Những người gieo chữ lưng trời

(Dân trí) - Tuổi thanh xuân phó mặc cho gió trời sương muối, 18 thầy giáo đã lên Chế Tạo (một xã xa nhất của Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) để đem “cái chữ” dạy trẻ con ở đây nên người.

Tít tắp lưng trời

 

Từ thị trấn Mù Cang Chải, chúng tôi vượt hơn 30km đường rừng tìm đến Chế Tạo. Dốc cao, vực thẳm, cua tay áo, con đường thăm thẳm của đại ngàn chứa đựng bao rình rập. Mất hơn một buổi sáng băng rừng, chúng tôi mới đến nơi. Giữa trưa mà mây mù bãng lãng, bay cả vào lớp học bằng phên nứa dựng tạm, lởn vởn trên trang giấy ố vàng của mấy em học sinh đang cặm cụi đánh vần.

 

Gặp khách phương xa, thầy giáo Hà Xuân Hữu mừng rơn. Với anh em dạy học ở đây, ai đến với Chế Tạo được coi là thượng khách. Thầy Hữu nhẩm tính, từ đầu năm đến nay chỉ có hai đoàn khách đến Chế Tạo. Trước đó là một đoàn nghiên cứu về Khu bảo tồn thiên nhiên, thứ hai là các nhà báo, chúng tôi.

 

Bếp than lạnh ngắt, căn nhà ở của các thầy giáo nằm trên sườn núi quanh năm gió thổi tứ bề. Thầy Hoàng Anh Vượng nhiệt tình mời chúng tôi dùng cơm trưa với anh em. Ngoài tép kho, canh mướp, bữa ăn trưa được bổ sung thêm mấy quả trứng rán để đãi khách xa. Thầy Vượng nói, không như ở dưới xuôi, ở Chế Tạo những ngày mưa rừng núi sạt, có khi cả tháng anh em phải ăn rau rừng, muối trắng.

 

Xã Chế Tạo gồm 4 khu là Chế Tạo, Tà Dông, Khu 2 và Háng Tày, trong đó xa nhất là Háng Tày. Tính từ trung tâm xã vào đến đó phải mất 6 giờ đi bộ đường rừng. Có muôn vàn thứ khổ để nói về cuộc sống nơi đây, nhưng vì yêu nghề "chèo đò", nên ai cũng không quản ngại. Ai đã đến đây thì không muốn về, và ai đã ra ngoài thì chẳng muốn vào lại.

 

"Giáo viên nào đã lên Chế Tạo đều phải kiên trì bám trường, bám lớp mới trụ lại được, bởi lẽ ở đây nói đến cái gì cũng khó khăn cả", thầy Vượng nói vội vì phải chuẩn bị cho buổi lên lớp chiều.

 

Một thầy dạy... ba cấp học

 

Giữa đại ngàn, Trường tiểu học Chế Cu Na hun hút giữa gió chiều lạnh buốt. Thầy Nguyễn Trung Thành được tăng cường lên đây từ đầu năm 2006, anh kiêm nhiệm dạy "hai cấp" mầm non và tiểu học. Không phải là người bản địa, vốn tiếng dân tộc có hạn nên những ngày đầu mới nhận nhiệm vụ là những thời gian anh tự "đánh vật với chính mình".

 

Những người gieo chữ lưng trời - 1
 Một thầy kiêm mấy lớp luôn.

 

"Nói là dạy học trò, nhưng ngày đầu lên đây anh em phải "học" tiếng dân tộc từ chính học trò đấy", thầy Thành nói. Ngày lên "giảng đường", tối đến các thầy giáo lại lọ mọ xuống bản vận động bà con cho con em đến trường. Vận động được bố mẹ thì sáng nào cũng phải dậy sớm để đến nhà đón học sinh, sợ chúng bỏ học thì mất công mình và chữ nghĩa cũng không đến được với bà con dân bản.

