Nhà tuyển dụng ngành Luật than: “Mỏi mắt” không tìm được nhân sự

(Dân trí) - Hỏi đến kiến thức thì biết sẽ “thua” vì các bạn nói không nhớ rõ lắm, đành hỏi thêm về việc tham gia các hoạt động ngoại khóa hay cách nhìn nhận vấn đề xã hội… Chỉ mong mỏi người trẻ có tinh thần, mong muốn làm nghề luật sư mà có khi cả tuần không nhận được bộ hồ sơ nào cả.

Đó là chia sẻ thực tế của một nhà tuyển dụng ngành Luật tại Hội nghị "Đối thoại, hợp tác với nhà tuyển dụng" do Khoa Luật - ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 19/4 với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và các sinh viên Khoa Luật.

Tại đây, ba bên nhà trường - sinh viên - doanh nghiệp đã đối thoại cởi mở, thẳng thắn hợp tác tìm hướng xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao ngành Luật trong bối cảnh hiện nay.

Cử nhân thiếu hụt nhiều kỹ năng thực tế

Góp mặt tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh cho biết, thực tế những nhà tuyển dụng như ông cực kì “đau đầu” vì khó tìm nhân sự ngành luật đáp ứng phù hợp nhu cầu làm nghề.

Theo đại diện này, ứng viên trẻ thường có 2 dạng: thứ nhất, các bạn có năng lực thường đòi hỏi rất cao, thậm chí "không biết" mình đang đòi hỏi gì; thứ hai, các bạn “không biết gì” thì nhiều vô kể.

Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh chia sẻ thực tế mỏi mắt không tìm được nhân sự luật làm được việc.
Ông Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh chia sẻ thực tế "mỏi mắt" không tìm được nhân sự luật làm được việc.

Hạn chế của đa phần cử nhân mới ra trường thiếu kinh nghiệm thực tế. Nhiều bạn hồ sơ có đủ các loại chứng chỉ tiếng Anh, Tin học nhưng lại không giải quyết được những công việc cơ bản liên quan đến dùng ngoại ngữ hay máy tính.

“Nhiều công văn có thể chuyển phát nhanh nhưng có những công văn phải đến tận nơi, gặp trao các cơ quan đối tác. Lúc này, chúng tôi khó khăn vô cùng khi để các trợ lý là sinh viên vừa ra trường đảm nhận. Bởi lẽ các em thiếu hụt kỹ năng giao tiếp, ứng xử chuẩn mực... Ngành Luật là ngành con người, do vậy ngay từ cách ăn mặc, nói năng không chuẩn của các bạn trẻ cũng ảnh hưởng lớn đến công ty”, ông Truyền dẫn chứng.

Nhiều năm ở vai trò người tuyển dụng, ông Truyền phải thốt lên từ “khó” khi nói về việc tìm nhân tài ngành luật.

“Hỏi kiến thức thì biết phần nhiều sẽ… thua vì các bạn đa phần không biết, không nhớ, nói rằng học lâu quên mất rồi. Nhà tuyển dụng phải hỏi thêm các câu hỏi về vấn đề trong cuộc sống hay việc tham gia các hoạt động cộng đồng để biết độ năng động của sinh viên đó. Bây giờ, chỉ mong người có tinh thần, mong muốn làm nghề luật sư mà cả tuần không nhận được bộ hồ sơ nào cả”, nhà tuyển dụng này chia sẻ.

Hội nghị Đối thoại, hợp tác với nhà tuyển dụng do Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội lần đầu tiên tổ chức với sự góp mặt của đông đảo chuyên gia, nhà tuyển dụng đầu ngành.
Hội nghị "Đối thoại, hợp tác với nhà tuyển dụng" do Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội lần đầu tiên tổ chức với sự góp mặt của đông đảo chuyên gia, nhà tuyển dụng đầu ngành.

Bà Dương Thu Hà - đại diện phía Bắc công ty Luật YKVN nhận định, chương trình đào tạo ngành luật ở Việt Nam có phần thiếu tính hệ thống và lí luận phân tích, vẫn có lỗ hổng kiến thức bởi lẽ hệ thống pháp luật thường xuyên cập nhật còn giáo trình thì chưa cập nhật kịp thời... Cử nhân ngành luật ra trường thiếu kỹ năng suy nghĩ, phân tích vấn đề ở nhiều khía cạnh do ít được va chạm thực tế. Theo nhà tuyển dụng này, cơ sở đào tạo ngành luật cần tăng cường các hội thảo, buổi học với chuyên gia luật cho sinh viên. Đồng thời, chú trọng hợp tác với các công ty và trường luật trên thế giới nhằm xây dựng mô hình đan xen lí luận và thực tiễn mang tính quốc tế.

Hợp tác là tất yếu, ai đi trước sẽ thắng…

Tiến sĩ, Luật sư Lê Đình Vinh - Giám đốc công ty Luật TNHH Vietthink khẳng định, để giải bài toán cử nhân luật thiếu kinh nghiệm thực tế thì giải pháp hợp tác giữa các cơ sở đào tạo với doanh nghiệp/công ty là tất yếu. Cơ sở đào tạo nào đi trước, đón đầu sẽ cho “ra lò” những cử nhân luật chất lượng.

Qua thực tế tiếp nhận sinh viên, cử nhân ngành luật vào thực tập/ làm việc, ông Vinh đánh giá: “Đa phần các bạn chưa vượt qua được khuôn khổ lí thuyết sách vở, khi bắt tay làm việc thực tiễn thường bỡ ngỡ, bối rối”. Do đó, việc hợp tác đồng bộ, tích cực giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sinh viên luật tiếp cần những người làm nghề thực tiễn thông qua các chương trình học tập, thực tập sinh.

“Muốn sinh viên có được kỹ năng thì phương pháp giảng dạy phải thay đổi. Đặc biệt, chương trình đào tạo phải đổi mới, tính đến giảm bớt các môn học lí thuyết, có thêm các môn kỹ năng. Và không gì tốt hơn là sinh viên tự lăn xả vào thực tiễn. Em nào muốn theo tư vấn thì đến công ty luật chuyên về tư vấn, em nào muốn làm tranh tụng thì phải thường xuyên đến tòa án để học hỏi”, ông Vinh nhắn nhủ.

Nhà tuyển dụng ngành Luật than: “Mỏi mắt” không tìm được nhân sự - 3

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hưng Quang, Luật sư Văn phòng Luật sư Nguyễn Quang Hưng và đồng sự gợi ý, nhà trường và các công ty luật nên quan tâm xin các dự án nghiên cứu được tài trợ mang tính quốc tế, cho sinh viên tham gia vào các dự án đó. Việc này không chỉ giúp sinh viên tìm hiểu môi trường pháp luật Việt Nam mà cả môi trường, tình huống pháp luật quốc tế.

Ông Nguyễn Văn Mạnh - Vụ Pháp Luật (Văn phòng Chính phủ) cho rằng, khoảng cách giữa đào tạo và thực tế chắc hẳn thời nào cũng có, ngành nghề nào cũng có. Điều quan tâm nhất là làm sao thu hẹp và rút ngắn thời gian phải đào tạo lại. Theo ông Mạnh, có thời kỳ chúng ta đưa sinh viên đi thực tập chỉ để… cho vui, sau này thấy không hiệu quả lại cắt luôn.

“Cần là làm cho chương trình thực tập đổi mới, thiết thực. Sinh viên được trau rèn kỹ năng nghề nghiệp thực tiễn để chuẩn bị hành trang khi bước vào thị trường lao động tốt nhất. Nhân sự ngành luật có kỹ năng tốt, chuyên môn tốt phải được hưởng mức lương, đãi ngộ cao và ngược lại”, ông Mạnh góp ý.

Nhà tuyển dụng và sinh viên đối thoại tại hội nghị.
Nhà tuyển dụng và sinh viên đối thoại tại hội nghị.

Ông Nguyễn Thế Truyền nhấn mạnh, muốn sinh viên là những nhân lực chất lượng khi bước ra thị trường lao động thì phải có môi trường thực hành rõ ràng cho các em từ năm nhất... Việc bồi đắp kỹ năng chuyên môn cần có những CLB chuyên sâu mô phỏng thực tế làm nghề (luật sư trẻ, công tố viên. thẩm phán....). Đặc biệt quan trọng, nhà trường phải tăng thời lượng thỉnh giảng.

