Nguyện vọng 2: “Ngõ hẹp” cho thí sinh khối B

(Dân trí) - 1 “chọi” 54 là tỷ lệ chọi của các thí sinh khối B có điểm trên sàn sẽ bước vào “cuộc đua” NV2. Cũng chỉ ở khối B mới có chuyện thí sinh đạt 28 điểm vẫn trượt NV1. Vậy nhưng, con đường vào NV2 của họ quá bấp bênh…

Cuộc chiến 1 “chọi” 54

Mùa tuyển sinh năm nay, có đến gần 120.000 thí sinh khối B đạt trên điểm sàn nhưng chỉ tiêu dành cho NV2 ở khối thi này chỉ có 2.200, tỷ lệ chọi là 1 “chọi” 54,5.

Trong khi đó, ở khối C và D có 18.000 thí sinh điểm trên sàn với 4.300 chỉ tiêu, tỷ lệ là 1/4,2; ở khối A còn đến 30.000 chỉ tiêu cho NV2 cho gần 90.000 thí sinh có điểm trên sàn, tỷ lệ chỉ 1/2,7.

Điều này cho thấy, con đường vào đại học bằng cách cửa NV2 của thí sinh khối B mong manh nhất.

Ở Trường ĐH Y Hà Nội, mức điểm trúng tuyển vào các ngành từ 22 điểm đến 28,5 điểm nên mặc dù rất nhiều thí sinh có điểm thi đạt đến 28 điểm sẽ vẫn phải tìm đến NV2.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội, các ngành khối B cũng có điểm trúng tuyển cao ngất ngưởng, thấp nhất là 22 điểm và cao nhất là 26 điểm.

Riêng các trường ĐH ở khu vực TPHCM như Y dược, ĐH Khoa học Tự nhiên, Nông lâm… có đến 30.000 thí sinh khối B đạt 17 điểm trở lên đã trượt NV1.

Trong khi đó, có quá ít chỉ tiêu ở NV2 cho khối thi này. Hầu hết chỉ có các trường top cuối, các trường ngoài công lập có một vài ngành khối B tuyển NV2. Còn các trường top trên, top giữa, số lượng NV2 dành cho khối B quá khan.

ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội - trường được nhiều thí sinh khối B tìm đến khi trựợt NV1 ở các trường top trên nhưng các em cũng sẽ phải thở dài khi hầu hết các ngành khối B đã được “lấp kín” bằng NV1. NV2 còn duy nhất ngành Khoa học đất (Thổ nhưỡng) nhưng cũng chỉ còn đúng… 10 chỉ tiêu cho NV2 với mức điểm xét tuyển là 22 điểm.

ĐH Lâm nghiệp có 590 chỉ tiêu cho NV2, nhưng khối B chỉ có 30 suất ở ngành Quản lý bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường.

Chỉ có 70 chỉ tiêu NV2 ở ba ngành Lâm nghiệp, Nông lâm kết hợp, Ngư Y của trường ĐH Nông lâm TPHCM. Nhưng, các thí sinh khối B vẫn còn phải “bon chen” với thí sinh khối A vì các ngành này tuyển cả khối A,B.

Trong khi ở các khối thi khác, thí sinh có thể cân nhắc giữa các trường, tìm hoa mắt cũng khó nắm hết số trường, số ngành tuyển NV2 để lựa chọn thì ở khối B, con số các trường, ngành thí sinh có thể chọn chỉ đếm trên từng ngón tay…

Đi đâu, về đâu?

Có lẽ đây là câu hỏi đau đầu nhất của các thí sinh khối B trượt NV1, nhất là các thí sinh có điểm cao đang chán chường khi nhìn vào NV2.

Nếu ở khối A, các em trượt top trên các trường kinh tế, kỹ thuật sẽ không khó để tìm được ngành học mình yêu thích tại các trường top giữa, top dưới bằng NV 2. Nhưng ở khối B, khoảng cách giữa ngành học các em yêu thích nhưng không đỗ và các ngành ở NV2 lại quá xa và khác biệt.

Th.H, một thí sinh thi vào ĐH Y Hà Nội được 26,5 điểm nhưng không mấy mặn mà với NV2: “Sở thích của em là ngành Y, ít nhất nếu đi học cũng phải học ngành học tương tự nhưng biết tìm đâu ra. Chẳng lẽ “ép mình” đi học về chăn nuôi, trồng trọt. Em không hy vọng gì ở NV2, chỉ làm hồ sơ cho bố mẹ yên lòng chứ đỗ, trượt gì thì sang năm em cũng thi lại”.

Một thí sinh khác thi vào ngành Khoa học môi trường của ĐH Khoa học Tự nhiên Hà Nội được 24 điểm, cũng chia sẻ: “Quả thật bây giờ em không biết nộp hồ sơ vào đâu. Trường và ngành tuyển quá ít, chứ chưa nói tìm được ngành mình yêu thích. Học các trường top cuối hoặc Dân lập thì em không nghĩ đến, có học rồi em cũng sẽ thi lại, như thế sẽ thêm gánh nặng cho gia đình xã hội”.

Xem ra, với các thí sinh khối B, nhất là các thí sinh điểm cao đã trượt NV1 thì đành… chấp nhận trượt. Con đường NV2 chẳng mấy sáng sủa với các em khi việc chọn được ngành học mình thích đã khó, kể cả không kén trường thì các trường cũng tuyển rất ít.

Thí sinh Th.H thở dài: “Chỉ khác nhau mỗi một môn thi Sinh và Lý so với khối A mà cơ hội của các thí sinh khối B mong manh quá, có ít sự lựa chọn. Sang năm em sẽ ôn thi cả khối A, dù đó không phải là thế mạnh của em nhưng ít nhất có nhiều cơ hội và lựa chọn cho ngành nghề của mình hơn”.

Hoài Nam