH, CĐ). Họ chỉ cần làm phần B của đề.

 

Nhưng theo sự đổi mới của dự án thì “đề thi không chia cơ học thành hai phần riêng biệt trong đề thi”, có nghĩa là trong đề thi không nói rõ câu hỏi nào thuộc phần A, câu hỏi nào thuộc phần B.

 

Đó là điều bất hợp lí đến mức khó hiểu, vì: Cả ba loại thí sinh, mặc dầu có những mục đích khác, nhau đều phải làm một đề chung, và làm trong một thời gian giống nhau.Thí sinh loại 2 chỉ cần làm phần A nhưng không thể đoán được phần A gồm những câu nào .

 

Thí sinh loại 3 chỉ cần làm phần B nhưng không thể đoán được phần B gồm những câu nào. Tại sao chúng ta lại đánh đố học sinh bằng một kiểu đề thi oái oăm như vậy. Thi kiểu gì mà thí sinh không biết phải trả lời câu hỏi nào?

 

Thứ hai: Một kiểu xếp loại lạ kì

 

Phần A để công nhận tốt nghiệp được tối đa là 36 điểm. Thế thì thí sinh nào đạt 18 điểm trở lên thì đạt tốt nghiệp. Điều đó hiển nhiên rồi (vì 18 là một nửa của 36). Nhưng cái điều hết sức kì lạ là quy định “loại giỏi phải đạt trên 46 điểm”. Một câu hỏi rất đơn giản: Lấy đâu ra 46 điểm trong lúc tối đa chỉ có 36 điểm mà thôi?

 

Nếu cứ theo đó thì một thí sinh làm được tất cả các câu của phần A và được điểm tuyệt đối là 36 điểm nhưng không được xếp loại giỏi!

 

Thứ ba: Thiếu thông tin để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH, CĐ

 

Giả sử một trường ĐH nào đó có môn Ngoại ngữ là môn xét tuyển. Họ phải xét điểm ngoại ngữ của thí sinh từ cao xuống thấp. Nhưng vì đề thi không chia cơ học thành hai phần riêng biệt cho nên sau khi chấm bằng máy, ta chỉ có một thông tin duy nhất về bài thi: đó là số điểm đạt được (tối đa là 10 điểm bao gồm 6 điểm phần A+ 4 điểm phần B). Nhưng như vậy hoàn toàn không phân loại được thí sinh cùng một số điểm.

 

Giả sử: thí sinh X được 7 điểm (= 6 điểm phần A + 1 điểm phần B); thí sinh Y được 7 điểm (=3 điểm phần A+ 4 điểm phần B)

 

Cố nhiên tuy đều được 7 điểm nhưng thí sinh X có năng lực tốt hơn thí sinh Y. Nhưng vì đề thi không chia cơ học… nên ta chỉ có thông tin là X, Y đều được 7 điểm. Như vậy là kiểu thi như thế không phân loại được học sinh. Tôi mong rằng các tác giả của dự án nên thận trọng hơn nữa khi đưa ra những thay đổi rất lạ lùng như vậy.

 

TS Đỗ Văn Xê, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ: Tôi thấy chưa ổn lắm!

 

 

Những thay đổi lạ lùng! - 1

Theo tôi, Đề án đã được chuẩn bị chu đáo. Các lý do để thực hiện thi theo phương thức mới cũng đã được Bộ giải thích rõ ràng. Việc sử dụng kết quả học tập (điểm) của bậc phổ thông để xét tuyển vào Đại Học đã được sử dụng ở rất nhiều nước tiên tiến. Phương án tổ chức kỳ thi phổ thông để có được điểm thi chính xác cũng đã được nêu ra rất cụ thể rõ ràng. Tôi đã tham gia đoàn thanh tra do bộ uỷ quyền (trưởng đoàn) trong 2 năm qua và nhận thấy các địa phương tổ chức thi cũng nghiêm túc không kém kỳ thi tuyển ĐH. Vì vậy tôi ủng hộ đề án, và nhất trí đề nghị thực hiện vào năm 2009. Tuy nhiên, việc tính điểm đậu và phân loại tốt nghiệp dựa theo lập luận:

 

Thang điểm bài thi là 10 điểm (6 điểm + 4 điểm ứng với 60% + 40%). - Đạt tốt nghiệp: 18 điểm trở lên và không có điểm 0 (18 điểm là 50% của 36 điểm đối với 6 môn thi – phần để công nhận tốt nghiệp); Loại trung bình: 18 đến 32 điểm; Loại khá: Lớn hơn 32 điểm đến 46 điểm; Loại giỏi: Trên 46 điểm. Tôi thấy chưa ổn lắm với lí do:

 

Mặc dù cấu trúc đề thi: “Trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình THPT chuẩn, đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp. 40% trong đề thi ứng với 40% số điểm sẽ đòi hỏi TS làm chủ và vận dụng kiến thức cơ bản ở mức cao hơn để tuyển chọn vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, đề thi không chia cơ học các câu hỏi thành 2 phần riêng biệt trong đề thi.”

 

Nhưng điều đó không có nghĩa là thí sinh trình độ phổ thông không thể làm được câu nào trong phần các câu hỏi của bậc cao hơn (40%). Do đó không thể nói 6 điểm là điểm tối đa dành cho mức độ tốt nghiệp phổ thông.

 

Cách lập luận trên cũng giống như: “Để con mèo và con chó được vào phòng người ta khoét một lỗ lớn dành con chó và lỗ nhỏ dành cho con mèo vì nghĩ rằng con mèo chỉ đi được bằng cái lỗ nhỏ, nhưng thực tế con mèo vẫn vào được bằng cả hai lỗ!!!”.

 

Cũng chính vì lập luận “6 điểm là điểm tối đa dành cho mức độ tốt nghiệp phổ thông” nên mới xác định điểm tối đa của tổng cộng 6 môn là 36 và do đó nếu thí sinh được tổng cộng 18 là điểm trung bình và được đậu.

 

Nếu lấy 18 chia cho 6 môn thì điểm trung bình/môn chỉ có 3 điểm. Với điểm trung bình thấp như thế mà được đậu thì thấp quá. Nên xét kỹ lại việc này và xác định mức điểm tốt nghiệp và các mốc phân loại có tính thuyết phục hơn.

 

Những thay đổi lạ lùng! - 2

 

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam: Bộ GD&ĐT nên thực hiện thí điểm

 

Điểm mới trong dự thảo lần thứ 20 của Bộ GD&ĐT, tôi thấy có điểm không hợp lí lắm.

 

Trong đề thi có khoảng 60% số điểm ứng với nội dung cơ bản trong chương trình THPT chuẩn, đảm bảo cho những thí sinh có học lực trung bình, nắm được kiến thức cơ bản có thể tốt nghiệp. 40% số điểm đòi hỏi TS làm chủ và vận dụng kiến thức cơ bản ở mức cao hơn để tuyển chọn vào ĐH,CĐ.

 

Đây là hình thức, một mũi tên trúng hai đích. Bộ không nên làm như vậy, nếu có làm thì phải thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm thì hãy triển khai. Vì thi tốt nghiệp phổ thông nó khác với thi đại học. Thi tốt nghiệp phổ thông là đại trà, thi đại học là lựa chọn những thí sinh có thực tài mới vào được.

 

Hồng Hạnh (ghi)