Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh:

Nhà khoa học Việt Nam góp phần thay đổi thế giới

(Dân trí) - Gần 20 năm làm khoa học trong khó khăn và cô độc, thành quả mà Tiến sĩ Nguyễn Hữu Ninh gặt hái được là những bằng chứng thuyết phục góp phần vào công cuộc thay đổi nhận thức của cả thế giới.

Minh chứng chấm dứt sự tranh cãi của loài người

Là một trong số hơn hai ngàn nhà khoa học danh tiếng trên thế giới vừa được xướng danh trong buổi phát giải Nobel Hòa bình sau khi công bố cuốn sách dày ba ngàn trang về biến đổi khí hậu, cầm trong tay phần thưởng danh giá này, tiến sĩ nghĩ đến điều gì đầu tiên?

Đó là niềm vinh dự và mơ ước của bất cứ nhà nghiên cứu khoa học nào. Tôi cũng không nằm ngoại lệ trong số đó.

Ý nghĩ đầu tiên chạy qua đầu tôi khi cầm trong tay giải thưởng là cả thế giới sẽ kết thúc những tranh cãi đã kéo dài mấy chục năm nay khi nói về nguyên nhân cơ bản gây ra sự biến đổi của khí hậu. Đúng vậy, tại Bali- nơi diễn ra hội nghị về biến đổi khí hậu lớn nhất từ trước tới nay, khi nhóm nhà khoa học chúng tôi đặt lên bàn của tổ chức Liên hợp quốc những tài liệu khẳng định, con người chính là nguyên nhân cơ bản (chiếm 90%, thiên nhiên chỉ đóng vai trò trong 10%) gây ra những biến đổi khí hậu nhanh chóng và đột ngột như hiện nay. Kể từ đây, con người phải khắc phục những hậu quả do chính mình gây ra chứ không còn được đổ lỗi cho thiên nhiên nữa.

Nghĩa là sự nóng lên của trái đất, tình trạng sa mạc hóa đất trồng trọt, nước biển tiếp tục dâng cao và thiên tai sẽ xảy ra ngày càng nhiều hơn chính là hệ lụy mà loài người phải gánh chịu do chặt phá rừng, phá núi, khai thác dầu mỏ…?

Đúng vậy. Theo nghiên cứu về khí hậu trên toàn thế giới của nhóm nhà khoa học chúng tôi, cho đến thời điểm này, nếu chúng ta có ngừng thải khí CO2 và khí nhà kính thì trong vòng 30 năm nữa những tích lũy sẵn có vẫn làm trái đất tiếp tục nóng lên trong khoảng từ 1,1 - 6,4 độ C, nước biển vẫn dâng thêm khoảng 30%. Trong khi đó, hiện nay hầu như chúng ta chưa thống nhất được vấn đề cắt giảm khí nhà kính. Nghĩa là nếu cứ giữ tình trạng thải khí nhà kính nhiều như hiện nay, chúng ta sẽ bị nóng lên và mất đất liền do nước biển sẽ càng dâng nhanh nữa.

Khá nhiều cảnh báo từ cộng đồng quốc tế cũng đã phát đi: Việt Namsẽ là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khi nước biển dâng. Là người hiểu rõ hơn ai hết về vấn đề này, xin ông đưa ra đánh giá chính xác nhất có thể về hiện tại và tương lai trong vấn đề thay đổi khí hậu ở Việt Nam? Những biến đổi tiêu cực này là do ảnh hưởng sự nóng lên trên toàn cầu hay do chúng ta tàn phá thiên nhiên nhiều hơn các quốc gia khác?

Thực sự là chúng ta đang và sẽ phải hứng chịu nhiều nguy cơ do biến đổi khí hậu do sự tăng nhiệt chung trên toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam có thể hạn chế được nhiều hơn về thiệt hại do thiên nhiên gây ra nếu còn nhiều rừng nguyên sinh như trước đây. Đây là một trong những hệ thống sinh thái đóng vai trò như một lá phổi hút C02 và giải phóng oxy, chống lại sự rửa trôi đất và giữ nước. Chính vì vậy, những cánh rừng nguyên sinh có tác dụng giảm nhẹ sức tàn phá của những cơn bão lũ, đặc biệt là lũ quét. Rất tiếc là hiện nay rừng ở nước ta đã bị tàn phá rất nhiều.

