Người thầy bất đắc dĩ

(Dân trí) -Sinh ra và lớn lên không được may mắn như bao người khác, sau nhiều vất vả, anh cũng tốt nghiệp đại học. Cầm tấm bằng trên tay nhưng anh đành gác lại ước mơ của mình vì sức khỏe yếu. Muốn chia sẻ kiến thức với thế hệ sau, anh mở lớp học tại nhà.

Anh là Phạm Văn Tường (SN 1985, ở làng Bót, xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa). Người thanh niên có khuôn mặt hiền hậu, ánh mắt sáng lên khi kể về cuộc đời mình, dù hoàn cảnh bản thân không được như bao người bình thường khác.
 
Sinh ra trong gia đình có bốn anh chị em, anh là con thứ hai trong gia đình. Khi vừa tròn một tuổi, Tường bị sốt, lúc đó bố thì đi bộ đội, mẹ và anh trai ở nhà. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, khi thấy Tường sốt cao quá, gia đình mới đưa đi bệnh viện. Những ngày nằm viện, Tường được tiêm thuốc và sau đó người bắt đầu bị teo phân nửa và liệt hẳn chân trái. Từ đó, Tường chỉ nằm một chỗ.


Sau một thời gian thuốc thang, châm cứu, Tường cũng ngồi dậy được và trải qua thời gian khổ luyện, anh cũng đi lại được nhưng rất khó khăn. Năm lên 10 tuổi, thấy bạn bè cùng trang lứa được cắp sách tới trường, ước mơ khao khát học chữ lại trỗi dậy trong cậu bé Tường. Anh xin bố mẹ cho đi học mẫu giáo rồi lên lớp 1… Những ngày tháng đến trường, đôi chân yếu không tự đi lại được, Tường phải nhờ mẹ cõng đi học.

Lớn lên, đi học xa nhà, những ngày bố mẹ đi làm nương, bạn bè đến chở đi học. Thời gian qua đi, những nỗ lực hết mình cuối cùng cũng được đền đáp khi năm 2002, Tường tốt nghiệp THPT. Rồi mơ ước vẫn cứ cháy bỏng trong con người mà hoàn cảnh khó khăn dường như không khuất phục được anh. Tường quyết tâm đi thi đại học, anh đăng ký dự thi vào ngành Toán Tin, ĐH Hồng Đức và đậu ngay lần thi đầu tiên.

Rời quê, xuống thành phố học đại học cách nhà hơn 70km, gia đình nghèo khó, bố mẹ không thể đi theo để chăm sóc, Tường phải tự dựa vào mình và nhờ bạn bè giúp đỡ. Bốn năm đại học, với bao khó khăn, gian khổ, bệnh tật hành hạ mỗi khi trái gió, trở trời, nhưng rồi tất cả cũng qua đi, 4 năm sau, Tường cũng đã có tấm bằng đại học trong tay.

Người thầy bất đắc dĩ
Dù bản thân bị thiệt thòi nhiều, nhưng thầy giáo Phạm Văn Tường luôn mong muốn giúp đỡ các em học sinh.

Sau khi tốt nghiệp xong, với suy nghĩ người khỏe mạnh cũng còn khó khăn, trong khi mình bệnh tật nên anh không nộp hồ sơ xin đi dạy mà ở nhà xin đi làm thêm ở quán photocopy.

Năm 2008, có chương trình mổ chỉnh hình miễn phí, gia đình đưa anh xuống thành phố với bao hi vọng, nhưng khi đến nơi thì Tường lại không nằm trong diện được mổ miễn phí, mà tiền thì gia đình không có. Rất may sau đó, một bác sỹ thấy hoàn cảnh gia đình khó khăn nên đã nhận giúp đỡ. Những ngày đi chữa bệnh, để trả ơn bác sỹ, anh vừa chữa trị, vừa dạy kèm cho con gia đình bác sỹ. Qua ba lần phẫu thuật chỉnh hình, giờ đây Tường có thể tự đi lại được tuy còn nhiều khó khăn, phải lần lựa từng bước đi.

