Nguyện vọng 2: Nhà “tạm trú” của thí sinh điểm cao

(Dân trí) - Những tưởng những thí sinh có điểm thi cao mà chưa đỗ NV1 sẽ “ngon ăn” ở NV2. Nhưng thật ra, không nhiều thí sinh thuộc top này hào hứng với NV2. Có chăng nhiều thí sinh xem đó là chỗ “nghỉ chân” tạm thời trong một năm…

Bấp bênh những “thủ khoa” NV2

Những thí sinh có điểm thi cao 8 điểm/môn, thậm chí hơn 9 điểm/môn mà vẫn trượt vào ĐH Ngoại thương, ĐH Y Hà Nội… họ trở thành thủ khoa của NV2. Với mức điểm của mình, họ “nộp đâu đỗ đấy” nhưng vấn đề ở chỗ chẳng tìm đâu ra được trường ở NV2 để có thể “toàn tâm toàn ý”.

Bởi, hàng năm, Bộ GD-ĐT luôn khuyến khích các trường khi đưa ra điểm chuẩn NV1 sẽ dành khoảng 15-20% chỉ tiêu cho NV2. Nhưng, thực tế nhiều trường “chấm” điểm NV1 để lấy đủ chỉ tiêu, bỏ qua NV2. Chỉ tiêu NV2 hầu hết chỉ rơi vào các trường top giữa, top dưới.

Trọng Hưng, thí sinh trượt NV1 vào ĐH Ngoại thương với 23 điểm đang băn khoăn khi em định nộp hồ sơ NV2 vào ngành Công nghệ cơ điện tử của ĐH Công nghệ Hà Nội nhưng vẫn sợ… trượt. Nếu đỗ NV2 vào trường Công nghệ, Hưng sẽ không thi lại.

Cậu lo lắng: “Mức điểm nhận hồ sơ của ngành này chỉ 21 nhưng chỉ với 32 chỉ tiêu chắc chắn sẽ rất nhiều bạn “thủ khoa” 24,5 điểm vẫn đang trượt sẽ chen chân vào đây. Nếu điểm thi thấp hơn, em sẽ không phải chới với thế này. Em lo trượt lắm, nhưng phải nhắm mắt liều một phen, nếu không chỉ có nước học trường top cuối hoặc dân lập thì sang năm sẽ mất công thi lại”.

Lo lắng của Hưng cũng có cơ sở khi mà trường ĐH Công nghệ được xem là trường “ngon” nhất ở miền Bắc còn dành chỉ tiêu cho NV2, chắc chắn sẽ nhiều thí sinh điểm cao “đấu đá” nhau tại đây.

Lọt sàng “ép tạm” xuống nia

Các thí sinh điểm cao vẫn trượt NV1 rơi vào cảnh “cao không tới mà thấp thì chẳng ưa”. Nhưng để không “lỡ làng”, nhiều người vẫn chấp nhận vào tạm một trường top dưới nào đó để chuẩn bị cho “bước nhảy” vào năm sau. Chứ rất hiếm thí sinh có học lực khá, thậm chí giỏi chấp nhận “yên vị” bằng con đường NV2, vì như thế đã không được học trường, ngành nghề mà mình đam mê, yêu thích.

Trượt HV Ngân hàng với 22,5 điểm, Hải, một thí sinh ở Thanh Hóa chấp nhận nộp NV2 vào HV Mật mã có chỉ tiêu cho NV2 với mức điểm nhận hồ sơ là 17. Nhưng Hải đã xác định ngay từ đầu: “Nhiều khả năng em sẽ trúng tuyển vào HV Mật mã nhưng trúng hay không thì sang năm em cũng sẽ thi lại. Em chỉ học tạm thôi vì ngành học em thích là tài chính”.

Hải chia sẻ: “Nếu ở NV2 mà còn tìm được trường, ngành học phù hợp với khả năng, sở thích thì chúng em mới tính chuyện lâu dài. Đằng này, thích một đằng phải học một nẻo nên chỉ là “học gửi” thôi”.

Cũng chính vì lý do “học tạm” nên các trường cũng chẳng thiết tha gì với NV2. Các trường vẫn tìm mọi cách “vét” bằng NV1 vì đây mới là số sinh viên “thực” của trường, còn tuyển NV2 thì năm sau cũng “rơi rụng” dần khiến việc đào tạo của nhiều trường gặp không ít khó khăn.

Dù điểm chuẩn vào các trường top dưới, dân lập thấp, thường chỉ ngang sàn nhưng trường vẫn không “nhích” điểm chuẩn lên để tăng số lượng cho NV2. Lý giải về điều này, một thành viên trong ban tuyển sinh của ĐH DL Phương đông cho biết: “Trước hết trường phải ưu tiên các em dự thi vào trường mình, vì các em có nguyện vọng học tại trường và xác định về mức học phí. Còn tuyển bằng NV2 tuy chất lượng đầu vào cao hơn nhưng không đảm bảo về lâu dài. Có học rồi các em cũng bỏ như thế sẽ rất khó cho trường”.

Thi ba chung, xét tuyển bằng NV2, 3 ở góc độ nào đó đã “giết chết” sở thích ngành nghề của bạn trẻ. Thí sinh điểm cao mà chưa đỗ bằng NV1 phải chấp nhận học ở các trường, ngành mình không yêu thích. Còn các trường dành tỷ lệ cho NV2 sẽ phải “nhích” điểm chuẩn NV1, tức là đã loại nhiều thí sinh thực sự yêu thích học tại trường. Số thí sinh này lại đi tìm NV2 ở những ngành, trường mình không thích… Như thế, sẽ kéo theo cả đường đi bị lệch. Việc các trường nói “ngại” với NV2 cũng là điều có thể thông cảm vì ít nhất, cũng giải quyết được cho nhiều thí sinh được học đúng ngành theo sở thích.

Hoài Nam