Những "cô dâu" gieo chữ Việt nơi xứ Đài

(Dân trí) - Trước khi trở thành giáo viên dạy tiếng Việt, họ là những người được gọi là "cô dâu Việt" lấy chồng Đài Loan. Và, đây chính là những người trực tiếp truyền tải văn hóa và ngôn ngữ Việt cho thế hệ người Việt thứ 2 tại xứ Đài.

Chính sách dạy tiếng Việt trở thành ngôn ngữ thứ 2 (tiếng mẹ đẻ) tại Đài Loan cho học sinh người Việt (và những người Đài muốn học tiếng Việt) đã và đang được triển khai mạnh mẽ và bài bản trong những năm gần đây và đặc biệt trong thời gian sắp tới.

Buổi học hát tiếng Việt của học sinh có mẹ người Việt tại Đài Loan

Sôi nổi lớp học hát tiếng Việt

Bộ Giáo dục Đài Loan đã dẫn đoàn báo chí tới thăm trường Tiểu học Tích Đức thuộc Tân Đài Bắc. Đây là 1 trong 9 trường lớn nhất ở Tân Bắc mở Trung tâm ngôn ngữ Đông Nam Á. Đây cũng là ngôi trường học sinh có mẹ là người Việt Nam đông thứ 2 với 190 học sinh.

Khi đoàn đến, một lớp học tiếng Việt với khoảng gần 20 học sinh người Việt đang sôi nổi học tập. Các em đang ê a đánh vần từng từ và ghép chữ do cô giáo Tự Di Hoa người Việt giảng dạy.


Cô giáo Hoa đang dạy các em học sinh đánh vần

Cô giáo Hoa đang dạy các em học sinh đánh vần

Đây là lớp học tự nguyện do trường mở ra để đáp ứng yêu cầu học ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của học sinh thuộc thế hệ di dân thứ 2.

Học sinh La Thiếu Trinh (14 tuổi), quê mẹ ở TP.HCM chia sẻ bằng tiếng Việt: "Mẹ em làm nghề bánh, bố làm xây dựng. Em rất thích học tiếng Việt. Em thường nói chuyện với mẹ bằng tiếng Việt nhưng thời gian rất ít, chỉ có buổi tối vì cả ngày em đi học, mẹ đi làm. Do đó, em đăng ký học thêm tiếng Việt ở trường để mỗi dịp trở về Việt Nam thăm quê ngoại, em có thể nói chuyện với ông bà, anh chị em".

Cô giáo Tự Di Hoa sang Đài Loan theo chồng. Bốn năm trở lại đây cô làm giáo viên dạy tiếng Việt tại Trung tâm này.

"Do nhu cầu học tiếng Việt của học sinh người Việt tại Đài Loan ngày càng gia tăng nên sau khi được Cục Giáo dục TP Đài Bắc tuyển dụng và đào tạo kỹ năng sư phạm khoảng 1 năm, sau đó đi thực tập và hiện tại tôi trở thành giáo viên dạy tiếng Việt của trung tâm. Mỗi tuần dạy 2 buổi theo nhu cầu học của các em" - cô Hoa chia sẻ.

Để soạn bài giảng cho học sinh, cô Hoa đã tham khảo các sách giáo khoa dạy tiếng Việt của Việt Nam sau đó lựa chọn từng bài cho phù hợp với học sinh để dạy. Đồng thời, kết hợp với giáo trình dạy tiếng Việt của Đài Loan và tự soạn bài giảng cho học sinh.

Những "cô dâu" gieo chữ Việt nơi xứ Đài - 2


Các em rất hứng khởi, sôi nổi trong mỗi buổi học

Các em rất hứng khởi, sôi nổi trong mỗi buổi học

Những "cô dâu Việt" trở thành cô giáo dạy tiếng Việt trên xứ Đài

Chị Tô Hồng Tươi, quê tại Cà Mau, lấy chồng sang Đài Loan đến nay được 14 năm, hiện cũng đã đi dạy tiếng Việt được 4 năm tại trường Tiểu học Nhân Đức - Đài Nam.

Khi gặp các nhà báo Việt Nam, chị Tươi cũng đưa chồng theo - một người chủ xưởng sửa xe ô tô - "Khi mới qua đây làm dâu, tôi chỉ ở nhà chăm sóc gia đình chồng và nuôi con. Rất may, tôi gặp được người chồng chăm chỉ, yêu chiều vợ. Luôn ủng hộ những công việc mà vợ làm. Do đó, mình tham gia được nhiều công việc xã hội, có thời gian học tập nâng cao kiến thức" - Chị Tươi vui vẻ tâm sự.

