1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Những giáo viên nhận lương bằng… tình yêu thương

(Dân trí) - Đó là những giáo viên của Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội - nơi góc nhỏ của trường Tiểu học Trung Tự. 14 năm qua, nơi đây là mái nhà thứ hai, là chốn đi về, nơi chắp cánh ước mơ cho biết bao số phận thiệt thòi.

14 năm gắn bó với trẻ khuyết tật

Được thành lập từ năm 1987 từ ý tưởng của cô Phan Thị Phúc, hiện Câu lạc bộ có 30 em, trong đó có 20 em khuyết tật, 7 em bị bệnh đao và 3 em bị tự kỷ. Cô Phúc vốn là diễn viên của Nhà hát tuổi trẻ. Cả cuộc đời nghệ sĩ của mình, ấn tượng mạnh nhất với cô có lẽ là lần diễn ở trường Trung học phổ thông Xã Đàn. “Nhìn ánh mắt hướng lên sân khấu đầy thích thú, tôi nhận thấy các em dù bị tật nhưng rất yêu nghệ thuật. Lúc đó, mình thấy nghệ thuật như một chiếc cầu nối giữa các em với cộng đồng”.
 
Những giáo viên nhận lương bằng… tình yêu thương - 1
Cô Phúc cùng với học trò nghèo của mình

Sau buổi diễn đó, những ngày nghỉ, cô Phúc lại đạp xe đến các trường khuyết tật trên địa bàn Hà Nội để hát, múa, diễn cho các em thưởng thức. “Những ánh mắt thơ ngây đã khơi dậy trong mình giấc mơ mở một trung tâm, một câu lạc bộ để dạy nghệ thuật cho các em”, cô Phúc bùi ngùi nhớ lại những ngày của gần 20 năm về trước.

Và năm 1987, dưới sự giúp đỡ của Tổ chức Cứu trợ Mỹ, giấc mơ ấy của cô đã thành sự thật. Đây cũng là lúc cô đến tuổi về hưu nên có toàn thời gian để chăm lo cho các em.

Dưới mái ấm của Câu lạc bộ Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội nơi góc nhỏ trường Tiểu học Trung tự, cô dạy các em hát, múa, cô đi chợ, nấu cơm cho các em ăn. 14 năm, biết bao thế hệ học trò đã lớn lên. Có người đã lập gia đình, người đã tìm được cho mình công việc ổn định.

Ở đây, tất cả các học trò đều gọi cô bằng hai tiếng thân thương: Mẹ Phúc.

Mẹ Phúc năm nay đã gần 70 tuổi. Không chỉ dạy nghệ thuật, chăm lo đời sống tinh thần cho các em, mẹ còn đi tìm thầy về dạy nghề để mong mai này các con có công việc ổn định. “Nghệ thuật giúp các em hòa nhập cộng đồng, nhưng cần có một nghề để các em sinh sống”, cô Phúc chia sẻ.

Nghĩ là làm, cô ngược xuôi đi “xin” từng cái máy khâu, máy vi tính cũ, nhặt nhạnh từng cái bàn ghế bỏ đi về đóng lại để giúp các em học nghề. Cô đứng ra chịu trách nhiệm với nơi nhận nếu các em không làm được việc hay làm hỏng việc của họ. Có những em ở tỉnh khác đến, cô thuê nhà cho ở. Đứa thì cô mua xe đạp để có phương tiện đến Câu lạc bộ học nghề… Cô lên xí nghiệp xe buýt xin thẻ đi xe miễn phí cho các em.

Nhận lương bằng… tình yêu thương

Cảm phục tấm lòng của cô Phúc và với tình yêu thương vô bờ với các em nhỏ, cô Vũ Thị Tá đã tới mái ấm này được 5 năm để dạy đàn và hát cho các em.

Vốn là một giáo viên dạy nhạc ở trường phổ thông, có nhiều kinh nghiệm sư phạm, nhưng cô Tá vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi dạy các em ở Câu lạc bộ. “Hầu hết các em đều bị thiểu năng trí tuệ, khả năng tiếp thu rất chậm. Thời gian để các em thuộc một bài hát không phải tính bằng ngày, bằng tuần mà bằng tháng, bằng năm. Ngày nào cũng phải dạy đi dạy lại, nhưng có khi cả năm các em mới thuộc. Chưa kể tới việc phải dạy sao cho các em hát theo nhạc, hoặc múa minh họa theo lời hát”, cô Tá chia sẻ.

Khó là thế, nhưng mỗi khi các em hát sai, cô đều cười hiền hậu và nhẹ nhàng nhắc lời bài hát. “Cô ơi, cô đánh đàn con múa ba lê nhé”, “cô ơi, cô đánh đàn con hát bài bụi phấn nhé”, cô ơi cô đánh đàn con hát bài “em bé” nhé”... cứ thế, bàn tay cô liên tục lướt trên bàn phím để chiều lòng các em, miệng cô hát theo các em, lúc trầm lúc bổng. Cô tâm sự: “Bí quyết của sự kiên trì trong cô chính là sự tâm huyết, tình yêu thương dành cho các em”.

5 năm gắn bó với trung tâm, và lệ phí cho những ngày dạy hát, đánh đàn đến “rát cả họng, cứng cả tay” chỉ có tình thương yêu nhưng với cô, đó là hạnh phúc của đời mình.

Cũng như cô Tá, thầy Vũ Viết Khiêu đã 76 tuổi, nhưng vẫn gắn bó với Câu lạc bộ. Ông dạy nghề may, dạy quấn hương cho các em.

Bên hai chiếc máy khâu, ông cặm cụi chỉ cho các em từng đường may mũi chỉ. Khuôn mặt thầy hằn in những vết chân chim. Tuy vậy, tuổi tác ko làm cho ông mệt mỏi. Hàng ngày, ông vẫn bắt xe buýt đi về với Câu lạc bộ. Thỉnh thoảng, ông lại dẫn lũ học trò rong ruổi khắp phố phường để dạy cách chụp ảnh, ghi lại những lát cắt giữa dòng đời. Với ông, đó là cách để các em mở mang kiến thức, đưa tầm hiểu biết các em đi xa hơn.

Ngoài những ngày lên lớp với câu lạc bộ, ông lại lặn lội đến các trung tâm, đến nhiều nơi để tìm đầu ra cho các sản phẩm do các em

Ở mái ấm tình thương này, những người thầy, người cô đã đi quá nửa dốc cuộc đời vẫn đang ngày ngày cặm cụi vì một tương lai tươi sáng hơn cho những mái đầu xanh chịu nhiều thiệt thòi của số phận.

Xuân Nam