“Ngay từ lúc nhỏ khi đã biết suy nghĩ, còn sống với bố mẹ, bố mẹ còn giúp đỡ, sau này bố mẹ già thì mình làm sao đứng trên đôi chân của mình. Suy nghĩ của mình chỉ có con đường học hành thôi. Sau bao năm học hành vất vả, về nhà nếu vứt bỏ thì tiếc, lại thấy các em học sinh vất vả như mình. Tôi nói với bố mẹ làm cho nhà tranh để mở lớp dạy học”, anh Tường chia sẻ.

Một năm sau từ khi lớp học được mở ra, học sinh nghe tiếng tìm đến ngày một đông. Các bậc phụ huynh thấy con em mình có nhu cầu học thầy Tường nên cũng đã tự nguyện đóng góp công, góp của xây dựng lên lớp học như bây giờ.

Đối tượng học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 và ôn thi đại học các môn Toán - Lý - Hóa. Có những em học sinh nhà cách xa gần 20 km cũng tìm đến lớp học của thầy. Lớp học duy trì được chủ yếu dựa vào lòng hảo tâm của học sinh và các bậc phụ huynh, bản thân thầy Tường không đặt ra bất kỳ mức phí nào.

Để có được kiến thức đáp ứng việc dạy học, thầy giáo Tường đã tự mua sách vở và xin lại của học sinh. Anh thường xuyên đọc sách, báo và xem ti vi để đổi mới phương pháp dạy. “Tùy vào độ tuổi, trình độ, mình phải tính toán làm sao cho chương trình học hợp lý để các em có thể tiếp thu một cách tốt nhất”, thầy Tường chia sẻ.

Mong muốn của thầy là làm sao truyền đạt cho các em tất cả những kiến thức mà mình có được và giờ đây, khi đã có gia đình riêng, anh cũng muốn làm một việc gì đó để giúp đỡ gia đình. Những năm qua, đã có biết bao học sinh là con em các dân tộc Mường, Dao tìm đến với lớp học của thầy giáo Tường, có em giờ đã tốt nghiệp đại học.

“Kiến thức thì vô hạn lắm, mình đọc sách báo để cập nhật kiến thức, sưu tầm nhiều sách báo. Nhiều em đi học đại học thường gọi điện về hỏi thăm, mình vui lắm. Có một trường hợp đặc biệt là có một em học sinh lúc đầu mới đến khi đang học lớp 9, thầy hỏi em ấy nói lên lớp 7 mới biết đọc. Lúc đầu cũng lo và nhận dạy thử mấy buổi, thời điểm đó em ấy chuẩn bị thi vào lớp 10, gia đình cũng đến nhờ. Thầy trò học ngày, học đêm, cuối cùng em ấy cũng tiến bộ lên, giờ em ấy đã tốt nghiệp lớp 12. Không biết có phải em ấy đến nhìn thấy hoàn cảnh mình mà quyết tâm không”, thầy Tường tâm sự.

Học sinh là niềm vui, động lực để thầy Tường vượt lên khó khăn.
Học sinh là niềm vui, động lực để thầy Tường vượt lên khó khăn.

Dù cuộc sống kinh tế của gia đình còn nhiều khó khăn, bản thân lại bị khuyết tật, nhưng thầy giáo Tường chưa bao giờ suy nghĩ mình sẽ nghỉ dạy học. Niềm vui với thầy là hàng ngày được đứng trước chiếc bảng và dạy các em học sinh nơi miền sơn cước này.

Có những ngày trái gió, trở trời, toàn thân đau nhức nhưng thầy Tường vẫn cố gắng bồi đắp cho các em học sinh có thêm nhiều kiến thức. Nhiều em muốn đến lớp học của thầy chỉ ngại đường xá xa xôi quá. Lúc đầu mới mở lớp ra, có nhiều em đến ở lại tại nhà học.

Niềm vui đối với "người thầy bất đắc dĩ" Phạm Văn Tường là hàng ngày, anh được ngồi trước chiếc bảng, được truyền đạt kiến thức mình đã học cho những em học sinh còn nhiều khó khăn. Niềm vui ấy lại khiến anh hạnh phúc hơn nữa khi có một gia đình nhỏ với cậu con trai vừa tròn 3 tuổi rất kháu khỉnh...

Duy Tuyên

Dòng sự kiện: 31 năm Ngày Nhà giáo VN