Nếu năm 1909, rừng đạt 75% độ phủ thì đến năm 1945 chỉ còn 40-43%. Mật độ bao phủ tiếp tục bị tàn phá nghiêm trọng đến mức nay chỉ còn trên 30%. Để khắc phục, nhà nước chủ trương tiến hành trồng lại.

Tuy vậy, đó mới là rừng thứ cấp, chưa có nhiều gốc rễ và chưa đủ độ lớn để che chắn bão táp cũng như ngăn chặn nước lũ từ thượng nguồn đổ về. Rừng cần thời gian để lớn còn thiên tai thì không chờ điều gì cả. Ai cũng nhìn thấy sự thay đổi về thiên nhiên một cách rõ ràng qua những cơn bão lũ hồi cuối năm 2007. Trong năm vừa qua, tổng thiệt hại do thiên tai, gây ra trên toàn quốc ước tính lên tới 11.600 tỷ đồng!

Có một thực tế là hiện nay chúng ta đang phát triển theo hướng công nghiệp và đô thị hóa. Tuy nhiên, đi kèm với nó sẽ là khói thải từ nhà máy của các khu công nghiệp và bụi thải ra từ các đô thị mới phát triển. Điều này có vẻ đi ngược lại với những tiêu chí nhằm làm giảm ô nhiễm môi trường?

16 giờ ngày 12/10/2007, giải Nobel Hòa bình đã được trao cho Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (IPCC) và cựu phó Tổng thống Mỹ Albert Anold Gore Jr vì những nỗ lực của họ trong việc tập hợp và tuyên truyền những kiến thức về biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Đây là báo cáo lần thứ tư về biến đổi khí hậu mang tính chất đồng nhất trên thế giới có độ chính xác và nhất trí hoàn toàn với kết luận rằng nguyên nhân của hiện tượng biến đổi khí hậu do con người gây ra chiếm 90%, do tự nhiên gây ra chiếm 10%. Ba ngàn trang báo cáo của các nhà khoa học thuộc IPCC đặt lên bàn của LHQ đã đưa ra bức tranh đột phá đối với nhân loại.

Trong số các nhà khoa học được xướng tên trong giải thưởng danh giá và uy tín nhất thế giới này có TS Nguyễn Hữu Ninh. Ông là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên có được vinh dự này.

Phải nhìn nhận thẳng thắn rằng chúng ta có một xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa cao nên gặp khá nhiều vướng mắc trong quá trình phát triển. Hiện nay, tại các đô thị lớn đang phải đối phó với tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do lưu lượng người sống và tham gia giao thông quá đông; tình trạng nước thải làm ô nhiễm hầu hết các dòng sông, làm thay đổi thảm thực vật và biến đổi hệ sinh thái…

Dù có nhận thức được vấn đề, nhưng Chính phủ hiện lại có nhiều vấn đề cần phát triển ngay nên không có tiền để dàn trải và cũng không đủ nhân lực để nghiên cứu cũng như ứng dụng tiến bộ khoa học vào cải tạo môi trường.

Chính vì vậy, tốt nhất chúng ta hãy kêu gọi sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Trên thực tế, vấn đề môi trường không của riêng quốc gia nào cả. Chúng ta "yếu" thì nhờ bạn bè "khỏe" giúp đỡ. Tuy nhiên, hơn ai hết, chính chúng ta phải tự bảo vệ lấy môi trường của mình bằng cách tìm kiếm những thiết bị công nghiệp hiện đại, chứ đừng ham rẻ nhập về những thiết bị lạc hậu, cổ lỗ.

Lợi thế của Việt Nam là vùng miền nào cũng có danh lam thắng cảnh kỳ thú - điều kiện cốt yếu để phát triển ngành du lịch hay còn gọi là công nghiệp không khói. Nếu chúng ta phát triển mảng này thì không những đảm bảo về môi trường mà còn thu được lợi nhuận khổng lồ.

Tôi chịu ơn nhiều người phụ nữ!

Quay trở lại công trình nghiên cứu khoa học được giải Nobel có sự tham gia của tiến sĩ. Tôi rất tò mò muốn biết số tiền mà mỗi cá nhân nhận được?