 

Ở Chế Tạo chỉ có 18 giáo viên nhưng phải lên lớp đủ 3 cấp gồm mầm non, tiểu học, THCS. Điều đặc biệt, tất cả giáo viên của trường đều là nam giới nên dạy mầm non cũng do các thầy đảm nhiệm. Nếu tính theo biên chế quy định thì ở Chế Tạo còn thiếu tới 19 giáo viên cho cả 3 cấp học. "Trong khi đó, hiện tại trường có 2 giáo viên thuộc diện tăng cường và 5 giáo viên đang đi học. Thành thử, tất cả giáo viên ở đây đều phải "bơi" ra mà dạy 2 ca liên tục. 3 lớp mầm non cũng do các thầy giáo tiểu học dạy kèm. Ngay như tôi là phó hiệu trưởng, quy định chỉ phải dạy 4 tiết/tuần nhưng thực tế phải đảm nhận tới 2 lớp cấp tiểu học. Anh em trong trường bảo nhau phải cố gắng làm sao để các em không bị thất học", thầy Vượng tâm sự.

 

“Đã mang lấy nghiệp vào thân”

 

Cái lạnh thấu da thịt ở vùng cao như đóng băng mọi thứ. Gọi là lớp học, nhưng ở Chế Tạo trường lớp chỉ là những thứ vật liệu chắp vá, tuềnh toàng. Gió thổi phía trước thì lùa hết ra đằng sau. Chỉ tủi phận cho những em nhỏ mê "cái chữ" phải chống chọi với giá buốt. Gió Chế Tạo như lạnh hơn mỗi sớm, những tấm áo mỏng dính mà đám học trò khoác lên mình không đủ giữ ấm cho cơ thể. Trò rét, và thầy cũng rét. Chống chọi với thời tiết khắc nghiệt ở đây chỉ có cách duy nhất là đốt bếp lửa ngay trong lớp học.

 

Nghèo đói, quanh năm chỉ lo cái ăn, "học phí" mà các thầy nhận được ở Chế Tạo là những chai rượu ngô, đôi gà rừng mà người dân biếu tặng. Ở đó chỉ có sự thật thà không toan tính, bài toán về một nền giáo dục hoàn thiện nhiều khi vẫn mơ hồ trong nếp nghĩ của những bậc phụ huynh tay chỉ quen tỉa bắp, chân quen đạp đường rừng. Nhưng không bỏ được Chế Tạo, không bỏ được những nếp nhà dựng tạm ở sườn núi, nơi nhiều năm qua, những con chữ làm người đã được các thầy gieo hạt. Cũng đành, "đã mang lấy nghiệp vào thân...".

 

Tổ giáo viên... xa vợ

 

Những người gieo chữ lưng trời - 2

Bữa cơm trưa được thổi lên, thức ăn cũng đơn giản lắm.

 

Cái lạnh của tiết trời, và sự thiếu thốn tình cảm nhiều khi làm tâm hồn co cứng. Thầy giáo Vượng vừa cưới vợ, nhưng chưa quen hơi ấm của người vợ trẻ thì phải lên đường. Cưới xong, vợ ở nhà với bố mẹ, đã hai tháng nay anh chưa một lần về thăm nhà, thăm vợ mới cưới. Mà khoảng cách nào có xa gì, chỉ gần trăm cây số. Nhắc đến chuyện nhà, mắt thầy Vượng buồn hẳn đi.

 

Hết Suối Giàng, đến Trạm Tấu, rồi chuyển về Chế Tạo, thầy giáo Hữu nói cuộc đời anh "bám núi rừng" nhiều hơn là gia đình. Suốt cả năm chỉ gặp vợ được vài lần, thời gian còn lại là đi vận động dân bản đưa con đi học. Những hôm lo cho chồng, vợ anh tay nải vượt rừng đến thăm. Mỗi khi chị vào thăm anh cũng là những đêm anh không thể ngủ.

 

Từ huyện Văn Chấn lên Chế Tạo có 150km đường mà chị phải chuyển xe mấy lần. Hết tô tô chuyển sang đi bộ, đường rừng trắc trở đến nỗi không nhấc chân lên nổi thì chống tay mà bò lên núi. Cả một ngày trèo đèo, lội suối vợ anh mới vào đến Chế Tạo, chân tay phồng rộp. Khi chân bớt đau, chị không dám nghĩ đến chuyện về nữa.

 

Anh em nói vui với nhau, 18 giáo viên ở đây nên gọi là "tổ giáo viên xa vợ" thì đúng hơn, thầy Vượng cười buồn mà ví von.

 

Rời Chế Tạo khi nắng chiều vừa tắt, không có cảnh phụ huynh đưa tiễn, dọc đường đi chúng tôi bắt gặp những học trò chân trần leo núi ra về từ lớp học. Học sinh ở Chế Tạo hồn nhiên, vô tư quá.

           

Trần Minh Tuấn