Chị Tươi cùng trải qua phương pháp đào tạo giáo viên như cô giáo Hoa sau đó mới được Cục Giáo dục địa phương cấp chứng chỉ để trở thành giáo viên.

"Để những bài giảng tiếng Việt thêm sinh động và dễ hiểu cho học sinh Việt và cả học sinh người Đài, ngoài giáo trình giảng dạy, tôi đã lên mạng tìm hiểu thêm về phương pháp dạy học tiếng Việt, tìm hiểu thêm và đưa các văn hóa Việt Nam vào bài giảng cho sinh động" - cô Tươi cho hay.

Hiện nay, chị Tươi là giáo viên ẩm thực và thông dịch viên tiếng Việt, đồng thời theo học ĐH chuyên ngành giáo dục mầm non để chuẩn hóa kiến thức. Cuộc sống rất hạnh phúc và đang chào đón đứa con thứ 3.


Chị Tô Hồng Tươi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại là theo đuổi được ước mơ trở thành giáo viên

Chị Tô Hồng Tươi hạnh phúc với cuộc sống hiện tại là theo đuổi được ước mơ trở thành giáo viên

Đặc biệt nhất là chị Trần Kim Lan, quê TP.HCM sang Đài Loan đã 23 năm hiện đang ở Đài Nam, là thế hệ "cô dâu Việt" đầu tiên tại đây và là cô dâu thứ 19 trong danh sách cô dâu Việt đầu tiên lấy chồng Đài Loan. Khi sang, chị Lan mới 18 tuổi vừa tốt nghiệp lớp 12.

Trải qua bao thăng trầm cuộc sống, từ một mình chị Lan sang xứ người lấy chồng, không biết ngôn ngữ, không công việc chỉ ở nhà phục vụ chăm sóc gia đình chồng rồi sinh con...

"Thời gian đầu, tôi thấy áp lực khủng khiếp nhưng nghĩ lại bố mẹ, chị em quê nhà tôi đã quyết tâm vượt qua khó khăn chính bản thân mình để các con có cuộc sống tốt đẹp, tương lai tươi sáng".

Chị Lan là tấm gương sáng về tự học. Khi theo chồng sang Đài Loan chị không biết tiếng nhà chồng nhưng chỉ sau 3 năm nỗ lực phấn đấu miệt mài học tiếng quê chồng, chị đã đọc thông, viết thạo.

Hiện tại chị Lan có cuộc sống rất hạnh phúc với 2 người con đang học đại học. Công việc chính của chị Lan hiện nay là vừa theo học chương trình cao đẳng, vừa làm việc trong bệnh viện, vừa tham gia dạy tiếng Việt cho học sinh.

"Tôi yêu thích nhất là công việc giảng dạy, sau tốt nghiệp cao đẳng, tôi sẽ tập trung vào giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ học sinh có mẹ Việt tại Đài Loan, dạy cho các em hiểu biết về văn hóa Việt Nam. Mình cố gắng học tập, nỗ lực hết mình để là tấm gương sáng cho các thế hệ thứ 2 người Việt tại đây tự tin và phấn đấu có cuộc sống vững chắc" - chị Lan tâm sự.


Chị Trần Thị Kim Lan và con gái

Chị Trần Thị Kim Lan và con gái

Còn chị Phạm Trịnh Thùy Linh, lớn lên ở miền quê đầy nắng Tây Ninh, đã tốt nghiệp trường ĐH Công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chuyên ngành hóa phân tích. Sau tốt nghiệp, Linh kết hôn cùng với người chồng Đài Loan năm 2012 và đến Đài Loan sinh sống gần 6 năm, có hai con, trai 5 tuổi và gái 3 tuổi rưỡi.

Duyên trở thành giáo viên dạy tiếng Việt đến với cô giáo Linh này rất tình cờ.

"Lúc mới đến Đài vì sinh con nhỏ nên tôi chủ yếu làm công việc nội trợ và được chồng tạo điều kiện cho đến lớp học bổ túc tiếng Hoa ban đêm. Sau bốn năm khi các con có thể vào mẫu giáo và gặp được dịp may tình cờ khi một chuyên viên sở di dân giới thiệu đến trường ĐH quốc gia Gia Nghĩa tham gia phỏng vấn ứng tuyển giáo viên tiếng Việt cho trung tâm ngoại ngữ của trường. Sau khi vượt qua vòng dạy thử và phỏng vấn của ba giáo sư giảng dạy ngoại ngữ, các giáo sư có lời khuyên “em nên theo đuổi ngành giáo dục và tìm cơ hội học tập để có thể theo con đường này một cách chuyên nghiệp” - Linh tâm sự.

