Bạn đọc viết:

“Nhiều bài quá, con học không nổi”

(Dân trí) - Tôi mới nhận lời làm gia sư ôn tập cho một cô bé lớp 9. Theo lịch trình thì một tuần cháu chỉ học vào hai buổi tối cuối tuần. Gia đình cháu nhờ tôi củng cố kiến thức môn Ngữ văn để sắp tới cháu thi tuyển sinh lớp 10. Mới học được hơn hai tuần, nhưng tôi cảm thấy thật sự chán nản...

Cô bé này là “con gái rượu” một gia đình khá giả. Ba mẹ em đều bận bịu với việc buôn bán. Tuy nhiên, họ rất mực kì vọng vào con. Họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con. Mọi việc trong nhà đều có người giúp việc lo. Các con chỉ việc tập trung vào chuyện học hành.

Ngay từ nhỏ, cô bé này đã được gửi gắm vào một trường điểm có tiếng. Suốt những năm đi học, em đều có gia sư kèm cặp. Cha mẹ luôn đặt mục tiêu trước để em cố gắng phấn đấu. Những tấm giấy khen mang về sẽ là bằng chứng quan trọng cho việc học hành của em.

Suốt những năm đi học, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ba mẹ quản lí em rất chặt. Em không được đi đâu ngoài việc học. Ngay cả đi sinh nhật bạn bè, em cũng bị cấm đoán. Tất cả đều phải ưu tiên cho việc học.

Năm nay là cuối cấp 2. Chính vì vậy ba mẹ em càng quan trọng vấn đề. Cả nhà đều muốn em thi vào lớp chuyên Hóa của ngôi trường uy tín nhất của tỉnh. Để vào được đó không phải là chuyện dễ dàng. Thí sinh đăng kí thường rất đông. Tỉ lệ chọi luôn ở mức cao. Em đang rất sợ sẽ làm ba mẹ thất vọng.

Ngay khi nghỉ Tết xong, em phải "quay cuồng" với đống bài tập. Từ học thêm ở trường đến học thêm ở nhà. Ngày nào em cũng phải thức đến khuya tới 11h mới làm xong các bài tập cô giao. Chưa kể các môn kiểm tra một tiết liên tục. Chỉ cần điểm báo về thấp một chút là ba mẹ em chì chiết không tiếc lời. Em sợ và áp lực vô cùng với việc học hành của mình.

Thực ra em là một cô bé rất thông minh. Em tiếp thu bài khá tốt. Chỉ có điều em áp lực quá về điểm số. Em thường mượn tôi dò giúp văn mẫu. Tức là học thuộc văn mẫu để đạt điểm cao. Mỗi khi học em thường nhờ tôi dò giúp xem mình đã thuộc bài văn đó chưa. Rồi em đọc như thế đã được chưa. Tôi thật sự ngạc nhiên với cách học Văn của em hiện nay.

Khi tôi khuyên bảo em không nên học thuộc Văn, đặc thù môn Văn là cảm nhận và sáng tạo. Các ý tưởng phải do mình viết ra mới hay thì em nhất định không chịu. Em cứ sợ mình viết không hay bằng Văn mẫu. Rồi khi điểm số thấp, em sẽ bị trách mắng. Cái em cần nhất bây giờ phải là điểm số thật cao.

Càng nghe cô bé nói, tôi càng sợ cách học của em. Lúc nào em cũng sợ mình làm bài điểm số không cao. Rồi cha mẹ sẽ thất vọng vì em. Em bảo thèm được là chính mình, em thèm được vui chơi thoải mái như mấy bạn cùng khu phố. Em ao ước ba mẹ hiểu mình hơn. Giá như em được quyền thất bại. Mỗi lần kiểm tra em lại lo lắng đến mất ngủ vì điểm số. Chẳng biết kì thi tuyển 10 tới em có đạt được mong ước của ba mẹ không?

Hiện nay có không ít nhiều phụ huynh có tư tưởng như ba mẹ em. Họ không tiếc tiền của để đầu tư cho con học hành. Lúc nào họ cũng bắt và ép con phải học. Nhất định phải là học giỏi. Rằng chỉ học giỏi thì sau này mới có tương lai. Rồi họ lấy bao tấm gương học giỏi đã thành tài để con phấn đấu. Thành thử bọn trẻ mất hết cả tuổi thơ vì chuyện học hành.

Cuối cùng, dù không muốn tôi vẫn phải gặp ba mẹ em để trao đổi lại chuyện học hành của cô bé. Tôi mong họ đừng áp lực con quá mức về chuyện học hành. Hãy để con có thời gian nghỉ ngơi, thoải mái. Và tôi nói rõ rằng mình cũng chỉ nhận dạy lại khi con thật sự đã sẵn sàng.

Loát Trần

(Tây Ninh)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn.

Xin trân trọng cảm ơn!