Những ngành học đang thoi thóp

Hiện nay, không ít ngành học của khối Nông - Lâm - Ngư rơi vào tình trạng thoi thóp thở. Có những chuyên ngành 4 năm liền không thể mở lớp vì quá ít sinh viên, cá biệt có năm chỉ có một người đến nhập học, một năm sau thì phải đóng cửa.

Tại sao những ngành đang được ưa chuộng ở các nước lại trở nên “ế khách” ở Việt Nam?

Chật vật tuyển sinh

“Khối ngành Nông - Lâm - Ngư nhìn chung tuyển sinh rất khó khăn, chất lượng đầu vào thấp, số lượng không đảm bảo”, ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, khẳng định.

Mùa tuyển sinh năm 2009, Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên có 13.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có khoảng 1.600 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Điểm chuẩn NV1 của trường hầu như không có ngành nào vượt lên trên điểm sàn của Bộ. Lấy điểm thấp nhưng trường vẫn đau đầu, không tuyển đủ chỉ tiêu do tỷ lệ đỗ “ảo” lớn. “Chúng tôi gọi 100 em nhập học nhưng có khi chỉ được vài chục em tới, thậm chí cá biệt có ngành không được em nào” - ông Vui cho biết.

Trường ĐH Tây Nguyên cũng trong cảnh tương tự. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thao nói: “Tuyển sinh các ngành này năm nào cũng khó khăn và gần như không năm nào đủ chỉ tiêu. Cụ thể, các ngành ít thí sinh nhất là Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y. Một ngành tưởng như rất được ưa chuộng là Bảo quản chế biến nông sản cũng ế ẩm không kém. Trường mở mỗi ngành một lớp với 80 sinh viên nhưng thường chỉ có khoảng 20 - 30 em. Cá  biệt có ngành Chăn nuôi thú y chỉ có 10 sinh viên theo học”.

Là một trong những trường hàng đầu về lĩnh vực này, nhưng Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội cũng không khá khẩm hơn. Năm 2009, ngành Khoa học đất chỉ có hơn 10 thí sinh đăng ký, ngành Sư phạm kỹ thuật tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ được 50 em, ngành Cơ khí tuyển 3 lớp nhưng chỉ được 1 lớp.

Đặc biệt, ngành Công thôn của trường này đã phải “khai tử” sau 4 năm liền không mở nổi lớp do quá ít sinh viên. Ngành này đã mở hơn chục năm nhưng số lượng sinh viên teo tóp dần. Năm 2007 chỉ có ba thí sinh nhập học. Năm 2008, duy nhất một em tới làm thủ tục. Năm 2009, trường quyết định đóng cửa ngành. Theo ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Đào tạo của trường thì trong số các ngành Nông - Lâm - Ngư, chỉ có Kinh tế phát triển nông thôn, Công nghệ sinh học là dễ tuyển sinh nhất.

Những ngành học đang thoi thóp - 1
Trong số các ngành Nông - Lâm - Ngư, chỉ có Kinh tế phát triển nông thôn, Công nghệ sinh học là dễ tuyển sinh nhất.

Gian nan tuyển NV2, NV3

Thiếu chỉ tiêu nên hầu hết các trường khối Nông - Lâm - Ngư đều tuyển NV2, NV3. Năm 2009, trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên tuyển 424 chỉ tiêu NV2, 120 chỉ tiêu NV3.

Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội cũng tuyển 540 chỉ tiêu nguyện vọng 2, Trường CĐ Nông Lâm Đông Bắc tuyển 349 chỉ tiêu. Trong số 415 chỉ tiêu NV2 của Trường ĐH Tây Bắc thì các ngành khối Nông - Lâm - Ngư (gồm Lâm sinh, Chăn nuôi, Bảo vệ thực vật, Nông học,Quản lý tài nguyên rừng và môi trường) chiếm tới hơn một nửa với 260 chỉ tiêu.

Tương tự, ngành Nông học cũng dẫn đầu về chỉ tiêu NV3 của Trường ĐH Đà Lạt. Tại Trường ĐH Tiền Giang, vị trí dẫn đầu này thuộc về khoa Phát triển nông thôn với 44 chỉ tiêu.

Để huy động thêm nguồn tuyển, Trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội phải vận động thí sinh ở các ngành khác có điểm trên sàn nhưng không đủ điểm đỗ vào ngành đã chọn (như Tài chính kế toán, Tài chính ngân hàng…) chuyển sang các ngành thiếu sinh viên. Bằng cách này, trường đã tuyển đủ 3 lớp như dự kiến cho ngành Cơ khí.

“Trường ĐH Nông nghiệp I có lợi thế là họ thi cả hai khối A và B nên có thể vận động thí sinh chuyển ngành. Còn trường chúng tôi các ngành này chỉ tuyển khối B nên không thể áp dụng phương thức này”, ông Nguyễn Xuân Thao phân trần. Cũng theo ông Thao, việc vận động này cũng không đơn giản do thí sinh không mặn mà.

Cùng quan điểm này, ông Đặng Kim Vui cho rằng, khi thi ngành nào, học sinh đã có sự suy tính, cân nhắc, nên nhiều khi, được chuyển các em cũng không sang.

Sinh viên “rụng” dần

Tuyển sinh đã khó, giữ được sinh viên với các trường này cũng không đơn giản. Tình trạng sinh viên chỉ học tạm một thời gian, sau đó thi lại và chuyển sang trường khác thường xuyên xảy ra.

Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm Thái Nguyên, ông Đặng Kim Vui, nói: “Mặc dù có 1.500 em nhập học năm thứ nhất nhưng chúng tôi luôn xác định số em gắn bó với trường chỉ khoảng 1.200 sinh viên. Số còn lại sẽ “nhảy” sang trường khác”.

Trong khi đó, số lượng sinh viên học tạm tại trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội cũng lên đến 500 - 600 em mỗi năm. Từng nhiều năm kinh nghiệm làm trưởng phòng đào tạo của trường, ông Vũ Đình Hòa - Trưởng khoa Công nghệ sinh học, cho biết, đây là tình trạng khó tránh khỏi, nhất là với sinh viên thuộc diện vận động chuyển ngành và đặc biệt là đối tượng học theo NV2 và NV 3.

Nhìn ở góc độ khác, ông Vui cho rằng, ngoài nguyên nhân trên, còn do tâm lý sinh viên không thích các ngành khối Nông - Lâm - Ngư. Điểm đầu vào dẫn đến sự phân tầng trong giới sinh viên theo các ngành học. Do điểm chuẩn thấp nên các sinh viên của ngành này có cảm giác họ thấp kém hơn, ít danh giá hơn so với sinh viên các ngành khác như kinh tế, xây dựng...

Theo Sinh Viên Việt Nam