Người "gieo" chữ Việt bên đền Angkor

Bận bịu mưu sinh ngay giữa thành phố du lịch Siem Reap (Campuchia), một thanh niên quê Đồng Tháp vẫn mở lớp dạy chữ Việt miễn phí cho nhiều con em Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở nơi đây.

Từ trăn trở... người xa xứ

Siem Reap những ngày cuối tháng 3, thời tiết nóng hầm hập như ở TP.HCM. Giữa những con phố đầy ắp khách du lịch đến từ khắp nơi trên thế giới là một lớp học dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều nép mình trong ngôi nhà mái tôn, vách lá. Đứng lớp là hai vợ chồng anh thanh niên quê tận Cao Lãnh, Đồng Tháp là anh Bùi Hoàng Sang và chị Huỳnh Thị Thanh Hằng.

Mới 33 tuổi đời, nhưng Sang có hơn 15 năm lưu lạc kiếm kế sinh nhai ở đất nước Chùa Tháp. Để tồn tại, Sang phải thay đổi hàng tá ngành nghề khác nhau. Và nghề bán hàng rong đã đưa đẩy Sang nay đây mai đó khắp các tỉnh thành ở Campuchia. Sang tự nhận ra sự gian nan vất vả, tủi khổ cùng cực của những con người xa xứ. Sang nhớ, ngày ấy, Siem Reap có ba cái ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Không phải là những đèn đỏ hướng dẫn giao thông như ở Việt Nam mà “đèn đỏ” ở đây ám chỉ là nơi hành nghề mại dâm của những cô gái Việt tha hương.

Cảm thấy buồn, thấy xấu hổ và tủi nhục nên hằng đêm, Sang suy nghĩ làm sao giúp trẻ em Việt nơi đây khi lớn lên không phải mưu sinh bằng thể xác dưới những “ánh sáng đáng ngờ” nơi đất khách. Sang cho rằng chỉ có sự học, mới giúp các em hiểu biết được nguồn cội, gốc tích quê hương để sau này có được cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thế là ngoài việc bôn ba kiếm sống, tự mày mò học hỏi, Sang tích cóp, tranh thủ mở lớp học tình thương, dạy học miễn phí cho các em. “Mình muốn giúp các em có kiến thức, giúp các em không quên gốc tích của mình và quan trọng hơn là phải biết tiếng Việt, văn hóa Việt. Mình rất lo là các em sẽ như thế nào trong khi tệ nạn xã hội luôn rình rập. Thôi thì giúp tới đâu cũng được, miễn sao cho các em được học là mình vui rồi, dù công việc của mình sẽ khó khăn vất vả hơn”, Sang tâm sự.

Ngoài việc đảm nhận lớp học tình thương, dạy tiếng Việt, tiếng Anh miễn phí cho con em người Việt có nhu cầu, Sang còn giúp đỡ công tác xã hội cho cộng đồng người Việt tại đây.

"Gieo" chữ vì những mảnh đời con

Năm 2004, nhờ những kiến thức tự học, tự hiểu mà Sang đã tìm được cho mình một công việc thuận lợi hơn, có thu nhập khá hơn đó là nghề hướng dẫn viên du lịch. Cũng từ đó, lớp học ra đời và đến nay đã có khoảng 90 em đang theo học tiếng Việt từ vỡ lòng đến lớp 2. Trong số này, cũng có con, em của những cô gái mưu sinh từ những nơi “đèn đỏ” ấy. Lớp học của Sang (cũng là nơi ở của Sang) chỉ là nơi thuê mướn nhưng đã có mái tôn che mưa che nắng, có ít sách vở, bàn ghế để các em thay nhau học.

Nguyễn Hảo Hôm đã 13 tuổi đang học lớp 2 kể: “Em nghe ba nói, quê em ở tận Sài Gòn cơ. Thấy em không biết chữ nên thầy Sang dẫn về đây học, thầy quan tâm tụi em lắm”.

Còn với Nguyễn Văn Lợi, đã 16 tuổi, không rõ quê gốc ở đâu nhưng cả năm nay vào học lớp thầy Sang thì thấy vui vẻ, phấn chấn hẳn lên, hiểu được phận làm người, hiểu được ý nghĩa hai chữ quê hương. “Mới đầu nhờ bạn dẫn vô, em thấy vui lắm nên ở học luôn. Em quyết tâm học cho biết cái chữ chứ không sau này mình dốt”.

Công việc cũng như tâm tư tình cảm của Sang còn được chia sẻ bằng nửa kia của mình là cô gái gốc gác ở TP.HCM. Ngoài công việc của một người vợ, người mẹ, Hằng còn bồng bế con lên lớp tiếp sức sứ mệnh dạy chữ khi chồng vắng nhà. Hằng tâm sự: “Tâm nguyện của em cũng giống như anh Sang, làm sao giúp các em biết cái chữ, biết được tiếng “mẹ đẻ” để sau này khi trở về Việt Nam các em không bị bỡ ngỡ…”

Người "gieo" chữ Việt bên đền Angkor - 1

Chị Hằng, vợ anh Sang vừa bồng con vừa dạy chữ.

Điều Sang lo lắng nhất là thời hạn thuê nhà 3 năm sắp hết, không biết có được thuê tiếp hay không. Sang còn mong sao cho các em có xe đạp, có thêm sách vở và không bỏ học vì phải theo gia đình “trốn nợ” chuyển đi nơi khác.

Theo H.Nguyễn
VietNamNet