Nhà giáo “phủ sóng” tin học cho huyện lúa

(Dân trí) - Từ một người làm nghề thú y, Phan Chí Hiếu ở xóm Hoa Thám, xã Hoa Thành, Yên Thành, Nghệ An trở thành người đầu tiên đem tin học về phổ cập cho huyện lúa Yên Thành. Anh còn là chủ nhân của website Yenthanh.net rất hữu ích cho người dân quê.

Hiện nay, Phan Chí Hiếu vừa là giáo viên vừa là giám đốc Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin H&T.

Chặng đường gian khó

Học xong lớp 12, Hiếu muốn học tiếp lên đại học nhưng gia cảnh khó khăn khiến anh chỉ dám đi học trung cấp. Tốt nghiệp trung cấp thú y năm 1992, không xin được việc, Phan Chí Hiếu trở về nhà tự hành nghề. Người dân mấy xã Đông Yên Thành ngày ấy đều biết đến anh chàng nhỏ con, hiền lành và rất nhiệt tình trong công việc.

Kể cả 12 giờ đêm hay 2 giờ sáng, hễ có người gọi, anh Hiếu vẫn có mặt để chữa trị gia súc cho bà con nông dân. Những năm tháng đó, bố mẹ đau ốm suốt, một mình Hiếu phải lăn lộn, bươn chải làm đủ thứ nghề kiếm tiền để nuôi hai em ăn học và thuốc thang cho bố mẹ. Tuy quăng quật, vất vả nhưng ước mơ vào giảng đường đại học luôn nung nấu trong anh.

Thế là Hiếu luôn mang sách trong hộp đồ nghề để học những lúc rỗi. Nhiều lần, Hiếu đang đi trên đường mà trong đầu vẫn hiện lên những công thức toán khiến anh quên cả lối về. Hiếu hành nghề được 3 năm, bố mẹ sức khoẻ cũng ổn định hơn, anh xin bố mẹ cho dự thi đại học.

Năm 1995, Hiếu thi đỗ vào khoa Toán tin trường Đại học Vinh. Suốt 4 năm học đại học, Hiếu bươn chải đủ nghề, từ phụ hồ, hoạn lợn, gia sư... Nhiều lần đói quá, Hiếu định bỏ học nhưng rồi lại nghĩ lại. Anh rút ra một điều rằng “phải đi tìm việc, phải tư duy thì mới sống chứ ngồi một chỗ thì chết”. Rồi 4 năm đại học cũng qua, chàng trai hoạn lợn thuở nào đã trở thành cử nhân tin học.

“Phủ sóng” tin học

Hiếu về quê xin giảng dạy ở trường THCS Bạch Liêu. Lúc bấy giờ, trong cả huyện Yên Thành, số người biết về tin học chỉ đếm trên đầu ngón tay. “Xã hội càng phát triển thì tin học càng cần thiết” - nắm bắt dược điều này, Hiếu “bạo tay” vay vốn ngân hàng mua 5 máy vi tính, thuê ki ốt mở trung tâm đào tạo tin học. Thuở ban đầu lạ lẫm, không có ai đến học, Hiếu liền soạn tờ rơi nói về ý nghĩa và tầm quan trọng của tin học dán khắp nơi. Và trung tâm đào tạo tin học đã có những học viên đầu tiên. Càng ngày học viên càng đông, Hiếu phải thuê thêm giáo viên.

Năm 2003, Hiếu chính thức thành lập Trung tâm ứng dụng công nghệ thông tin H&T do anh làm giám đốc, đào tạo tin học kết hợp với sữa chữa và mua bán máy tính. Trung tâm của Hiếu cơ bản đã phổ cập tin học cho các trường học, các cơ quan ban ngành từ xã đến huyện. Đặc biệt, trung tâm hoàn toàn miễn học phí cho những học viên con em gia đình chính sách hoặc có hoàn cảnh khó khăn.

“Mình cũng có những năm tháng cơ hàn nên mình rất muốn chia sẻ với những học viên nghèo”, Hiếu tâm sự. Được biết nhiều lần anh đã trao giải thưởng 1 triệu đồng cho những thí sinh thi đỗ thủ khoa hoặc á khoa một trường nào đó.

Lập trang web cho quê hương

Thầy giáo Phan Chí Hiếu cũng chính là tác giả của trang web Yen thanh.net. Với trang web này, anh Hiếu muốn cung cấp khoa học kĩ thuật cho bà con nông dân, giới thiệu những gương sáng về khuyến học. Đồng thời, trang web cập nhật những thông tin về huyện Yên Thành để cho những người con xa quê hương vẫn biết được tin tức quê nhà.

Nhiều người xa quê qua trang web đã giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và ủng hộ quê hương trên nhiều lĩnh vực. Anh Hiếu cho biết trang web Yenthanh.net như là một tờ báo điện tử thu nhỏ, được các nhà báo, kỹ sư nông nghiệp, các cộng tác viên trong và ngoài huyện cộng tác rất tích cực.

“Trang web yenthanh.net đã khái quátđược lịch sử, thiên nhiên và con người quê lúa Yên Thành trong quá khứ và hiện tại. Trang web rất có ý nghĩa cho người nông dân về kĩ thuật chăn nuôi và trồng trọt, cổ vũ động viên kịp thời những gương sáng trong lao động và học tập, nối nhịp cầu nhân ái đến với cộng đồng. Và đặc biệt là quảng bá cho quê hương Yên Thành trên mọi lĩnh vực.” - Đó là nhận xét của nhà báo Văn Trường, báo Nghệ An về trang web cho quê hương do nhà giáo Phan Chí Hiếu lập nên.

Sắp tới, anh Hiếu còn dự định mở phòng truy cập Internet miễn phí và xây dựng một phòng mạng lưu động để đào tạo cho bà con nông dân.

Hiếu ngồi nói chuyện với chúng tôi nhưng điện thoại khách hàng réo liên tục. Chúng tôi đành chia tay để anh trở lại với công việc. Và chúc cho anh sớm xây dựng được phòng mạng lưu động để đem “ánh sáng” Internet về cho bà con nông dân.

Tiến Dũng