Đây cũng chính là bước ngoặt đầu tiên để Linh có động lực theo đuổi nghề giáo viên tiếng Việt.


Chị Phạm Trịnh Thùy Linh

Chị Phạm Trịnh Thùy Linh

Hiện tại cô giáo Linh đang là nghiên cứu sinh thạc sĩ năm hai ngành giáo dục học trường ĐH Thủ Phủ và là giảng viên tiếng Việt của trường ĐH Khoa học kỹ thuật Mỹ Hòa, và tham gia giảng dạy tiếng Việt tại các trung tâm ngoại ngữ của các trường như ĐH Gia Nghĩa, ĐH Bình Đông. Ngoài ra, tham gia dạy thêm ở một trường tiểu học và bốn trường trung học phổ thông Vạn Năng, Gia Nghĩa, Nam Quang, Dục Đức.

Đưa học sinh về quê mẹ để trải nghiệm ngôn ngữ

Chia sẻ về phương pháp dạy tiếng Việt, cô giáo Linh cho biết, với sự hướng dẫn và động viên từ phía nhà trường trước khi bắt đầu học ngôn ngữ các em học sinh được tham gia buổi giới thiệu văn hóa, ẩm thực, kinh tế, xã hội, lịch sử, địa lí nhằm giúp các em hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Thông qua lớp học này các em nhận biết được nét đẹp văn hóa và những khác biệt trong văn hóa của mỗi quốc gia, từ đó các em biết cách trân trọng, giúp đỡ và bao dung với người di dân mới và con em của họ. Ngoài ra, Bộ giáo dục Đài Loan còn tổ chức các cuộc thi như dùng tiếng mẹ đẻ thuyết trình, kể truyện, hát để các em có cơ hội phát huy tài năng.

Hiện tại Đài Loan chỉ tính số lượng phụ nữ Việt Nam tân di dân kết hôn đến Đài là khoảng 100.000 người. Chính phủ và Bộ Giáo dục Đài Loan đang đẩy mạnh dạy ngôn ngữ thứ 2 tiếng mẹ đẻ cho các di dân tại Đài Loan.

Ông Từ Côn Vương, Hiệu trưởng Trung tâm ngôn ngữ Đông Nam Á ở Đài Bắc cho biết, việc học ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ cho học sinh Việt Nam và một số nước khác tại Đài Loan chưa phải là môn học bắt buộc mà trung tâm mở lớp theo nguyện vọng đăng ký của các em. Học sinh đi học không mất tiền. Kinh phí để trả lương cho giáo viên là do Cục giáo dục địa phương chi trả. Việc đào tạo giáo viên dạy ngôn ngữ thứ 2 cũng là do Cục giáo dục thực hiện và giới thiệu về cho các nhà trường.


Ông Từ Côn Vương, Hiệu trưởng Trung tâm ngôn ngữ Đông Nam Á ở Đài Bắc

Ông Từ Côn Vương, Hiệu trưởng Trung tâm ngôn ngữ Đông Nam Á ở Đài Bắc

Để tăng hiệu quả việc học tiếng Việt cho học sinh, các nhà trường có lớp học tiếng Việt đã khuyến khích phụ huynh tham gia cùng học sinh trong quá trình học, giúp các em có môi trường sử dụng tiếng Việt nhằm năng cao hiệu quả học tập và thắt chặt mối quan hệ gia đình.

Cô giáo Linh cho biết, hiện tại Bộ giáo dục Đài Loan đã hoàn thành bộ sách giáo khoa để giảng dạy tiếng Việt cho học sinh cấp một và hai. Giúp giải quyết vấn đề thiếu giáo trình, tài liệu tham khảo.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương rất quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho các giáo viên người Việt tham gia các lớp tập huấn để năng cao khả năng giảng dạy.

Ngoài ra, sở di dân Đài Loan cũng phát động phong trào hỗ trợ kinh phí và tạo điều kiện cho con em tân di dân cùng mẹ hoặc học sinh, phụ huynh hoặc cả giáo viên Đài Loan có cơ hội về quê ngoại trong các dịp nghỉ hè và nghỉ đông để các em có môi trường thực tế học tiếng mẹ đẻ và tìm hiểu thêm về văn hóa cùng với gia đình bên ngoại.

Hồng Hạnh

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục