Nhà trẻ tự phát tại các khu công nghiệp: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Không ít trường hợp trẻ bị bạo hành, tai nạn thương tích, thậm chí tử vong ngay tại những điểm giữ trẻ tự phát tại các khu công nghiệp.

Từ nhiều năm nay, hàng vạn người lao động trong các khu công nghiệp, chế xuất ở thành phố Đà Nẵng vẫn loay hoay với câu chuyện đưa con vào nhà trẻ. Thu nhập thấp, họ đành gửi con vào những nhóm trẻ gia đình mà lòng đầy lo lắng, bất an. Bởi đã có không ít trường hợp trẻ bị bạo hành, tai nạn thương tích, thậm chí tử vong ngay tại những điểm giữ trẻ tự phát này.

Sau gần 3 tháng được phẫu thuật, điều trị chấn thương sọ não hiện sức khỏe của cháu LCC, 16 tháng tuổi trú tại tổ 16C, khu đô thị Phước Lý, phường Hòa An, quận Liên Chiểu vẫn chưa ổn định. Điều mà gia đình lo lắng là với di chứng hiện nay cuộc đời của cháu sau này sẽ ra sao?

Hàng loạt nhà trẻ tư nhân mọc lên xung quanh KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). (Ảnh: Lao động)
Hàng loạt nhà trẻ tư nhân mọc lên xung quanh KCN Hòa Khánh (Đà Nẵng). (Ảnh: Lao động)

Trước đó, để thuận tiện công việc làm ăn, ba mẹ C đã gửi cháu tại nhà trẻ tự phát của bà Nguyễn Thị Vững ở phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, học phí mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Lúc đó, ngoài cháu C, bà Vững chỉ trông thêm 1 trẻ nữa nên ba mẹ cháu C nghĩ cũng khá yên tâm.

Vậy mà mới gửi cháu được hơn 5 tháng đã xảy ra việc cháu bị ngã hôn mê bất tỉnh khi đang ở nhà trẻ. Ba mẹ cháu C cảm thấy bức xúc, vì đến tận bây giờ cũng không biết cháu bị ngã hay bị bạo hành dẫn đến chấn thương sọ não.

Chị Lê Thị Duyên Huyền làm việc tại khu công nghiệp Hòa Khánh có con nhỏ 8 tháng tuổi, không xin vào được nhà trẻ công lập đành phải gửi nhà trẻ gia đình tự phát. Và điều mà chị lo lắng đã xảy ra chỉ sau 1 tháng gửi con tại điểm giữ trẻ tự phát ở đường Âu Cơ, phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu.

Chị Huyền kể: Khi đi làm về, qua đón con tại điểm giữ trẻ này thì thấy mặt con mình bị sưng, bầm tím, về nhà bỏ bú, bỏ chơi và liên tục giật mình. Lo sợ, vợ chồng chị Huyền đưa con đến Bệnh viện Phụ Sản Nhi cấp cứu, đồng thời trình báo sự việc lên chính quyền địa phương.

Tại điểm giữ trẻ tự phát của bà Nguyễn Thị Thái ở tổ 21B, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ cũng xảy ra trường hợp bé trai 16 tháng tuổi tử vong do người giữ trẻ bất cẩn. Hậu quả này gieo rắc nỗi ám ảnh đối với nhiều công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Tây cho biết, trên địa bàn phường hiện có 1 trường mầm non và 12 nhóm trẻ gia đình được cấp phép hoạt động. Trong khi đó nơi đây tập trung nhiều khu, cụm công nghiệp với khoảng 100 doanh nghiệp hoạt động có hơn 15.000 lao động, đa phần công nhân nơi khác đến làm việc và thuê nhà ở.

Nhu cầu gửi trẻ trong công nhân lao động rất lớn nhưng trường mầm non không nhiều và theo quy định chỉ giữ trẻ trên 18 tháng tuổi, buộc người lao động phải tìm đến những nhóm trẻ gia đình.

Thành phố Đà Nẵng hiện có 6 khu công nghiệp với hơn 70.000 công nhân, trong đó 60% là lao động nữ, đa số trong độ tuổi sinh đẻ. Nhu cầu gửi trẻ của công nhân lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất rất lớn, trong khi nhà trẻ công lập lại quá ít.

Nhà trẻ công lập không nhiều, trường tư thục học phí quá cao, buộc những ông bố, bà mẹ đang làm việc tại các khu công nghiệp phải tìm đến những nhà trẻ tự phát. Gửi con trẻ vào đây nhưng họ ngày đêm thấp thỏm âu lo tai nạn, rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Liên Chiểu cho biết, quận chỉ có 8 trường mầm non công lập; 30 trường mầm non tư thục, trong khi đó nhóm trẻ độc lập là hơn 200 nhóm. Theo bà Lữ Thị Kim Hoa, một số nhóm lớp mang tính chất nhỏ lẻ, gia đình nằm đan xen trong khu dân cư, giáo viên dạy không có chuyên môn, rất khó quản lý.

Nhu cầu gửi trẻ tại các khu, cụm công nghiệp ngày càng tăng nhanh. Trong khi đó, các trường mầm non công lập, tư thụ quá ít, lại khống chế về độ tuổi, thời gian giữ trẻ, nên việc đưa con đến các điểm giữ trẻ tự phát là sự lựa chọn của nhiều người lao động thu nhập thấp. Vì vậy, vấn đề quản lý, kiểm soát những nhóm trẻ tự phát cần được chính quyền và ngành chức năng thường xuyên quan tâm.

Một tin vui đối với công nhân lao động tại các khu công nghiệp, chế xuất là tháng 11 này, Trung tâm chăm sóc và giáo dục mầm non One-sky do tổ chức Half the sky Foundation (Hoa Kỳ) tài trợ xây dựng tại phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng với tổng kinh 3,6 triệu USD sẽ đi vào hoạt động.

Trung tâm này đón nhận trẻ dưới 12 tháng tuổi là con em công nhân lao động tại các khu công nghiệp chế xuất, hoàn cảnh khó khăn.

Theo Minh Hoa

VOV