Người phụ nữ đứng sau một giải thưởng Toán học

(Dân trí) - Đã bước sang cái tuổi thất thập, lại mang trọng bệnh trong người, nhưng bà vẫn miệt mài làm công tác khuyến học. Người phụ nữ đó là bà Lê Thị Túy Đại, người đứng sau giải thưởng toán học mang tên chồng bà, cố Giáo sư Nguyễn Đình Chung Song.

Nối tiếp niềm tin

 

Nhớ đến thầy Chung Song, nhiều thế hệ học trò nhớ đến khả năng viết bằng hai tay của thầy. Những hình vẽ toán học trên bảng đen được thầy vẽ bằng hai tay cùng một lúc. Chữ ký của thầy cũng đặc biệt khi có hai đường thẳng song song.

 

Tâm huyết với công việc trồng người, thầy Chung Song từng tin rằng: Học sinh Việt Nam rất thông minh, nếu có điều kiện học tập, khả năng toán học của các em không hề thua kém học sinh các nước khác”.

 

Giải thưởng toán học Nguyễn Đình Chung Song do vợ thầy là bà Lê Thị Túy Đại (giáo viên dạy Văn ở trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM) sáng lập chính là để tiếp nối niềm tin này.
 
Người phụ nữ đứng sau một giải thưởng Toán học  - 1

Bà giáo Lê Thị Túy Đại phát biểu trong buổi lễ trao giải thưởng. Phía trên là di ảnh người chồng - cố Giáo sư Toán học Nguyễn Đình Chung Song.
 

Khi còn sống, thầy Song muốn đào tạo nên những học sinh có kiến thức toán học vững vàng để học lên cao hơn nữa. Thầy ra đi khi đang biên soạn dở dang bộ sách tự học môn toán vì thầy biết có những em không có tiền để đi học thêm.

 

49 ngày sau khi chồng mất, bà Túy Đại để bàn thờ ông trong phòng khách, mấy mẹ con nằm ngủ quanh bàn thờ. Bà không ngủ được, nghĩ rằng mình nên làm điều gì đó cho ông. Một năm sau, giải thưởng toán học Nguyễn Đình Chung Song ra đời.

 

Ngày 24/9/1992, giải thưởng được trao cho học sinh giỏi toán nhất lớp 9 của quận Phú Nhuận (TPHCM). Từ năm 1993, giải thưởng được liên tục tổ chức hàng năm vào đầu tháng 11 để tuyên dương các học sinh giỏi toán nhất TPHCM.

 

Khi thời gian không còn nhiều

 

Trong lần trao giải thưởng lần thứ 18 vừa qua, người ta thấy bà Túy Đại không còn nhanh nhẹn như mấy năm trước. Ngồi bên ngoài cánh cửa hội trường, bà liên tục dõi theo các em. Ít ai biết bà mang trong mình nhiều căn bệnh. Bị tiểu đường 22 năm, đến đầu năm 2007, bà bị suy não, mất thăng bằng. Trước khi đi, bà phải đứng khoảng 5 phút thì mới nhấc chân lên được.

 

Trước đó, bà bị thoái hóa đĩa đệm, xẹp ba đốt cột sống, vẹo cột sống, chèn dây thần kinh. Đối với bà, thời gian sống được đếm bằng tháng, bằng tuần chứ không phải bằng năm. Trao xong giải thưởng Nguyễn Đình Chung Song vừa rồi, bà về nhà và nằm cả tuần. Cả nhà lo lắng hết sức nhưng rồi bà cũng qua được. Bà mệt nhưng mừng vì mình còn có thể đứng lên trao giải cho các em.
 
Người phụ nữ đứng sau một giải thưởng Toán học  - 2

Bà Túy Đại với 3 học sinh giỏi Toán nhất TPHCM năm 2009.

 

Năm nay 75 tuổi, trong người mang bệnh nhưng bà Túy Đại vẫn tìm cách liên lạc với các em được nhận giải thưởng. Với bà, đó là niềm vui và cũng là việc phải làm. Dù rằng, từ khi bị xẹp đốt sống đến nay, phần lớn công việc tổ chức trao giải do thầy Song Minh, con trai bà đảm nhận. Mỗi khi muốn viết email cho các em học sinh, bà viết ra giấy rồi thầy Song Minh gõ lại. Sức khỏe yếu nên mỗi ngày chỉ nói chuyện qua điện thoại với 1-2 em học sinh mà thôi.

 

Những ngày này, bà chủ yếu nằm trên ghế. Nhưng bà vẫn nhớ như in những kỷ niệm từ ngày đầu giải thưởng được thành lập. Lúc đầu, nhiều người tưởng đây là học bổng nên trước ngày trao giải, các bậc bố mẹ đến xin cho con một suất vì nhà nghèo, học giỏi. Mỗi lần chuẩn bị trao giải vào tháng 11 thì bà phải bắt đầu chuẩn bị từ hồi tháng 7. Gian nan nhất là việc tìm địa chỉ để liên lạc với các em học sinh. Với những em vừa đậu đại học hoặc vừa tốt nghiệp đại học thì việc tìm địa chỉ lại càng khó khăn hơn nữa.

 

Để có tiền cho giải thưởng, những thành viên trong gia đình dành dụm bỏ tiền vào ống heo. Bà Túy Đại luôn kiên quyết từ chối bất kỳ sự tài trợ nào mang mục đích kinh doanh. Bà thổ lộ: “Tôi không muốn mang tiếng cho giải thưởng. Như vậy là có tội với ông”. Mỗi lần trao giải thưởng là mỗi lần cuốn kỷ yếu lại dày thêm danh sách những Mạnh Thường Quân.

 

Ở tuổi 75, bà Túy Đại vẫn còn đầy minh mẫn. Bà nhắn nhủ học sinh: “Ba mẹ cho các em trí tuệ, sức khỏe. Thầy cô có công khai tâm cho sáng. Không gì có thể thay thế vai trò người thầy. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, thầy cô còn truyền sĩ khí, hình thành nhân sinh quan cho học trò”.  

Từ trước năm 1975, thầy giáo Nguyễn Đình Chung Song đã nổi tiếng khắp miền Nam về phương pháp sư phạm cũng như trình độ toán học.
 
Thưở ấy, theo như lời kể của bà Túy Đại, những chủ trường tư thục đến tận nhà thầy, có khi chờ đến 11, 12 giờ đêm chỉ để mời thầy về dạy hai giờ một tuần. Với mức thù lao 150 đồng/giờ dạy, ở vào thời điểm ấy có thể thấy sự “hâm mộ” của các trường với giờ dạy của thầy Chung Song như thế nào.
 
Từ Huế, thầy Chung Song được mời đi dạy ở Hội An, Long Xuyên, Đà Lạt, Mỹ Tho, Sài Gòn. Ông cũng là một trong những người đầu tiên ở Sài Gòn nghiên cứu về tân toán học.
 

Sau năm 1975, thầy về dạy ở trường Sư phạm bồi dưỡng cấp 2-3, trường CĐ Sư phạm TPHCM, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM. Trong 44 năm dạy học, thầy Chung Song xuất bản trên 20 đầu sách về hình học, lượng giác, đại số, xác suất, tích phân...

 Hiếu Hiền