“Việc mời các luật sư, chuyên gia trong ngành giảng dạy giúp sinh viên có cái nhìn sâu sắc về nghề, kinh nghiệm làm nghề. Để có đội ngũ thỉnh giảng hùng hậu, các trường nên tận dụng ban liên lạc cựu sinh viên của trường vì đây là những người có tâm huyết truyền giảng cho các hậu bối”, ông Truyền đề xuất.

Nhà tuyển dụng tham gia xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo

Trước sự đối thoại cởi mở, thắng thắn và góp ý chân thành từ các nhà tuyển dụng, đại diện các cơ quan nhà nước, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh - Chủ nhiệm Khoa Luật - ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh: Các chương trình đào tạo cử nhân luật, chương trình đào tạo thạc sĩ định hướng ứng dụng và các chương trình khác đều đang dành sự quan tâm lớn cho những kiến thức, kỹ năng thực tiễn và dành nhiều thời lượng hơn cho những khóa kiến tập, thực tập… Tuy nhiên, thực tế, trong những năm qua, Khoa và sinh viên, học viên Khoa Luật dù đã rất cố gắng, nhưng kết quả nhận lại nhiều khi chưa được như kỳ vọng.

Với 42 năm hình thành và phát triển, Khoa Luật có chuyên gia rất mạnh, đầu đàn về khoa học pháp lý, có tính hàn lâm, học thuật rất cao. Tuy nhiên, để đào tạo ra các cử nhân đáp ứng ngay nhu cầu xã hội, khoa rất cần sự hợp tác, hoàn thiện từ phía xã hội - những nhà tuyển dụng.

PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, cơ sở đào tạo cần có sự tham gia nhiều hơn, tích cực hơn của xã hội, của nhà tuyển dụng trong xây dựng, chỉnh sửa và thực hiện chương trình đào tạo.
PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh – Chủ nhiệm Khoa Luật – ĐHQG Hà Nội nhấn mạnh, cơ sở đào tạo cần có sự tham gia nhiều hơn, tích cực hơn của xã hội, của nhà tuyển dụng trong xây dựng, chỉnh sửa và thực hiện chương trình đào tạo.

“Chúng tôi được biết, nhiều nhà tuyển dụng than phiền về việc sinh viên thừa chất hàn lâm, nhưng thiếu đi những kiến thức, kỹ năng thực tiễn của nghề luật. Đó cũng là một lý do mà Khoa mong muốn có hội nghị hôm nay để phần nào tìm ra giải pháp thu hẹp khoảng cách và gắn kết tốt hơn tri thức hàn lâm và thực tiễn của sản phẩm đào tạo. Ở điểm này, chúng tôi rất cảm ơn và lắng nghe ý kiến, những gợi ý hợp tác của các nhà tuyển dụng để có thể làm hiệu quả hơn, chất lượng hơn sản phẩm của mình”.

Không chỉ dừng lại ở hoạt động kiến tập, thực tập, xu hướng tự chủ đại học hiện là xu hướng không thể đảo ngược hiện nay ở nước ta. Để thực hiện thành công tự chủ đại học, các đơn vị, cơ sở đào tạo cần có sự tham gia nhiều hơn, tích cực hơn của xã hội, của nhà tuyển dụng trong xây dựng, chỉnh sửa và thực hiện chương trình đào tạo.

“Không gian hợp tác trong lĩnh vực tự chủ đại học ngày càng mở rộng. Các công ty luật, văn phòng luật, các doanh nghiệp… có thể tham gia sâu rộng hơn vào các hoạt động nghiên cứu, hợp tác xuất bản, truyền thông… để hiện thực hóa sự kết hợp hài hòa giữa kiến thức hàn lâm và kiến thức thực tiễn qua đó góp phần gia tăng chất lượng sản phẩm đào tạo luật hiện nay ở nước ta”, PGS.TS. Nguyễn Thị Quế Anh bày tỏ.

Lệ Thu