Trước hết cần giải thích rõ, đây là một báo cáo tổng hợp có tính chất toàn cầu với sự đóng góp của hàng nghìn nhà khoa học trong hàng chục năm ròng rã. Riêng báo cáo thứ tư này gồm hai quyển, với ba ngàn trang trao cho sáu, bảy trăm tác giả. Ngoài ra, trong hai mươi năm qua còn có sự đóng góp của gần hai nghìn nhà khoa học.

Chính vì vậy, với số tiền thưởng là 1,5 triệu USD vừa nhận được, chúng tôi sẽ bàn bạc để tiếp tục đầu tư cho khoa học.

Có thể nói, tiến sĩ đã đạt được đến vinh quang trong sự nghiệp của mình. Bí quyết gì giúp ông thành công đến vậy, đó có phải là sự may mắn?

Tôi không phủ nhận mình may mắn gặp được những cơ hội tốt để phát triển nghề nghiệp. Tuy nhiên, để có sự may mắn đó, tôi phải nỗ lực trong suốt hơn hai mươi năm và đấu tranh rất nhiều với chính bản thân mình. Năm 1986, khi tôi đi học ở Hungary trở về và bắt đầu nghiên cứu về biến đổi khí hậu, rất nhiều bạn bè đã tỏ ra ái ngại và khuyên tôi không nên nghiên cứu một vấn đề lạc lõng đến vậy.

Tuy nhiên, tôi vẫn quyết tâm đi theo con đường đã chọn. Đương nhiên là tôi phải tự mày mò liên hệ để làm việc. Ngày ấy công việc đòi hỏi phải có nhiều tài liệu nên tôi tìm cách ra nước ngoài tham gia vào các hội nghị liên quan đến vấn đề này.

Lúc ấy, đi nước ngoài không đơn giản như bây giờ, mỗi chuyến đi là một hành trình chuẩn bị gian khổ về cả thủ tục lẫn kinh phí. Đã có lúc, khó khăn dường như không thể vượt qua thì tôi lại gặp được những phụ nữ rất tốt. Họ động viên tôi cả về tinh thần lẫn giúp tôi giải quyết khó khăn trong công việc. Từng khó khăn trôi qua, tôi từng bước khẳng định được uy tín của mình và được IPCC (Ủy ban liên chính phủ về thay đổi khí hậu của Liên hiệp quốc - PV) mời tham gia nghiên cứu. Và kết quả thì hẳn mọi người đã biết.

Nghĩa là đằng sau thành công của ông có bóng dáng của… nhiều người phụ nữ?

Đúng vậy, may mắn thay, trong những lúc bế tắc, tôi đã gặp những phụ nữ nhân hậu nhưng cũng rất mạnh mẽ. Quên sao được cô bạn gái Hungary đã giúp tôi từ khi còn là anh chàng nghiên cứu sinh ngây ngô. Rồi một người phụ nữ ở Thái Lan đã nhiệt tình giúp tôi xuất cảnh lúc khó khăn. Và tôi biết ơn nhất là người vợ chịu thương chịu khó bao năm, vun vén gia đình ấm êm để tôi yên tâm làm việc.

Đã đi qua một chặng đường không ngắn cả về cuộc sống lẫn công việc, ông muốn gửi lời nhắn nhủ gì dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nammuốn có được thành công?

Tôi rất thích một câu nói của Bill Gaste "Đừng đợi người khác trông đợi gì ở mình mà hãy tự chứng minh mình là ai". Thế hệ nhà khoa học trẻ ngày nay đã có nhiều thuận lợi hơn xưa rất nhiều trong việc hòa nhập với thế giới và tìm kiếm thành công. Thế giới đã biết đến sự phát triển khoa học ở Việt Nam.

Ngược lại, chúng ta cũng đã có đầu tư đáng kể về công nghệ. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà khoa học trẻ Việt Nam và nhận thấy họ rất nhanh nhẹn và thông minh trong những vấn đề mới và có nhiều cơ hội để tiến xa trên con đường khoa học của mình. Vấn đề ở chỗ hoài bão và lý tưởng của bạn đến thế nào. Bạn có vượt qua những cám dỗ bên ngoài để tập trung nghiên cứu khoa học hay không? Bản thân tôi đã phải vượt qua nhiều cái mình thích, kể cả những cơ hội kiếm nhiều tiền, địa vị và tình cảm cá nhân!

Xin cảm ơn ông!

P. Thanh